Chị Đào với đam mê xây dựng thương hiệu “Bánh nhà làm”

Mỹ Hằng |

Nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), bởi chị là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, có doanh thu trên 30 tỷ đồng mỗi năm từ mô hình nuôi heo trang trại và sản xuất tinh bột nghệ. Không dừng lại ở đó, bằng tinh thần hăng say lao động, hiện nay chị đang theo đuổi đam mê xây dựng thương hiệu “Bánh nhà làm” và bước đầu đã có những thành công nhất định.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đào kể, từ nhỏ chị đã có đam mê mãnh liệt với nghề bánh, nấu ăn và ước mơ sẽ xây dựng được một tiệm bánh nhỏ. Tuy vậy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trước đây chị chưa thực hiện được. Thời gian gần đây, sau những thành công trong phát triển kinh tế, các con cũng đã lớn nên chị mới có điều kiện để theo đuổi đam mê của mình. Cuối năm 2019, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chị mạnh dạn đầu tư trên 600 triệu đồng để mua máy móc, quyết tâm “khởi nghiệp”.

 

Theo dõi quá trình làm bánh của chị Đào, chúng tôi được biết, để làm một chiếc bánh mất rất nhiều công đoạn. Trước hết phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu như: Trứng, sữa, đường, bột mì, bơ. Bước thứ hai đó là tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng gà cho vào máy đánh đều từ 10 đến 15 phút, trong đó lòng trắng phải được đánh tơi thành bông kem. Sau đó, đem hai hỗn này trộn đều với bột mỳ và sữa tươi đã được pha sẵn rồi mới cho vào khuôn bánh, đem nướng. Tùy theo từng loại bánh, người làm sẽ chọn thời gian nướng, nhiệt độ nướng khác nhau nhằm tạo hương vị, màu sắc bắt mắt.

Vừa nhanh tay cho bánh vào khuôn, chị Đào tâm sự với chúng tôi: “Nghề làm bánh giống như làm dâu trăm họ, khách hàng mỗi người mỗi ý, nên muốn dung hòa được hết đòi hỏi người làm bánh không chỉ khéo léo mà phải thật sự yêu nghề, đặt hết tình yêu vào nó. Ngoài áp dụng kiến thức cơ bản về bột, nguyên liệu kết hợp, người làm bánh phải sáng tạo trong chế biến, khéo léo trong việc trang trí, cập nhật xu hướng bánh mới phù hợp yêu cầu khách hàng”.

Cũng theo chị Đào, điều đặc biệt là hấu hết những nguyên vật liệu làm bánh đều do tự tay chị và người thân trong gia đình làm ra. Trứng gà thì do trang trại nuôi gà của con trai chị cung cấp; bí đỏ, bột ngô hay tinh bột nghệ thì chị trồng và đã chế biến thành phẩm. Riêng đối với sản phẩm tinh bột nghệ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm bánh mà chị làm ra đều không có chất bảo quản, chính vì vậy chị rất yên tâm khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn, chị Đào cho hay, đối với chị, khó khăn lớn nhất của người khởi nghiệp là khi bắt đầu, không được đào tạo bài bản, không được ai hướng dẫn mà chỉ men theo lối mòn, tự tìm đường mà đến. Chị cũng không nhớ là mình đã phải bỏ đi bao nhiêu mẻ bánh để tạo ra một sản phẩm ưng ý và mất bao đêm thức trắng mày mò, tìm ra công thức riêng. “Làm bánh yêu cầu phải rất tỉ mỉ, bởi sảy một ly là đi một dặm, sai một bước là cả chiếc bánh vứt đi”, chị Đào bộc bạch.

Không chọn những gì cao xa, dùng chính niềm đam mê của mình để tăng thêm thu nhập và niềm vui từ trong gian bếp nhỏ, chị Nguyễn Thị Anh Đào đang lan tỏa những mùi hương ngọt ngào của bánh trái đến với nhiều gia đình. Hiện nay, tiệm bánh của chị sản xuất 7 loại bánh đó là bánh bông lan xốp, bánh quy bơ sữa, bánh quy tinh bột nghệ, bánh quy tinh bột ngô, bánh quy bí đỏ.... với nhiều kiểu dáng khác nhau. Trung bình mỗi ngày chị Đào làm khoảng 350 bánh bông lan nhỏ có giá bán 3 ngàn đồng/chiếc; 15kg bánh quy bơ các loại, giá bán 170 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của chị Đào, trong năm 2020, chị có thu xấp xỉ 100 triệu đồng từ tiệm bánh của mình. Chị bộc bạch: “Tôi cũng chỉ lấy công làm lãi mà thôi. Hạnh phúc lớn nhất mà tôi có chính là tôi đã được sống với đam mê và đem lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.

Không chỉ năng động trong làm kinh tế, chị Nguyễn Thị Anh Đào còn là người có tấm lòng nhân hậu. Thời gian quan, chị đã dành nhiều tâm huyết cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Từ việc luôn chủ động giúp đỡ các gia đình khác vươn lên phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm; đến những món quà tình nghĩa ấm áp dành cho có hoàn cảnh khó khăn, cho học sinh nghèo hiếu học; hay mới đây là giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào miền Nam, người dân ở thành phố Đông Hà do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19...

Chia tay chị Đào trong niềm xúc động, càng trân trọng hơn khi nghĩ về những việc chị đã làm. Chị thực sự là tấm gương sáng về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; biết vươn lên làm giàu chính đáng và biết sống nghĩa tình.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

Sống tốt với đam mê

Ngọc Lan |

Từ bỏ cuộc sống với công việc và thu nhập ổn định, nhiều người mơ ước ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô gái có cá tính mạnh mẽ Hoàng Điệp ở Khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) quyết định trở về quê hương để thỏa sức với niềm đam mê từ nhỏ của mình, đó là làm vườn, trồng hoa. Rồi cũng chính niềm đam mê này đã đem lại cho Hoàng Điệp nguồn thu nhập ổn định ở quê nhà.

Niềm đam mê bóng đá của các em nhỏ người Vân Kiều

Trường Sơn |

Mặc cho sân chơi không được êm cùng quả bóng đá không hơi, các em nhỏ nơi miền núi Quảng Trị với đôi chân trần đã thỏa sức thể hiện, biểu diễn các trận bóng đá làng với đầy đam mê.

Nghị lực của cô gái mang bệnh xương thủy tinh với đam mê móc len

Trường Sơn |

Đó là em Lê Thị Hoài Nhớ (SN 2002, trú tại thôn Phương An 1, Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị) phát hiện mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ lúc 2 tuổi. Tuy đã sang bước tuổi 19 nhưng em chỉ cao 1,1m và nặng 29kg, việc đi lại rất khó khăn. Không nản chí trước căn bệnh, Nhớ đã học đan móc len bằng tay, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, được rất nhiều người yêu thích.

Ngọc Châu và niềm đam mê với bóng đá phủi

Nguyễn Minh Đức |

Phạm Ngọc Châu, sinh năm 1996, ở Khu phố 11, Phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tạo dựng được hình ảnh, tên tuổi trong nhiều giải bóng đá phủi, phong trào trên toàn quốc. Dấu ấn đậm nét của chàng trung vệ này là gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trong giải bóng đá trẻ toàn quốc và bóng đá phủi, phong trào khu vực miền Trung, miền Nam.