Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho 23 địa phương đang giãn cách

Thanh Mai |

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh.

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong 4 tháng qua, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, tình hình 8 tháng cơ bản ổn định. Các nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tăng lên, phức tạp hơn. Các lĩnh vực này vẫn được giữ vững, đạt kết quả tích cực, đặc biệt ngoại giao vaccine được đẩy mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
 

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý 23 địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ưu tiên hàng đầu cho phòng chống dịch bệnh. 40 tỉnh, thành phố còn lại tùy từng lúc, từng nơi để ưu tiên phù hợp cho chống dịch hoặc phát triển kinh tế.

Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, còn tổ chức thực hiện vừa tập trung vừa phân cấp, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn vì đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với người dân.

Ông yêu cầu các địa phương, nhất là xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện bằng được 5 nhiệm vụ.

Một là thực hiện nghiêm ngặt quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”.

Hai là bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Ba là bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời.

Bốn là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.

Năm là tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Thủ tướng nhận định đến nay, về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát được tình hình tại các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách; song cần tiếp tục tập trung nhiều công sức, thời gian hơn.

“Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của địa phương về kinh phí phòng chống dịch để giải quyết. Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thúc đẩy việc này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở kiến nghị của các địa phương có chính sách cho lực lượng tuyến đầu.

Việc lưu thông hàng hóa, di chuyển con người phải có chỉ đạo thống nhất nên Thủ tướng giao Bộ trưởng GTVT tham mưu, phối hợp với các lực lượng khác. Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, nghiên cứu việc thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phụ trách việc thúc đẩy ngoại giao vaccine và thuốc, vật tư y tế… phục vụ phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích nguyên nhân, đưa ra mục tiêu và giải pháp khả thi để thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 9 đạt hiệu quả cao hơn, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

(Nguồn: Báo Phụ nữ)

TAGS

Cam Lộ: 3 học sinh tử vong do đuối nước

Lê Trường |

Ngày 4/9/2021, tại hồ Lò Gạch thuộc xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong.

Học sinh huyện đảo Trường Sa náo nức dự lễ khai giảng năm học mới

Phương Trà |

Năm học 2021-2022, thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu 100% học sinh đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.

Sáng nay 1.9, hàng triệu học sinh tựu trường trong điều kiện đặc biệt

Thanh Mai |

Do đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, học sinh ở Hà Nội và TP.HCM, hai địa phương lớn nhất nước, tựu trường trực tuyến.

Thái Lan lên kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho 4 triệu học sinh

PV |

Bộ Giáo dục Thái Lan có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho 4 triệu học sinh của nước này trong độ tuổi từ 12 tới 18 vào tháng 9 tới để học sinh có thể quay trở lại trường học một cách bình thường.