Mặc dù doanh nghiệp đều chuẩn bị các phương án ứng phó với COVID-19, tuy nhiên từ đầu năm đến nay số lượng F0 trong công nhân liên tục tăng khiến việc duy trì sản xuất của nhiều công ty, nhà máy gặp khó khăn. Doanh nghiệp vừa thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở sản xuất, xí nghiệp; vừa tìm nguồn lực thay thế nhằm duy trì chuỗi sản xuất, đảm bảo các đơn hàng.
Theo ông Hoàng Quảng Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà (Quảng Trị) hiện công ty có 300 công nhân không đi làm được do mắc COVID-19. Công nhân mắc COVID-19 phải nghỉ làm từ 7 - 14 ngày, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất của đơn vị. Công ty có 20 dây chuyên sản xuất nhưng vì công nhân nghỉ nhiều nên phải thu gọn lại còn 15 dây chuyền. Ban đầu, công ty cũng lúng túng nhưng sau đó dần thích ứng. Nếu là F0, công nhân được cho nghỉ việc để điều trị. Sau khi xét nghiệm âm tính thì trở lại làm việc ngay. Những người làm cùng dây chuyền vẫn làm việc bình thường chứ không như trước đây có một F0 thì cả chuyền phải nghỉ làm.
Những công nhân đủ điều kiện làm việc tại phân xưởng, công ty động viên tăng ca để bù đắp thiếu hụt nhân công, đảm bảo đơn hàng giao cho đối tác đúng thời hạn. “Công nhân đang trong độ tuổi lao động nên sức khoẻ tốt, đa phần nghỉ ngơi, điều trị tại nhà từ 5 - 7 ngày, xét nghiệm âm tính là có thể đi trở lại. Công ty cũng có chế độ bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân từng là F0 bằng cách tăng thêm 10.000 đồng/suất ăn; cấp phát vitamin C, khẩu trang…”, ông Trung cho biết thêm.
Từ khi chuyển sang trạng thái “sống chung” với dịch, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị các phương án để thích nghi với tình trạng ca nhiễm COVID-19 tăng trong xí nghiệp, phân xưởng. Mặc dù số công nhân bị F0 gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo các khoản thu nhập cơ bản cho người lao động. Tại Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú, huyện Hải Lăng (thuộc Công ty Cổ phần quốc tế may Phong Phú) có 1.102 công nhân thì từ đầu năm đến nay chưa có ngày nào nhà máy có đầy đủ quân số.
Hiện nhà máy có 20 lao động đang nghỉ việc điều trị COVID-19. Trong khi đơn hàng đơn vị ký với đối tác đã sắp kín lịch từ đây đến hết tháng 9/2022. Để đảm bảo đúng hạn giao hàng, nhà máy mở rộng quy mô sản xuất thêm 6 dây chuyền nên cần thêm khoảng 300 công nhân. Trong bối cảnh thiếu lao động do mở rộng quy mô sản xuất cộng số lượng công nhân mắc COVID-19 nghỉ việc trong thời gian qua khiến lãnh đạo nhà máy tìm mọi cách để khắc phục. Ông Lê Nguyên Y, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú chia sẻ: “Việc xử lý khi phát hiện F0 là công nhân bây giờ thuận lợi hơn trước.
Công nhân đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin nên đa phần các ca nhiễm đều có triệu chứng nhẹ. Khi phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, công nhân báo lên quản lý và nghỉ làm, khi âm tính sẽ đi làm trở lại. Đối với những trường hợp tiếp xúc gần thì nhà máy bố trí khu vực làm việc, ăn ca riêng và test nhanh theo dõi 3 ngày đầu để tránh lây nhiễm chéo trong phân xưởng”. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú bố trí thực hiện các đơn hàng cùng quy mô, chủng loại cho các đơn vị thành viên.
Theo đó, Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú trước đây sản xuất cả hàng thời trang và đồ bảo hộ lao động thì nay chỉ tập trung sản xuất đồ bảo hộ lao động. Đồng thời, nhà máy bố trí công nhân làm việc nhóm (7 - 10 người/nhóm sản xuất), đào tạo nâng cao tay nghề, thực hiện công nhân đa năng (một công nhân làm được 2 - 3 công đoạn trong một dây chuyền sản xuất). Điều này giúp công nhân dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy khi xảy ra trường hợp công nhân mắc COVID-19. Với một số đơn hàng có nguy cơ bị chậm, lãnh đạo công ty chủ động đàm phán lại với đối tác. “Vì đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu nên đối tác cũng chia sẻ. Vì thế, chúng tôi chưa bị đối tác hủy đơn hàng vì giao hàng chậm trễ kể từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần”, ông Y cho biết thêm.
Chủ tịch Công đoàn ngành công thương tỉnh Hoàng Văn Tuân cho hay, công đoàn ngành công thương Quảng Trị hiện có 41 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 2.779 đoàn viên, trong đó, hầu hết đoàn viên là công nhân lao động trong các CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước. Với đặc thù các doanh nghiệp trực thuộc ngành chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, sản xuất, chế biến, khai thác, may mặc..., người lao động phải làm việc trong môi trường tập trung đông người, hằng ngày tiếp xúc với nhiều khách hàng nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Với quyết tâm hạn chế tối đa không để lây lan dịch bệnh trong doanh nghiệp, thời gian qua công đoàn ngành công thương tỉnh chủ động hướng về với cơ sở, đoàn viên và người lao động để hỗ trợ, hướng dẫn các CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng nhanh khiến F0 trong doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thiếu lao động do công nhân phải nghỉ việc điều trị COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Công đoàn ngành đã động viên một số tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp sử dụng nguồn quỹ để hỗ trợ cho công nhân là F0, giúp người lao động có điều kiện chăm sóc sức khỏe, sớm trở lại với công việc.
Các cấp công đoàn trong doanh nghiệp tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K + vắc xin + ý thức để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Từ đó bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo đủ nguồn lực phục hồi, phát triển sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)