Sông Thạch Hãn chảy qua làng Trà Liên quê tôi trong xanh lặng lờ. Có lẽ là một trong những khúc rộng nhất.
Từng nghe kể năm Mậu Ngọ 1558, đoàn thuyền của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng trên đường biển vào Nam, tới Cửa Việt thì theo sông này đến địa phận làng tôi, ngài đã dừng lại đóng lỵ sở, lập nên dinh Trà Bát khiến làng tôi từ vùng quê cát trắng hoang vu trở nên phồn thịnh, tên làng cũng từ đó mà lưu danh trong sách sử.
Sách xưa còn ghi lại rằng thời Chúa định đô ở làng Trà Liên, trên đoạn sông qua làng với lưu vực rộng được quân đội dùng làm nơi diễn tập thủy quân và mở cảng thị Bến Ghềnh, thuyền buôn từ nhiều phương tụ về, trên bến dưới thuyền tấp nập bán mua. Qua bao biến thiên tao loạn, thương cảng cổ hôm nay đã bị dòng sông bồi lấp dần, Dinh Chúa cũng mất dấu nhưng người làng tôi vẫn còn gìn giữ những tập tục văn hóa của vùng đất vua chúa một thời. Đoạn sông qua làng vẫn còn đó lễ hội đua thuyền như nhắc nhớ một thuở thương cảng đô hội nhất Đàng Trong mấy trăm năm về trước.
Đã thành lệ, lễ hội đua thuyền được làng tổ chức vào đầu mùa xuân, theo định kỳ ba năm một lần và ấn định diễn ra vào ngày mồng bốn tháng giêng. Ra tết tháng giêng là mùa nước cạn. Sông Thạch Hãn thót lại chỉ còn dòng chính. Bờ sông phía bên làng tôi nổi lên bãi cát trải dài thuận lợi mở hội đua thuyền. Người già kể lại, ngày xưa gọi là lễ hội bơi thuyền cầu đảo (cầu mưa). Người xưa tin rằng, hễ năm nào cuộc đua diễn ra tốt đẹp thì năm đó ruộng đồng xanh tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, nhiều tốt lành.
Làng Trà Liên chia thành chín xóm dân cư, mỗi xóm là một đội đua thuyền. Cuộc đua thuyền chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng các xóm đã phải chuẩn bị hàng tháng trước đó. Xóm nào cũng rộn ràng sắm sửa thuyền đua. Lo chọn tre, tìm thợ giỏi để đóng thuyền, đẽo chèo, đẽo dầm, bện quai chèo, nếu có sẵn thuyền rồi thì sửa sang lại, kẻ vẽ màu sắc. Mũi thuyền đến đuôi thuyền trang trí thế nào tùy theo tâm linh của từng xóm. Thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao trang trí thuyền phải là nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật. Có xóm phải mời thợ giỏi nơi khác đến tu sửa, kẻ vẽ thuyền và trả công rất hậu hĩ. Thuyền đua thường được để tại nhà ông trưởng xóm hoặc người có chức sắc trong xóm. Đến khi làng tổ chức đua thì các xóm lại khiêng thuyền ra bến nước hoặc đường cái để tu bổ, sơn quét.
Từ giữa tháng chạp, các xóm làm lễ hạ thủy thuyền đua. Lễ cúng để hạ thủy thuyền được tổ chức ngay tại bến nước. Với chiếc thuyền đua mới đan thì lễ cúng này được thực hiện rất chu đáo. Mỗi xóm chọn một vị trí thuận lợi đặt thuyền và lập bàn thờ, yết cáo thần linh và cầu xin phù trợ để thuyền của xóm mình trong cuộc đua được an toàn, giành thành tích cao. Từ lúc sơn sửa thuyền đua đến khi hạ thủy, xóm phải tiến hành nhiều nghi lễ cúng bái. Những bô lão có chức sắc trong xóm đứng ra làm chủ lễ. Trong thời gian sơn sửa thuyền và đưa thuyền xuống nước tuyệt đối cấm kỵ nhiều điều, chẳng hạn những người “cao số”, có tang… sẽ không được tham dự; hay thợ sửa thuyền phải là người có tâm có đức và có hậu vận.
Sau lễ hạ thủy, các đội đua dành nhiều buổi để thử thuyền và tập dượt. Buổi đua thử thuyền người làng gọi là “thụa”. Tiêu chuẩn của thuyền đua phải nổi vừa trên mặt nước, khi lao về phía trước không chờm sóng và lướt được nhanh. Còn thuyền có mức đi không nhanh, lướt sóng chậm, nghiêng ngả dễ bị lật bị chìm thì phải khiêng lên bờ cân chỉnh lại cho đến khi thuyền nhẹ đi mau mới thôi.
Các buổi thụa cũng để xóm tuyển chọn quân. Trai, gái được chọn vào đội đua là những người khỏe mạnh nhất xóm, khỏe nhưng sức phải dẻo dai, dạn dày sông nước và có tinh thần thi đấu tuyệt vời. Đua thuyền quan trọng nhất là người cầm lái. Người này không những khỏe để điều khiển hướng đi do mấy người cầm dầm đang vục rất mạnh, mà phải khôn khéo để có thể lèo lái con thuyền không va chạm với thuyền đua khác và lộn vè (quay đầu) mà thuyền không bị lật. Người quan trọng thứ hai là người ngồi bơi ở mũi. Người này vừa chỉ huy nhịp bơi cho những người ngồi sau thả mái dầm theo nhịp vừa hô khẩu hiệu. Hai vị trí này quyết định sự thắng bại của đội đua nên xóm thường giao cho những người già dặn kinh nghiệm đảm nhận.
Những ngày cuối tháng chạp, dưới sông đã náo động tiếng chiêng trống, tiếng hò hét của những thuyền hạ thủy tập dượt. Các xóm cho thuyền thụa với nhau để cọ xát, rèn quân. Sau vài buổi thụa, thuyền các xóm phần nào đã phô diễn được khả năng của mình. Và cũng từ các buổi tập dượt, các xóm đo tốc độ thuyền mình rồi so sánh với thuyền bạn, từ đó đưa ra chiến thuật trong cuộc đua giải chính thức. Mặc dù chỉ là những buổi tập nhưng bà con tụ tập xem rất đông, bàn tán sôi nổi về thuyền này thuyền kia, đánh giá điểm mạnh yếu của từng thuyền, dự đoán thuyền nào là ứng cử viên vô địch…
Không khí gần ngày khai hội càng rộn ràng, việc nông trang đầu tắt mặt tối ai ai cũng gác lại cả. Làng xóm râm ran, nhà nhà đông vui, đường làng ngõ xóm rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Nam phụ lão ấu suốt ngày lên xóm xuống bến bàn tán, hội ý hội họp rất khẩn trương, căng thẳng. Ngày nào cũng 3 giờ sáng, khắp làng trên xóm dưới đã vang động tiếng kẻng báo, tiếng í ới gọi các tay bơi đi thụa. Tất cả thành viên đội đua thuyền tập trung ở nhà ông trưởng xóm. Ở đó đã có các mẹ, các chị đến từ trước nấu cháo để các vận động viên ăn lấy sức trước khi khiêng thuyền xuống bến tập dượt. Tiền sắm sửa thuyền đua và những bữa ăn đó cũng như cuộc liên hoan sau khi kết thúc hội đua do bà con trong xóm đóng góp. Con em ở xa không về được thì gửi tiền quà về động viên đội đua xóm mình.
Năm nào có hội đua thuyền, người ở quê khấp khởi chộn rộn khỏi phải nói, người xa quê đành ngậm ngùi đau đáu hướng về làng. Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, người ở xa chỉ biết canh giờ gọi cho người thân hỏi thứ hạng các xóm. Bây giờ có mạng xã hội nên bà con xa quê có thể nhờ người phát video trực tiếp để cập nhật diễn biến cuộc đua, cảm nhận không khí náo nhiệt của ngày hội làng.
Đêm trước ngày thi đấu, các xóm tổ chức họp duyệt lại từng chi tiết chuẩn bị cho cuộc đua ngày mai. Các vận động viên lên hứa trước xóm sẽ quyết tâm thi đấu, khẳng định thuyền của xóm mình sẽ về nhất. Nhà trưởng xóm, nơi đặt chiếc thuyền đua sáng đèn suốt đêm, người vào ra tấp nập. Nhiều người có một đêm không ngủ chờ trời sáng.
Nét đẹp các lễ hội ngày Tết ở Hải Lăng
Lễ hội đua thuyền ở làng Gia Độ
Đua thuyền trên sông Thạch Hãn, nét đẹp văn hóa nhân ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn
Sáng mồng bốn tết, làng vào hội. Mọi ngả đường về sông Thạch Hãn đông nghịt người với áo xiêm đẹp đẽ nô nức đi xem hội. Xe cộ gửi dọc đường ra bến sông dài hàng đoàn. Với người làng tôi, tết cổ truyền đoàn viên gia đình có thể không về, nhưng tết có hội đua thuyền nhất định phải về. Về để gặp gỡ cộng đồng làng xã rộn rã thân tình và chung hưởng niềm vui của làng quê trong buổi hội hè ra giêng.
Tờ mờ sáng, trên sông đã dậy những tiếng hò reo, bà con nêm chặt hai bên bờ, cờ hoa rực rỡ. Khán đài đã được dựng trên bến sông từ ngày hôm trước. Các vị trí buông phao xuất phát, vè trung tiêu, vè thượng tiêu, vè hạ tiêu làm bằng cây tre tươi đã được cắm giữa đoạn sông nơi diễn ra cuộc đua. Đúng 7 giờ sáng, sau màn thắp hương, khấn vái của làng và các đội đua, các thuyền đua tiến hành bốc thăm thứ tự và về vị trí xuất phát. Ban tổ chức đọc rõ nội quy, thể lệ cuộc thi cho các đội biết. Thành viên đội đua mặc đồng phục, thắt đai ngồi đều đặn ở hai bên mạn thuyền. Khi chín chiếc thuyền đã dàn hàng tại vị trí buông phao như đã bốc thăm, các tay bơi nắm chắc mái chèo mái dầm sẵn sàng, một hồi trống giục phát lệnh xuất phát. Hàng ngàn người đứng chật kín hai bờ sông hò reo cuồng nhiệt, có cả chiêng trống, phèng la hòa nhịp. Các tay bơi cúi rạp người vục mạnh mái dầm xuống nước đều răm rắp, miệng cùng hô vang “hố lên! hố lên!...” tạo sức mạnh đẩy con thuyền vượt lên. Mặt sông đang yên tĩnh bỗng cuộn sóng, nước bắn lên tung tóe trắng xóa.
Cung đường bơi đua khá dài, từ điểm xuất phát gọi là trung tiêu, đi lên thượng nguồn và quay đầu ở vè thượng tiêu, sau đó hành trình về hạ lưu và quay thuyền trở lại ở vè hạ tiêu. Cự ly từ vè thượng đến vè hạ 2 km, bơi ba vòng sáu tráo 12 km. Mỗi xóm một thuyền đua. Một thuyền đua bảy tay chèo. Vào hội, những trai bơi, gái đua vốn là những nông dân quen lao động gặt hái bỗng chốc trở thành những vận động viên thể thao hừng hực khí thế trên đường đua. Dáng chèo của họ tuy chưa đạt đến trình độ điêu luyện, trở lộn vè khôn khéo nhưng ai cũng bơi cật lực vì màu cờ sắc áo khiến người xem xúc động. Tinh thần thể thao cao thượng cùng với sự chuẩn bị kỹ lượng của các đội đua đã cống hiến cho khán giả những màn rượt đuổi, bứt phá đầy ngoạn mục, hấp dẫn.
Các đội đua tranh rất quyết liệt, ganh nhau từng mét nước trong tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. Loa máy của ban tổ chức liên hồi cập nhật vị trí của các thuyền. Mỗi lần thuyền bơi xóm mình ngang qua, người trên bờ lao cả xuống sông, đánh trống, đánh phèng la, xách mâm chảo ra gõ, lấy cờ phất, nón vẫy, lấy xô chậu tạt nước, hô vang tên xóm mình kèm theo những tiếng hét “lên đi, lên đi!”. Vận động viên như được tiếp thêm sức mạnh, rướn người, vục mái dầm sâu hơn, những con thuyền lướt băng băng về phía trước. Đội đang đi nhất, đội đi sau cùng được tát nước cỗ vũ nhiệt thành. Rất nhiều người chạy theo thuyền đua hét hò đến khản tiếng, mồ hôi nhễ nhại, mũ rơi, nón gãy, dép đứt, xiêm áo xộc xệch… Coi các vận động viên bơi đua đã sướng, xem hàng ngàn người chạy nhảy cổ vũ hò hét vô tư lại càng sướng hơn. Lễ hội đua thuyền làng tôi hấp dẫn chính nhờ sự cộng hưởng trên bến dưới thuyền đó.
Hội đua thuyền tổ chức suốt cả ngày và có nhiều giải thưởng. Phần thưởng giá trị vật chất đưa về cho các đội không lớn. Thứ hạng được xướng danh mới thật sự là niềm tự hào của xóm có thuyền đua nam, nữ được giải cao. Dù thắng hay thua xóm nào cũng vật bò, ngả heo, tổ chức liên hoan tưng bừng. Không khí lễ hội cứ rộn rã hoài đến ra giêng bà con mới khôi phục các hoạt động sản xuất. Sau ngày hội, thuyền đua được các xóm nâng niu cất giữ như báu vật chờ mùa lễ hội ba năm sau.
Xuân sang mở hội đua thuyền, đó là truyền thống đã thành di sản tinh thần quý báu của làng Trà Liên
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)