Năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 450.000 học sinh các cấp học. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc đến trường học trực tiếp gặp nhiều khó khăn, năm học mới này, thầy và trò tỉnh Đắk Lắk từ đô thị đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang nỗ lực khắc phục khó khăn và tất bật hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng để bước vào năm học mới.
Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học
Đắk Lắk là tỉnh đặc thù có nhiều vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội. Do đó, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục đào tạo vẫn còn hạn chế, nhất là đối với nhu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hằng năm, tỉnh đã ưu tiên phân bổ nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất ở các vùng đặc biệt khó khăn nhằm cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Trước thềm năm học mới, ba phòng học của điểm trường buôn Yang Lành, Trường Tiểu học Y Jút, xã biên giới Krông Ana, huyện Buôn Đôn đang gấp rút hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng. Đây là sự bổ sung về cơ sở vật chất rất kịp thời ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ông Hồ Sĩ Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông với các môn học bắt buộc là Tin học và tiếng Anh. Do đó, việc được xây thêm các phòng học tại điểm trường không chỉ giúp thầy và trò có phòng học, phòng chức năng khang trang, sạch đẹp mà còn đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh được những phòng học được đầu tư xây mới, những ngày năm học mới cận kề, nhà trường huy động giáo viên, nhân viên tổ chức sửa chữa bàn ghế, phòng học, vệ sinh trường lớp, cải tạo khuôn viên… chủ động khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để chuẩn bị chu đáo nhất cho năm học mới.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn Đỗ Ngọc Anh cho biết, do ảnh hưởng mưa, lũ từ cơn bão số 2 vừa qua, một số cơ sở vật chất như phòng học, nhà chức năng… của các trường học bị hư hỏng, mưa dột. Để kịp thời sửa chữa và chuẩn bị cho năm học mới, Phòng đã tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí hơn 700 triệu đồng và đẩy nhanh tiến độ khắc phục các cơ sở vật chất bị hư hỏng nhằm hoàn thành trước khi học sinh tựu trường.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức xây mới, sửa chữa các phòng học đảm bảo phục vụ nhu cầu trong năm học mới với tổng số tiền đầu tư cơ sở vật chất là gần 400 tỷ đồng. Cùng với đó là mua sắm các trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới với 99 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới, đặc biệt là ở những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới của tỉnh.
Linh hoạt khắc phục khó khăn
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, đội ngũ giáo viên của tỉnh so với quy định vẫn còn thiếu trên 1.200 giáo viên ở các cấp học. Trong bối cảnh vừa tinh giản biên chế vừa triển khai trương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn và sẵn sàng cho năm học mới.
Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án sắp sếp lại mạng lưới trường lớp giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030. Đồng thời, Sở yêu cầu các địa phương khi được giao biên chế, tuyển đầy đủ để sớm bổ sung các vị trí giáo viên còn thiếu. Bên cạnh đó là triển khai việc sáp nhập các điểm trường và sắp sếp lại số lượng học sinh trên lớp học, tránh tình trạng chia nhỏ lớp; tiến hành rà soát, luân chuyển giáo viên khoa học, phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và đáp ứng nhu cầu dạy, học trong năm học mới.
Ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhất là những giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường Trung học Phổ thông sẵn sàng các phương án tuyển dụng giáo viên hợp đồng các môn tự chọn như Mỹ thuật, Tin học nhằm đảm bảo việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với đặc thù của tỉnh Đắk Lắk có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đảm bảo số lượng trẻ đến lớp vào đầu năm học mới được quan tâm với quyết tâm vận động toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm học 2022-2023, huyện Buôn Đôn có trên 15.200 học sinh với 50% là con em dân tộc thiểu số. Một bộ phận đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo số lượng học sinh đến trường, các trường học, thầy, cô giáo phải nỗ lực rất nhiều trong việc vận động học sinh đến trường, đặc biệt trong thời điểm trước thềm năm học mới.
Ông Hồ Sĩ Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn thông tin, năm học 2022-2023, toàn trường có 715 học sinh, trong đó 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Qua rà soát, hiện nay vẫn còn 19 em học sinh lớp 1 chưa ra nhận lớp. Đây hầu hết là những học sinh đang theo bố mẹ lên rẫy làm ăn nên chưa về nhập học. Nhà trường đã phân công giáo viên là người địa phương phối hợp với chính quyền địa phương liên hệ với gia đình để đưa con em đến trường đảm bảo thời gian và tiến độ học tập của các cháu.
“Đối với địa bàn xã biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc rà soát, vận động trẻ đến trường là việc làm thường xuyên nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của các em. Đồng thời, những trường hợp điều kiện kinh tế quá khó khăn, trường sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức để giúp đỡ, đảm bảo các điều kiện học tập cho các cháu đến trường” - ông Hồ Sĩ Lâm chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn cho biết, với địa bàn đặc thù như huyện Buôn Đôn, công tác vận động học sinh đến trường được duy trì thường xuyên. Không chỉ vào thời điểm đầu năm học, công tác vận động trẻ đến lớp mà xuyên suốt trong năm học. Có những trường hợp bỏ học giữa chừng, nhà trường tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để động viên, giúp đỡ các em quay lại trường học.
“Hiện nay, điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn. Tỉnh Đắk Lắk đã quyết định không tăng mức học phí trong năm học mới. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức chính trị - xã hội huy động mọi sự đóng góp hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, cố gắng không để em nào vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa chia sẻ.
(Nguồn: Ngày Nay)