Việc phát hiện sớm người bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt để điều trị, hoặc quản lý, chăm sóc sẽ mở ra chương mới để giúp người bệnh có thể hòa nhập trở lại cuộc sống.
Trên thực tế có không ít trường hợp bị trầm cảm nhưng chậm phát hiện, bệnh diễn tiến nặng, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi dẫn đến gây trọng án.
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mới đây đã đưa ra xét xử vụ án Giết người, mà bị cáo chính là mẹ ruột của bị hại. Đứa trẻ xấu số, tuổi đời chưa tròn ngày thôi nôi ấy đã tắt lìa sự sống trong cơn điên loạn bộc phát của người mẹ nghèo do trầm cảm sau sinh nhưng không kịp phát hiện để chữa trị. Câu chuyện dù biết gợi nhắc sẽ gây ra sự đau lòng cho những người trong cuộc nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về sự nghiêm trọng mang tên nỗi đau trầm cảm.
Nữ bị cáo T.Kh. (31 tuổi), là người đồng bào thiểu số ở vùng cao Quảng Trị. Sau 12 năm kết hôn, Kh. đã là mẹ của 3 đứa con. Chồng của Kh. hiền lành, gia đình tuy nghèo nhưng đầm ấm, thuận hòa. Tuy nhiên, sau khi sinh đứa con thứ 3 vào năm 2021, sức khỏe của Kh. giảm sút, rơi vào trầm cảm sau sinh, không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, hay nổi nóng, hay tự trách mình không chăm được con và diễn biến bệnh ngày càng nặng. Cho đến khi Kh. gây án mạng, qua giám định mới hay đã bị cáo bị bệnh tâm thần phân liệt.
Tại tòa, nhìn Kh. thi thoảng đảo ánh mắt vô hồn, có lúc lại ngấn lệ, sụt sùi, chồng, cha rồi cả anh trai bị cáo và dân bản đều chảy nước mắt vì thương bị cáo.
Chủ tọa điều hành phiên xét xử và thẩm phán thành viên đều có nhiều năm công tác gắn bó với địa bàn vùng núi Quảng Trị nên rất hiểu về điều kiện, đời sống khó khăn của người dân nơi đây. Cùng với đó là sự linh hoạt trong quá trình xét hỏi nhằm làm rõ vụ án, hành vi nhưng vẫn tránh cho bị cáo không bị xúc động mạnh khi phải gợi nhắc lại chuyện đau buồn. Vụ việc thương tâm xảy ra đúng vào dịp cận Tết.
Đó là ngày 28/1/2022, nhằm ngày 26 tháng Chạp, lúc ấy, mọi người vẫn tranh thủ lên rẫy, chỉ Kh. ở nhà trông coi con út 8 tháng tuổi. Khi đang ẵm con tại nhà bố đẻ thì con quấy khóc. Kh. dỗ dành mãi mà con vẫn không nín, lúc này khuôn mặt người mẹ đổi sắc, giận giữ, nảy sinh ý định hại con. Kh. bế con xuống nhà bếp. Trong cơn điên dại cùng với ánh dao lóe lên trong tích tắc, Kh. đã sát hại con mình. Như người vô hồn, Kh. đưa con ra Rừng Ma để chôn.
Sự việc này được một cháu bé trong bản đi qua nhìn thấy nên chạy về báo cho mọi người. Ai nấy hoảng hốt chạy vào rừng thì Kh. bình thản nói: “Con chết rồi, đừng đưa đi bệnh viện nữa”. Ngay lập tức mọi người đào đất đưa thi thể cháu bé lên.
Theo kết luận giám định ngày 20/4/2022 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung: “Trước thời điểm gây án, Kh. bị tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển liên tục (F20.30); hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Thời điểm hiện tại: tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển liên tục, giai đoạn bệnh cấp tính; mất khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Đối tượng cần được điều trị bắt buộc hoặc điều trị nội trú tại cơ sở chuyên khoa tâm thần”. Sau đó, Kh. được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Đến ngày 13/7/2022, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung kết luận: Kh. bị tâm thần phân liệt thể không biệt định, tiến triển từng giai đoạn với thiếu sót ổn định, đối tượng cần được điều trị ngoại trú liên tục. Hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Sau thời gian được chữa trị, sức khỏe tinh thần Kh. khá hơn nhưng cũng chính lúc đó, Kh. nhận ra nỗi đau xé lòng khi chính mình tước đi mạng sống của đứa bé. Các y bác sĩ và cán bộ trại tạm giam đã giúp người mẹ trẻ này vượt qua bấn loạn cũng như hợp tác điều trị, điều tra. Ngày ra tòa, Kh. được gặp người thân.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, chồng Kh. nén nỗi đau mất con, nghẹn ngào xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt cho người vợ bệnh tật, tội nghiệp của mình. Người chồng cho biết sau khi sinh con thứ 3, vợ ít nói, lại hay nổi cáu, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi nhưng bản thân anh không biết đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh và tâm thần.
Người thân kể Kh. có lúc ôm con đi lang thang; có lúc lên cây đòi nhảy xuống mấy phen khiến ai nấy hoảng loạn. Chỉ đến khi xảy ra vụ án, khái niệm “trầm cảm sau sinh” mới hiển hiện rõ trong đời sống của họ.
Đại diện Viện kiểm sát đề xuất mức án 7 đến 8 năm tù. Phía trợ giúp viên pháp lý Nhà nước bào chữa cho bị cáo đã đề nghị xem xét giảm nhẹ để Kh. sớm trở về với gia đình, với các con. Bởi thương yêu sẽ giúp Kh. vượt qua nỗi đau và điều trị bệnh tật. Xét toàn diện, Tòa tuyên án Kh. 7 năm tù về tội “Giết người”. Nhìn theo bóng lưng Kh. rời phiên tòa, ai nấy đều xót xa cho hoàn cảnh của cô.
Cũng trong năm 2022, một vụ án “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” mà người gây án cũng bị bệnh tâm thần phân liệt. Nạn nhân trong vụ án chính là chồng của bị cáo.
Nhiều năm về trước, người vợ này vốn dĩ có cuộc sống bình thường nhưng hôn nhân không hạnh phúc, thường xuyên bị bạo hành dẫn u uất, trầm cảm rồi bị tâm thần và được điều trị ngoại trú. Những vụ án trên đều cho thấy việc phát hiện kịp thời, quan tâm, hỗ trợ bệnh nhân điều trị có vai trò quan trọng, tránh những hậu quả nặng nề xảy ra.
Được biết, để phòng chống hiệu quả các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch hành động với mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch liên ngành; y tế cơ sở tăng cường truyền thông, tăng cường quản lý, phát hiện mới và điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. 60% số huyện có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm.
Tập huấn cho cán bộ y tế xã và y tế thôn, bản về sàng lọc và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tập huấn cho người làm công tác trợ giúp xã hội và cộng tác viên công tác xã hội về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người mắc các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.
Đây được xem là “chìa khóa” để mở ra cơ hội cho người bệnh. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, vai trò phát hiện bệnh từ người thân trong gia đình rất quan trọng. Khi phát hiện có dấu hiệu bất ổn từ người thân của mình, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)