Giải pháp tái đàn vật nuôi sau mưa lũ

Nguyên Bảo |

Những đợt mưa lũ lớn vừa qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã gây ngập lụt sâu trên diện rộng ở hầu hết các địa phương. Nước lũ lên nhanh và rút chậm khiến cho tài sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nặng, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, trôi hoặc bị mất do nước lũ và ngập úng. Hiện nay, việc tái đàn của người dân gặp nhiều khó khăn do nguồn giống và xử lí môi trường sau lũ. Ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai các giải pháp đồng hành cùng người dân tái đàn, ổn định sản xuất.

 

Sau 5 đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10 vừa qua đã làm cho toàn bộ cơ sở ấp trứng gà của gia đình ông Ngô Văn Hiếu ở thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Trong khi, đây là một trong những hộ gia đình cung cấp nguồn giống gà chủ yếu cho người dân địa phương và vùng phụ cận. Cơ sở này bị thiệt hại nặng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái sản xuất của nhiều hộ dân địa phương. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng làm cho gia đình ông Hiếu bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.    

Dụng cụ ấp gà của gia đình ông Ngô Văn Hiếu ở thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong bị hư hỏng nặng sau mưa lũ
Dụng cụ ấp gà của gia đình ông Ngô Văn Hiếu ở thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong bị hư hỏng nặng sau mưa lũ

Ông Ngô Văn Hiếu chia sẻ: “ Gia đình rất muốn tái đàn và thực hiện chăn nuôi trở lại nhưng hiện nay, thiệt hại quá lớn, nợ cũ vay nuôi lợn chưa trả được thì đã mất trắng nên tái sản xuất đang là băn khoăn lớn của gia đình. Nếu không sửa và khôi phục lại cơ sở ấp trứng thì việc cung ứng con giống cho nhiều hộ gia đình ở đây cũng gặp khó khăn”.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Triệu Phong là một trong những địa phương bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đây là địa phương có tổng đàn bị thiệt hại lớn nhất trên địa bàn tỉnh với gần 333.000 gia súc, gia cầm bị trôi và chết. Người dân đang rất mong muốn tái đàn nhưng do ảnh hưởng đến nguồn giống, xử lí môi trường và cơ sở chuồng trại nên gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi nước lũ rút, ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương đã có các phương án để đồng hành cùng người dân.

Ông Trần Văn Nhuận, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong cho biết: “Phòng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng, xử lí xác chết động vật theo quy định và hướng dẫn người dân thống kê thiệt hại. Từ đó có cơ sở đề đề xuất sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước và hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng cho người dân trong tái sản xuất”.

Thực trạng khó khăn trong tái đàn vật nuôi ở huyện Triệu Phong cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong đợt mưa lũ vừa qua đã gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi. Toàn tỉnh thiệt hại hơn 682.200 gia súc, gia cầm, trong đó, có hơn 5.200 gia súc, 677.000 gia cầm các loại, hơn 1.800 héc ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại và mất trắng. Với nhiều địa phương thì chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm cho đời sống của người dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để khôi phục lại sản xuất là điều không hề dễ khi ảnh hưởng từ nguồn giống, môi trường và cơ sở chuồng trại chăn nuôi bị phá hủy do mưa lũ.

Theo nhận định chung của ngành chăn nuôi, sau mưa lũ, việc chăm sóc, khôi phục đàn vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thức ăn xanh cho gia súc, gia cầm bị ngập nước, hư hỏng. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do số lượng vật nuôi bị chết nhiều, nguồn giống bị khan hiếm. Trong khi đó, mầm mống các loại dịch bệnh như lở mồm long móng trên đàn gia súc; tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi và cúm gia cầm đang tồn tại trong môi trường và sẽ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nền nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm như hiện nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết: Chi cục đã tham mưu cho sở NN&PTNT, UBND tỉnh báo cáo với Bộ NN&PTNT hỗ trợ 500.000 con gia cầm, 80 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng và 50 tấn cloramin cho bà con nuôi trồng thủy sản. Nước lũ vừa rút, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, chi cục đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi thú y tăng cường về cơ sở bám địa bàn, tăng cường về các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng. Với vấn đề xử lí môi trường, Chi cục chăn nuôi thú y ban hành các văn bản hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện về khôi phục sản xuất chăn nuôi sau lũ, và hướng dẫn tiêu độc khử trùng, khắc phục sự cố hố chôn vật nuôi sau lũ. Bên cạnh đó, chi cục kịp thời cấp 15 tấn hóa chất để đưa các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng phòng chống dịch.

Khuyến cáo người dân trong việc tái đàn, ông Đào Văn An cho biết: “ sau lũ, người dân hết sức thận trọng tái đàn. Việc đầu tiên là cần xử lí xác chết gia súc, gia cầm và gia cố lại chuồng trại bị hư hỏng, quét dọn vệ sinh tiêu độc khử trùng đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh. Trong chăn nuôi khuyến cáo bà con tăng cường sức đề kháng từ thức ăn cho vật nuôi, có thể thêm kháng sinh trộn vào thức ăn phòng tiêu chảy cho gia súc, gia cầm sau lũ, đảm bảo sức khỏe vật nuôi. Khi mua giống cần đến cơ sở có uy tín, cần có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp mới đảm bảo. Sau khi nuôi theo dõi sức khỏe vật nuôi 14 ngày mới nhập đàn. Đồng thời, cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ mới đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt”.

Chăn nuôi hiện đang là thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nông thôn. Trước những ảnh hưởng của thiên tai, người dân đang rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng để sớm tái đàn phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, kịp thời tái đàn sau mưa lũ, quý độc giả có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật trong công tác vệ sinh, sát trùng và xử lý sự cố hố chôn gia súc, gia cầm phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị hướng dẫn dưới đây:

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi:

- Nước rút đến đâu cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom toàn bộ bùn, đất, phân, chất thải, rác thải tại khu vực chuồng nuôi gia súc, gia cầm và khu vực tiếp giáp xung quanh, rắc vôi, đóng vào bao kín để gọn một nơi, đào hố ủ làm phân, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sửa chữa, cải tạo chuồng trại bị hư hỏng do bão và ngập nước.

- Nạo vét, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh bên trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặt túi vôi bột tại các rãnh thoát nước. Cọ rửa sạch sẽ bề mặt nền chuồng, tường chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi phun thuốc sát trùng.

- Quét vôi lại chuồng nuôi. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Hantox-200 để phun diệt ruồi, muỗi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.

Tiêu hủy xác chết động vật

Khi có vật nuôi ốm, chết phải thực hiện tiêu hủy bằng biện pháp chôn hoặc đốt xác, trong đó biện pháp đốt xác vật nuôi chết là hiệu quả nhất.

Khi có vật nuôi chết trong mùa mưa lũ không tiêu hủy ngay được phải phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp; phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Khi hố chôn lún, sụp, rỉ nước bẩn, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nước ngầm cần đắp thêm đất  trên  mặt hố và nén chặt. Đất đắp cao và rộng ra xung quanh miệng hố chôn khoảng 0,3 - 0,5m;        

Nếu nước chảy ra xung quanh cần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột; Có thể sử dụng một trong các chế phẩm để xử lý như: EMC, Umikai, Enchoice solution và vôi bột để xử lý mùi hôi hố chôn.

Đối với hố chôn ở gần khu vực dân cư, có thể sử dụng các loại thuốc Umikai, Enchoice solution pha theo hướng dẫn phun trên mặt hố chôn và vùng có nước bẩn chảy ra. Kết hợp việc dùng hóa chất khử mùi nên đắp thêm đất trên toàn bộ bề mặt hố chôn để tăng hiệu quả xử lý./.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Tập trung khôi phục nuôi trồng thủy sản sau lũ

Đạo Thiện |

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nước lũ còn làm các ao nuôi bị hư hỏng, bồi lấp. Để đảm bảo các điều kiện cho việc khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp, các địa phương cùng với người dân đang khẩn trương xử lý môi trường vùng nuôi, tu bổ lại diện tích ao hồ bị thiệt hại để tiếp tục bước vào vụ nuôi mới.

Khôi phục sản xuất nông-ngư nghiệp

Nguyên Lý |

Khôi phục sản xuất nông-ngư nghiệp sau bão lũ đang được bà con nông dân và các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị xem là cấp bách nhất, nhằm sớm tạo thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.

Ứng phó kịp thời với sạt lở đất

Nguyên Lý |

Hỗ trợ để người dân “sống chống với lũ,” ứng phó với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét là những giải pháp căn cơ để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Cần hỗ trợ khôi phục hệ thống điện chiếu sáng nông thôn sau lũ

Tạ Hưng |

Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đã để lại hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Hiện nay, các địa phương đang tập trung khôi phục để ổn định sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Tuy nhiên, do bị thiệt hại nặng nề, việc khôi phục tại một số địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi, hệ thống điện chiếu sáng đường quê. Ghi nhận của phóng viên tại thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).