Khai thác tiềm năng để giàu lên từ biển

Đan Tâm |

Trong lộ trình phát triển, các nhà chiến lược đã khẳng định, thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Hướng ra biển và làm chủ đại dương đang trở thành xu hướng chung của các nước có biển trên thế giới, xem đó là mục đích lâu dài có tính chiến lược cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong xu thế chung đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo để trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển trong tương lai gần.

Trong bản đồ du lịch của Việt Nam và quốc tế, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch biển. Đối với các nước trên Hành lang kinh tế ĐôngTây (EWEC), Quảng Trị là lối mở ngắn nhất nối Myanmar, Thái Lan, Lào ra biển Thái Bình Dương. Có một điều thú vị là, những di tích lịch sử cách mạng của tỉnh đều gần biển và kết nối thuận tiện với dịch vụ du lịch biển.

Chuẩn bị ngư lưới cụ để tiếp tục vươn khơi -Ảnh: Đ.T
Chuẩn bị ngư lưới cụ để tiếp tục vươn khơi -Ảnh: Đ.T
Khởi hành từ thành phố Đông Hà vào buổi sáng, du khách có thể ngược Quốc lộ 9 đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, theo đường Hồ Chí Minh thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xuôi về cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, ra địa đạo Vịnh Mốc và sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực tại bãi tắm Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.

Đến với biển Cửa Việt, du khách không chỉ trải nghiệm không gian trong lành, hải sản tươi ngon, người dân mến khách mà còn được sống lại ký ức hào hùng của miền đất này đã làm nên trận Bạch Đằng trên sông Hiếu, chiến thắng Cửa Việt năm 1973…

Khi kết thúc tham quan Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, du khách có thể tiếp tục hành trình đến thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và thưởng thức hải sản, tắm biển Triệu Lăng hết sức thuận tiện. Bãi biển Mỹ Thủy, nơi “trái tim” của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, truyền kỳ về sự tích anh hùng của người con gái quê biển Trần Thị Tâm vẫn luôn được nhắc nhớ…

Căn cứ quy hoạch tổng thể, việc quy hoạch các khu, điểm du lịch tiêu biểu được triển khai chi tiết tại các địa phương để khai thác hết tiềm năng, lợi thế biển. Ở Vĩnh Linh có các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như Rú Lịnh, biển Vĩnh Thái, Mũi Trèo-Rú Bàu, biển Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải. Huyện Gio Linh có các khu dịch vụ du lịch biển Cửa Việt, kết nối Cửa Việt-Cửa Tùng.

Triệu Phong có Khu du lịch dịch vụ ven biển Triệu Lăng kết nối với Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, du lịch dịch vụ ven biển Hải Khê, Hải Lăng. Huyện đảo Cồn Cỏ có Khu du lịch đảo Cồn Cỏ kết nối với khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ. Việc hình thành chuỗi liên kết các khu, điểm du lịch đã tạo thuận lợi để phát triển thương mại-dịch vụ, du lịch biển.

Trên cơ sở đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị thực hiện các dự án về phát triển thương mại-dịch vụ, du lịch biển; tập trung huy động, sử dụng lồng ghép nhiều nguồn lực để tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp với việc quảng bá các hoạt động dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm cộng đồng và các cụm, điểm du lịch dịch vụ biển, đảo...

Với chiều dài bờ biển 75 km, ngư trường rộng hơn 8.400 km2 mang lại cho Quảng Trị nhiều ưu thế trong việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế biển. Trữ lượng hải sản vùng biển của tỉnh khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó có nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, mực nang, cua, hải sâm, tảo và một số loài cá, san hô quý hiếm. Ước tính sản lượng thủy sản khai thác hằng năm đạt 30.000 tấn. Hiện hoạt động đánh bắt phát triển mạnh tạo thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản.

Được mùa cá -Ảnh: Đ.T
Được mùa cá -Ảnh: Đ.T
Hằng năm, các DN, hộ kinh doanh dịch vụ đưa vào chế biến hàng chục nghìn tấn hải sản các loại; nhiều sản phẩm chế biến thủy, hải sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận về chất lượng, bán ra thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh, nhất là hệ thống cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vùng Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ.

Ngoài khơi xa Quảng Trị, Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được thành lập vào năm 2009 nhằm bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô và các loại động, thực vật biển quý hiếm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở Cồn Cỏ, trong số 135 loài động vật đáy cỡ lớn có 44 loài có giá trị kinh tế, 5 loài quý hiếm có nguy cơ đe dọa ở mức lớn và rất lớn. Trên thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Quảng Trị khoảng 120 km, có tiềm năng về nguồn khí ở các mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu với trữ lượng từ 60-100 tỉ m3 .

Khu vực mỏ nằm gần đảo Cồn Cỏ, nếu khai thác nguồn khí này đưa vào đất liền thì tỉnh Quảng Trị là địa điểm gần nhất và tạo ra khả năng cho phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu khí đốt và vật liệu công nghệ mới.

Đối với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các dự án ưu tiên đầu tư gồm: các công trình bảo vệ luồng tàu nhân tạo và cảng đào, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trung tâm nhiệt điện, tổ hợp công nghiệp khí-điện, khu công nghiệp vật liệu mới, khu dịch vụ du lịch, trung tâm hậu cần khu vực, cảng xăng dầu…

Trong định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị thời gian tới vẫn lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm. Theo đó, khu vực phía Bắc gồm các xã ven biển huyện Vĩnh Linh và Bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng, đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa. Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt, phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khu vực phía Nam ở huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương, thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đề xuất đưa vào quy hoạch tam giác kinh tế Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ trở thành khu du lịch tiềm năng quốc gia, có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch của các nước trên Hành lang kinh tế ĐôngTây cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Quảng Trị có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi. Tháng 8/2022, tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị xem xét, bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ vào quy hoạch phát triển điện lực.

Dự án dự kiến có quy mô công suất 1.000MW, địa điểm xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và huyện Gio Linh. Điện gió ngoài khơi hiện nay được thế giới quan tâm như một nguồn năng lượng an toàn và là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch…

Việc tập trung thực hiện chất lượng, hiệu quả Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là điều kiện cơ bản, có tính quyết định để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Mong muốn Tập đoàn Phú Mỹ Hưng đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, khu đô thị, khu công nghiệp và năng lượng mới

Thanh Trúc |

Ngày 27/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và lãnh đạo các sở, ngành có chuyến thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với Tập đoàn Phú Mỹ Hưng (Đài Loan).

Niềm vui từ mùa biển mới

Hải An |

Do trời rét đậm nên đến ngày 31/1/2023 (10/1 âm lịch) ngư dân vùng biển bãi ngang như thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng), Thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị)… mới bắt đầu ra khơi.

Phóng sự ảnh: Ngư dân vùng biển bãi ngang đón “lộc” cá khoai đầu năm

Lê Trường |

Những ngày sau tết Nguyên đán Quý Mão, ngư dân vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị) tích cực ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Sản phẩm thu được từ những chuyến biển đầu năm của bà con chủ yếu là cá khoai (còn gọi là cá cháo). So với thời điểm này năm ngoái, sản lượng đánh bắt không bằng nhưng ngư dân cũng có nguồn thu nhập ổn định. Phóng sự ảnh do PV Lê Trường thực hiện tại bãi biển thuộc Thôn 6, xã Triệu Lăng vào chiều qua 6/2.

Ngư dân rộn ràng “mở biển” đầu năm

Lê An |

Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đồng loạt vươn khơi bám biển và trở về với những mẻ lưới đầu tiên đầy ắp tôm cá, mang theo nhiều kỳ vọng về một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt hiệu quả.