Cần quan tâm sửa chữa các chợ huyện bị xuống cấp, hư hỏng

Lê Trường |

Được xây dựng cách đây nhiều năm, trong khi kinh phí nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế nên nhiều chợ trung tâm huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Điều này, ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi, mua bán của các tiểu thương và người dân.

Chợ trung tâm huyện Đakrông tại thị trấn Krông Klang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2008. Chợ hiện có 140 hộ kinh doanh với 113 lô quầy. Trong đó, số lô quầy tiểu thương đấu giá trúng đang kinh doanh cố định là 79 lô, số còn lại cho thuê nhưng cũng rất khó khăn do tiểu thương không mặn mà vì họ cho rằng hạ tầng chợ quá cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng, trong khi giá thuê cao mà buôn bán lại ế ẩm.

Quan sát thực tế, phóng viên Báo Quảng Trị nhận thấy phần sơn tường bên ngoài chợ đã bong tróc, nhiều điểm xuất hiện vết rạn nứt. Mặt sân chợ hư hỏng nghiêm trọng khiến tổng thể bên ngoài nhìn rất nhếch nhác. Phía trong đình chợ, hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã hư hỏng hoàn toàn, không sử dụng được. Đặc biệt, tầng 2 đình chợ chính không được bố trí cửa sổ, trong khi mái tôn đã hư hỏng nên xảy ra tình trạng thấm dột khi trời mưa và nóng bức khi mùa nắng. Ngoài ra, tại chợ trung tâm huyện Đakrông một số dịch vụ đi kèm như bãi trông giữ xe hiện chưa được xây dựng…

Hệ thống PCCC của chợ trung tâm huyện Cam Lộ hư hỏng phải tháo rời nên không còn hoạt động - Ảnh: L.T
Hệ thống PCCC của chợ trung tâm huyện Cam Lộ hư hỏng phải tháo rời nên không còn hoạt động - Ảnh: L.T

Trước tình trạng này, nhiều tiểu thương tại đây cảm thấy lo lắng khi ngày ngày phải buôn bán ở nơi có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Chị Trần Thị Phương, một tiểu thương có lô quầy bán áo quần tại tầng 2 chợ trung tâm huyện Đakrông bức xúc cho biết: “Những ngày hè như thế này, ngồi ở đây rất nóng và ngột ngạt vì trên này không có hệ thống cửa sổ và cửa thoát hiểm. Trong khi đó, hệ thống PCCC không hoạt động, phần điện chiếu sáng thì xuống cấp, chúng tôi phải tự kéo nối nên rất dễ gây chập cháy. Không may xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm cho người và tài sản”.

Ngoài ra, theo nhiều tiểu thương tại chợ trung tâm huyện Đakrông phản ánh, hạng mục nhà vệ sinh đã hư hỏng từ lâu nhưng chưa được sửa chữa; hạ tầng, thiết bị thu gom rác thải lại không có nên vấn đề vệ sinh môi trường ở đây rất đáng báo động.

Trưởng Ban Quản lý chợ trung tâm huyện Đakrông Trang Quyền cho biết, trước tình trạng xuống cấp các hạng mục tại chợ, đơn vị đã báo cáo với UBND huyện và đề xuất phương án sửa chữa, nâng cấp. Theo đó, ngày 26/4/2023, UBND huyện Đakrông đã có thông báo yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án bố trí kinh phí thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục. Trong đó, đặc biệt quan tâm hệ thống thiết yếu đảm bảo an toàn tại chợ là PCCC, hệ thống điện, khu vực mái che tầng 2 đình chợ trong thời gian sớm nhất.

Tại huyện Cam Lộ hiện có 4 chợ là chợ trung tâm huyện, chợ Cùa, chợ Sòng và chợ Phiên với trên 500 lô quầy cố định và hơn 600 hộ kinh doanh không thường xuyên. Trong đó, chợ trung tâm huyện hiện có gần 200 lô quầy cố định và 150 hộ kinh doanh. Chợ được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005, mặc dù đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng đến nay nhiều hạng mục cũng đã hư hỏng. Chẳng hạn, hệ thống PCCC không còn hoạt động được vì các thiết bị đã hỏng, hạ tầng xử lý nước thải xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo Trưởng Ban Quản lý chợ huyện Cam Lộ Ngô Thị Bạch Mai, mặc dù hằng năm đơn vị đã trích một phần kinh phí để sửa chữa, duy tu các hạng mục, tuy nhiên, vì các chợ được xây dựng từ lâu nên hiện chợ trung tâm huyện cũng như các chợ khác tình trạng hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng khá nhiều. Trong khi nguồn kinh phí duy tu thường xuyên của đơn vị hạn chế nên không đủ để sửa chữa. Vì vậy, thời gian tới, Ban Quản lý chợ huyện Cam Lộ mong muốn các cấp, ngành và địa phương quan tâm, đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục cần thiết, nhất là hệ thống PCCC, điện, nước và xử lý môi trường để người dân yên tâm kinh doanh.

Không riêng chợ trung tâm các huyện Đakrông, Cam Lộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều chợ truyền thống rơi vào tình trạng tương tự. Đơn cử, tại chợ Cầu, huyện Gio Linh, vấn đề hạ tầng xuống cấp, môi trường kinh doanh chật hẹp do kết cấu chợ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2003 đã khiến không ít tiểu thương gặp bất tiện trong mua bán và gây khó khăn cho công tác quản lý tại đây.

Đáng lo ngại nhất hiện nay tại chợ Cầu là hạ tầng khu vực bán hàng ăn uống đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Điều đáng nói, đa số hộ kinh doanh ở đây sử dụng củi để đun nấu ngay tại chợ trong khi các trang thiết bị của hệ thống PCCC hầu như không có hoặc không hoạt động được, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo Ban Quản lý chợ Cầu, vấn đề trên đã được đơn vị nhiều lần nhắc nhở, ban hành quy định xử lý vi phạm nhưng người dân chưa chịu khắc phục.

Còn tại chợ Khe Sanh, huyện Hướng Hóa được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1998, đến thời điểm này tại chợ có 500 lô quầy các loại đang kinh doanh. Do chợ Khe Sanh được xây dựng đã lâu, trong khi kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm rất khó khăn nên đến nay, nhiều hạng mục của chợ không còn đảm bảo công năng sử dụng. Trong đó, đáng quan tâm là hạng mục mái che toàn bộ chợ, hệ thống PCCC, công trình vệ sinh công cộng… không đảm bảo.

Hạ tầng xuống cấp, thiếu sự đầu tư, nâng cấp tại không ít chợ dân sinh trung tâm các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, mất an toàn và không đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Hiện nay, việc sửa chữa, nâng cấp các chợ huyện đã hư hỏng đang đặt ra rất bức thiết, cần được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc mua bán, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chợ Đông Hà cần đổi mới để theo kịp sự phát triển của xã hội

Mai Lâm |

Chợ Đông Hà (Quảng Trị) hiện có 1.400 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 1.000 hộ có lô quầy kiên cố.

Phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP sẽ diễn ra tại Hướng Hóa từ 9- 11/6/2023

Thanh Trúc |

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (Trung tâm) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa 9/7 (1973 - 2023), Trung tâm đã ban hành kế hoạch tổ chức phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2023 tại huyện Hướng Hóa, thời gian từ ngày 9-11/6/2023.

Từ hội chợ ẩm thực nghĩ về nhiệm vụ “sứ giả” của một món ăn quê nhà

Lê Đức Dục |

Chỉ một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Với Quảng Trị, một hoạt động được nhiều người chờ đợi là lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam - 2023 diễn ra tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt với quy mô quốc gia dự kiến khoảng 80 gian hàng ẩm thực 3 miền của cả nước, được tổ chức từ ngày 28 đến 30/4/2023.

Quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Trị tại hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023

Mai Lâm |

Từ ngày 13-16/4, ngành du lịch Quảng Trị tham gia quảng bá, giới thiệu, xúc tiến điểm đến tại hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2023 chủ đề “Du lịch văn hóa”.