Dịch vụ logistics, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Huy Nam |

Với vị trí địa lý của mình, tỉnh Quảng Trị có nhiều lợi thế về phát triển dịch vụ logistics, nhất là với các nước ASEAN trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) để thúc đẩy kinh tế phát triển. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TRẦN HỮU HÙNG về vấn đề này.

- Thưa ông, đề nghị ông cho biết logistics là gì và hiện trạng dịch vụ này tại Quảng Trị như thế nào?

-Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó doanh nghiệp (DN) tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Ông Trần Hữu Hùng
Ông Trần Hữu Hùng

Đối với các DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ logistics cũng có vai trò rất quan trọng là được cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm đúng thời gian, địa điểm để đảm bảo cho quá trình sản xuất, kinh doanh liên tục và ổn định. Qua đó, tiết giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh của DN. Ở Quảng Trị, dịch vụ logistics đã hình thành và phát triển từ nhiều năm nay góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, trao đổi hàng hóa. Tuy vậy, dịch vụ này trên địa bàn vẫn phát triển chưa tương xứng, còn hạn chế về nhiều mặt. Nhất là chưa có các DN quy mô lớn, hoạt động có tính kết nối, liên kết cao ở thị trường nội địa, với các nước trên EWEC; khối lượng hàng hóa giao nhận sử dụng dịch vụ logistics còn thấp. Mấy năm gần đây dịch vụ này ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo gặp nhiều khó khăn do những thay đổi về chính sách thuế, thông quan khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh; ở Cảng Cửa Việt dịch vụ logistics cũng đang rất hạn chế… Điều này đã tạo ra rào cản đối với hoạt động và lợi nhuận của DN cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

- Vậy theo ông định hướng phát triển dịch vụ này ở tỉnh Quảng Trị là như thế nào?

-Với vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và tiềm năng phát triển kinh tế của mình, tỉnh Quảng Trị có nhiều lợi thế về phát triển dịch vụ logistics, nhất là với các nước ASEAN trên EWEC. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng xác định phát triển mạnh loại hình dịch vụ này, từng bước xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực, tạo ra bước đột phá mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở này và căn cứ các kế hoạch, quy hoạch của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025.

Kế hoạch này của UBND tỉnh đã xác định phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh trên EWEC để phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành một đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực miền Trung. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia.

Hỗ trợ phát triển các DN logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực. Hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thành lập một số DN kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp có quy mô trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ các DN phát triển dịch vụ logistics nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của DN và hướng tới hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh…

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: H.N​
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: H.N​

Đây chính là định hướng, điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh, tập trung phát triển dịch vụ này ở TP. Đông Hà, Khu kinh tế Đông Nam, Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào, Myanma. Kết quả tích cực bước đầu là vào tháng 5/2020, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần IDC Đông Nam thực hiện dự án Trung tâm dịch vụ Hậu cần và Logistics, có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng triển khai trên diện tích gần 72 ha tại Khu kinh tế Đông Nam. Thực hiện theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, đây sẽ là một trung tâm đáp ứng tốt yêu cầu giao nhận và lưu kho hàng hóa, nguyên vật liệu; dịch vụ hải quan; tổ chức vận chuyển và phân phối sản phẩm… của các doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế và vùng phụ cận.

- Ông có thể cho biết để dịch vụ logistics phát triển như mục tiêu đề ra, những giải pháp nào cần phải coi trọng thực hiện?

-Để phát triển dịch vụ logistics cần phải tập trung vào 4 nhóm giải pháp là cơ chế và chính sách, hạ tầng, doanh nghiệp, nguồn nhân lực. Theo đó, cần tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics theo hướng áp dụng triệt để, có hiệu quả các chính sách, pháp luật quy định về phát triển dịch vụ logistics. Kiểm tra, rà soát và ban hành các văn bản phục vụ phát triển dịch vụ này phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Xây dựng quy hoạch, các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú ý đến tính liên kết vùng. Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics. Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, hệ thống kho bãi có quy mô, phương tiện vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa. Phát triển, mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực trên EWEC nhằm phát triển vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh, đáp ứng xu thế phát triển của thương mại điện tử, trong đó chú trọng đến giao hàng chặng cuối. Có chính sách hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics hiểu rõ và nhận thức đúng về quy trình cung cấp các dịch vụ này. Khuyến khích các DN logistics tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, các trang thiết bị bốc xếp, vận chuyển chuyên dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác. Chủ động nắm bắt nhu cầu của các DN, của thị trường để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như mở rộng liên doanh, liên kết để kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ; nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics có kiến thức chuyên môn, có năng lực ứng dụng và triển khai gắn với đó là am hiểu luật pháp trong nước, quốc tế. Tăng cường đầu tư đăng cai tổ chức và tham gia các hội thảo, triển lãm; tổ chức trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác ở trong và ngoài nước về lĩnh vực logistics...

Phát triển dịch vụ logistics là một lĩnh vực mới gắn liền với quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN, quá trình triển khai sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy, các cấp và các ngành cần vào cuộc chủ động, tích cực cũng như phối hợp đồng bộ để từng bước đưa logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

-Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hải Lăng chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đạo Thiện |

Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, huyện Hải Lăng  (Quảng Trị) đã tập trung triển khai các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Từ việc làm này đã tạo bước đột phá trong việc giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Gần 422 ha sắn nhiễm bệnh virus khảm lá

Lê An |

Bệnh virus khảm lá sắn là một bệnh nguy hiểm, phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và hom giống. Bệnh đang gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trong cả nước với diện tích trên 30.000 ha. 

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch

Linh Xuân |

Ngoài vai trò bảo tồn loài, sinh cảnh, chắn sóng, bảo vệ sản xuất, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, rừng ở Quảng Trị còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch. Thời gian qua, bằng các chính sách, giải pháp đồng bộ của tỉnh, sự thực hiện có hiệu quả công tác quản lí, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và phát triển tài nguyên rừng của cả ngành lâm nghiệp đã góp bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt góp phần phát triển du lịch sinh thái tại Quảng Trị.

Khảo sát, xây dựng mô hình thí điểm "Xã thông minh" tại Hướng Phùng

Thanh Huyền |

Ngày 7/9/2020 đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát các sản phẩm du lịch phục vụ xây dựng mô hình “Xã thông minh” tại Hướng Phùng.