Thời gian qua, trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đã phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng từ việc xét nghiệm những trường hợp có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi… Đáng lo ngại là qua khai thác dịch tễ, nhiều trường hợp trước đó đã chủ quan cho rằng bị cảm cúm thông thường nên đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn để mua thuốc về tự điều trị. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước tình hình này, Sở Y tế đã có văn bản số 2049/SYT-NVD ngày 21/9/2021 yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh bên cạnh việc tuân thủ quy định 5 K phải có sổ ghi chép và theo dõi lịch sử những người đến mua thuốc (tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày, giờ mua thuốc và ký tên vào sổ). Đối với những trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở… đến mua thuốc thì quầy thuốc không thực hiện bán thuốc mà có trách nhiệm thông báo thông tin của bệnh nhân cho trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn bệnh nhân đến ngay trung tâm y tế trên địa bàn khám chữa bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Quy định này nhằm sàng lọc sớm những trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế các quầy bán thuốc tây trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chấp hành nghiêm túc quy định này.

Điển hình tại thành phố Đông Hà, rất ít quầy thuốc có sổ ghi chép thông tin, lịch sử người đến mua thuốc một cách đầy đủ. Việc ghi thông tin khách hàng ở các nhà thuốc, hiệu thuốc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức vì chủ yếu dựa vào sự tự giác của khách hàng. Người nào nhớ thì chủ động ghi, người không ghi cũng không thấy ai nhắc nhở hay kiểm tra lại xem thông tin khách ghi có chính xác hay không. Với cách ghi thông tin kiểu đối phó như thế, nếu chẳng may có F0 cùng đến quầy mua thuốc thì việc truy vết sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp vào hỏi mua thuốc cho người nhà bị ho, sốt, nhức đầu, rát họng… vẫn được các quầy thuốc bán mà không hề có hướng dẫn gì về việc khai báo y tế cũng như thông tin cho cơ quan chức năng địa phương biết về những trường hợp này.
Triệu chứng nhiễm COVID-19 tương đối giống triệu chứng cảm cúm thông thường, trong khi vào thời điểm mùa đông, thời tiết mưa, rét như hiện nay rất nhiều người dễ bị viêm họng, cảm cúm với các biểu hiện đau mỏi cơ, ho, sốt, nhức đầu, mệt mỏi… khiến người dân chủ quan, duy trì thói quen cũ là đến quầy thuốc tây tự mua thuốc về điều trị. Mặc dù các loại thuốc hạ sốt, trị cảm cúm thông thường là thuốc không kê đơn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế đã có quy định “không bán thuốc” cho những trường hợp này nhằm sàng lọc, tầm soát những trường hợp nghi ngờ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Vì thế, hơn ai hết những dược sĩ, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dược (cũng là người hoạt động trong ngành y) cần chấp hành nghiêm túc quy định này để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh trách nhiệm thông báo với cơ sở y tế địa phương về những trường hợp này, các cơ sở bán lẻ thuốc cần tư vấn, nhắc nhở người bệnh chủ động thực hiện xét nghiệm, sàng lọc COVID-19 kịp thời. Lời khuyên này không chỉ giúp người bệnh bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng mà còn góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch của địa phương.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch đang trở nên phổ biến. Vì thế, thay vì sử dụng sổ giấy ghi thông tin cá nhân khách hàng, mỗi nhà thuốc, quầy thuốc cần sử dụng phần mềm phòng chống COVID-19 được cấp phép để tạo mã QR dán ở vị trí phù hợp; nhắc nhở khách hàng chủ động quét mã QR khai báo y tế khi đến mua thuốc tại quầy. Cách làm này sẽ giúp các cơ sở kinh doanh dược kiểm soát chặt chẽ người ra, vào quầy thuốc mà không cần mất nhiều thời gian. Đây cũng là hình thức khai báo giúp cơ quan chức năng có thể chủ động phát hiện sớm các trường hợp nguy cơ, từ đó thực hiện sàng lọc theo quy định.
Để chấn chỉnh tình trạng các cơ sở kinh doanh dược bán thuốc cho người nghi nhiễm COVID-19 (biểu hiện ho, sốt, rát họng…) mà không thông báo tới cơ quan có thẩm quyền, hiện nay nhiều địa phương trong nước như ở Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng… đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và mạnh tay xử phạt các chủ quầy thuốc tây khi phát hiện vi phạm các quy định trên. Việc làm này được dư luận đồng tình ủng hộ.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh việc ban hành quy định và tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của mỗi người về các biện pháp phòng chống dịch, ngành y tế tỉnh cần có cơ chế phối hợp hoặc giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn. Điều quan trọng nhất trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay đó là xây dựng nhà thuốc, quầy bán lẻ thuốc trở thành những điểm kiểm soát dịch bệnh ngay từ cơ sở.
Khi phát hiện cơ sở bán lẻ thuốc không thực hiện nghiêm túc việc ghi chép thông tin khách hàng, không báo cho ngành chức năng và chính quyền địa phương về các trường hợp ho, sốt đến mua thuốc để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thì cần có chế tài xử phạt nghiêm, có thể xem xét mức độ vi phạm rút giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động một thời gian để răn đe, làm gương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)