Giữ nghề khai thác cá thu

Tú Linh |

Cá thu là đặc sản nổi tiếng của biển nhưng không phải ngư dân tỉnh nào cũng có nghề khai thác loại cá này. Cách đây 25 năm, nghề khai thác cá thu chính thức có mặt ở Quảng Trị một cách bài bản khi ngư dân sử dụng lưới rê bùng nhùng để đánh bắt. Đến nay, nghề khai thác cá thu vẫn được ngư dân Quảng Trị giữ gìn và phát huy…

2 vàng lưới đầu tiên

Những ngày cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Huân, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trở về vùng biển Cửa Việt để thăm ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt này. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Cửa Việt (nay là thị trấn Cửa Việt) huyện Gio Linh, ông Huân luôn nhớ hình ảnh ngày đó mỗi lần ngư dân đi biển may lắm mới câu được một vài con cá thu nhỏ có trọng lượng chỉ vài ki-lô-gam. Thời điểm đó, ngư dân Cửa Việt vẫn chưa trang bị được dụng cụ đánh bắt cá thu một cách bài bản với số lượng lớn. 25 năm trước, ông Huân lúc đó là Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật khuyến ngư của Sở Thủy sản, được đi học tập, nghiên cứu ở nhiều địa phương, phát hiện một tỉnh ven biển phía Bắc có nghề đánh bắt cá thu rất hiệu quả. Trong lúc vùng biển Quảng Trị nằm ở vị trí cửa ngõ của Vịnh Bắc Bộ nên cá từ ngoài biển sâu, nhất là cá thu bơi vào tìm kiếm thức ăn rất nhiều. Muốn bắt được cá thu cần phải có trình độ chuyên môn cũng như yếu tố kỹ thuật cao. Sau bao nhiêu trăn trở, ông quyết định mang nghề mới lưới rê bùng nhùng về trao truyền cho ngư dân Cửa Việt với mong muốn sớm mang lại cuộc sống no đủ hơn cho người dân vùng cửa biển.

Tàu khai thác cá thu của ngư dân thị trấn Cửa Việt cập bến sau chuyến đi biển may mắn -Ảnh: T.L
Tàu khai thác cá thu của ngư dân thị trấn Cửa Việt cập bến sau chuyến đi biển may mắn -Ảnh: T.L

Năm 1997, chương trình khuyến ngư của tỉnh do ông phụ trách hỗ trợ 2 vàng lưới cho ngư dân Nguyễn Văn Luận ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt và Nguyễn Văn Cường ở Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt. Đây là hai ngư dân có nhiều kinh nghiệm khai thác cá trên biển và đủ năng lực để tiếp nhận nghề mới. Sau khi được đào tạo nghề, 2 ngư dân sử dụng thuyền 35 CV để ra vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ, mang theo mỗi thuyền 1 vàng lưới rê bùng nhùng có chiều dài 1.000 m, cao 20 m với ước mơ chinh phục được cá thu với khối lượng lớn. Suốt 3 tháng đánh bắt cá thu với nhiều chuyến vào ra cập bến, thuyền của 2 ngư dân liên tục trúng đậm, có đêm bán cá thu đến 10 triệu đồng. Nhớ lại ngày đó, khi mới di nghề khai thác cá thu bằng lưới rê bùng nhùng về, các ngư dân cao tuổi tỏ ra nghi ngờ, cho rằng nhiều đời qua họ chỉ câu cá thu, chưa hề bắt cá thu bằng lưới. Nay thấy từng sợi dây lưới bắt cá thu to như ngón tay, đan lại vào nhau theo kích thước 8 cm x 8 cm, dài từng cây số như vậy thì sức đâu nổi để kéo lưới, chứ đừng nói bắt cá.

Nhưng hiệu quả của mô hình mới đã thuyết phục được nhiều người dám nghĩ, dám làm và ngay cả với những ngư dân cao tuổi trước đây từng nghi ngờ cách đánh bắt này. Bởi vì kèm theo những vàng lưới dài nhiều cây số ấy là nhiều tàu cá ngày càng đóng mới công suất 300 - 400 CV cùng các ngư cụ hiện đại phục vụ đánh bắt cá như máy tời lưới, máy dò bụng biển, máy định vị. Đến năm 1998, chương trình khuyến ngư của tỉnh lại di về thêm 2 vàng lưới rê bùng nhùng hỗ trợ cho 2 ngư dân ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong đánh bắt rất hiệu quả. Từ năm 2000 về sau, nghề lưới rê bùng nhùng đánh bắt cá thu được phát triển nhiều hơn tại các xã Gio Việt và Triệu An, thị trấn Cửa Việt.

Cũng từ đây lưới rê bùng nhùng để bắt cá thu được ngư dân sáng chế phù hợp hơn với điều kiện thực tế ở vùng biển mình đánh bắt để mỗi chuyến đi biển khai thác hiệu quả hơn. Mỗi vàng lưới có chiều rộng từ 40 - 45 m, chiều dài 10 km. Ông Huân không quên được suốt thời gian đó cùng cộng sự của mình là anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Phòng Kỹ thuật khuyến ngư theo dõi sát sao mỗi chuyến đi biển đánh bắt cá thu của ngư dân. Cứ mỗi chuyến tàu từ biển trở về đều có báo cáo kỹ lưỡng thời gian, địa điểm, hành trình đánh bắt của ngư dân, đồng thời tuyên truyền về hiệu quả đánh bắt bằng lưới rê bùng nhùng cho nhiều ngư dân.

Thu mua cá thu tại tàu -Ảnh: T.L
Thu mua cá thu tại tàu -Ảnh: T.L

Đánh bắt cá thu phải theo mùa, thường thì từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời gian ngư dân ra biển khai thác cá thu. Đây là thời điểm cá thu trên biển khá nhiều và thịt ăn ngon hơn các mùa khác. Từ 2 vàng lưới đầu tiên đến nay, nghề khai thác cá thu đã phát triển mạnh ở một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị. Toàn tỉnh có 60 tàu, tập trung nhiều ở Khu phố 5, 6 của thị trấn Cửa Việt.

Giữ gìn và phát triển nghề

Ngư dân Võ Văn Huynh ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, chủ tàu xa bờ vừa bốc xếp cá thu từ hầm tàu lên bán cho tư thương, vừa kể mỗi chuyến đi biển, tàu xa bờ của anh giải quyết việc làm cho 8 đến 10 lao động. Cá thu được ngư dân đi biển chia thành nhiều loại, ngon nhất là cá thu trắng. Cá thu chất lượng phải đảm bảo hai yếu tố ngon và tươi. Mỗi chuyến khai thác xa bờ thường mất thời gian từ năm đến sáu ngày là đầy hầm chứa, nhưng có chuyến kéo dài hơn mười ngày. Vụ này, tàu của anh Huynh đi biển được gần 10 chuyến, cùng với những mẻ lưới khai thác cá thu thì ngư dân cũng bắt được không ít cá ngừ để tăng thêm thu nhập.

Anh Huynh chia sẻ, bây giờ khai thác cá thu bằng phương tiện hiện đại, có máy dò bụng biển, sử dụng lưới bùng nhùng nên đánh bắt dễ hơn. Mỗi chuyến đi biển, thường thì người có kinh nghiệm nhất chịu trách nhiệm dùng máy dò ngang dò bụng biển, tìm đàn cá thu đang hoạt động. Khi phát hiện có đàn cá dưới biển vẫn chưa thể buông lưới vì cần phải chọn thời điểm thích hợp để buông lưới bắt gọn được cả đàn cá. Đợi khi con nước trên biển đạt độ chuẩn theo một quy ước riêng của người đi biển, hướng gió biển cũng phù hợp, thời điểm này thường là về đêm, tiếp tục dò máy thấy bầy cá không di chuyển, nằm lặng im trong bụng biển thì mới bủa lưới để bắt gọn cả đàn.

Cá thu của ngư dân Cửa Việt đánh bắt luôn giữ được độ tươi -Ảnh: T.L
Cá thu của ngư dân Cửa Việt đánh bắt luôn giữ được độ tươi -Ảnh: T.L


Cảng cá Cửa Việt thời điểm chúng tôi có mặt, nhiều tàu khai thác cá thu cập bến mang theo niềm vui của ngư dân. Chúng tôi gặp anh Bùi Đình Chiến ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, chủ tàu xa bờ vừa cập cảng mang theo hơn 5 tạ cá thu khai thác được sau chuyến đi biển 4 ngày đêm. Anh Chiến cho biết chuyến đi biển lần này sản lượng đánh bắt được ít hơn các chuyến trước nhưng vẫn đủ trang trải các chi phí. Nhìn những con cá thu tươi chong được anh Chiến bốc dỡ lên từ khoang ướp lạnh, ai cũng thích. Khi cá đang tươi cắt ra thành từng lát có màu trắng hồng, sau đó ngâm từng lát cá vào trong nước muối pha loãng vài phút rồi cấp đông dùng dần.

Nếu không biết bí quyết ngâm qua nước muối loãng, liền đem cấp đông thì khi chế biến món ăn, gia vị sẽ không thấm vào từng thớ thịt nên sẽ làm giảm vị ngon của cá thu. Cá thu có giá trị dinh dưỡng rất cao, được chế biến đa dạng với nhiều thực đơn hấp dẫn như cá thu nướng, kho riềng, kho tộ, kho tiêu, làm chả, làm ruốc, nấu bún…nên được nhiều người yêu thích. Mức giá hiện tại là 200 nghìn đồng/kg cho loại cá 5 kg trở lên, cá nhỏ hơn có giá 150 -170 nghìn đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ cá thu không chỉ ở thị trường trong tỉnh, phần lớn được các thương lái mua để bán lại cho các thị trường lớn như ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…bởi vì không phải tỉnh nào cũng có nghề khai thác cá thu như ở Quảng Trị. Sau mỗi chuyến khai thác trúng cá thu, trên đường trở vào bờ, các chủ tàu đều thông báo cho thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua kịp thời để kịp phân phối cho thị trường. Vì thế, hiếm khi cá thu không tiêu thụ được.

Kinh nghiệm của nhiều ngư dân cao tuổi cho biết không phải năm nào cũng được mùa cá thu, cứ vài năm được mùa thì xen vào một năm mất mùa nên muốn khai thác được nhiều cá thu, ngư dân không chỉ đánh bắt ở vùng biển Quảng Trị hay Vịnh Bắc Bộ, mà các đoàn tàu còn tiến đến những ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Tư Chính… để đánh bắt. Trong sâu thẳm của nhiều ngư dân, dù được mùa hay không thì họ vẫn luôn mong muốn gìn giữ và phát triển nghề khai thác cá thu. Bởi vì chỉ có nghề khai thác hiện đại bằng lưới rê bùng nhùng mới tạo được nhiều việc làm hơn cho ngư dân và mang đến nguồn thu nhập cao. Hơn nữa, nhiều gia đình ngư dân bám biển không chỉ vì mưu sinh, mà vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, vì trách nhiệm của mỗi người con đất Việt.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khai thác tiềm năng, nâng tầm nông sản địa phương

Bảo Bình |

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, giúp nâng tầm giá trị của các loại nông sản.

Kiểm tra việc khai thác thủy sản và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Đức Việt |

Ngày 25/11, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2021. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự làm việc.

Linh Hải khai thác lợi thế vùng gò đồi

Hoài An |

Xác định tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi, xã Linh Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới… Từ đó, nền nông nghiệp Linh Hải phát triển khá đa dạng, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế vùng gò đồi

Nguyễn Vinh |

Thời gian qua, bám sát các nghị quyết, kết luận của Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) về phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi, cấp ủy, chính quyền hai xã Triệu Ái và Triệu Thượng đã có những cách làm phù hợp để phát triển kinh tế. Đây là 2 địa phương có diện tích đất khá lớn gần 17.000 ha, chiếm 48,1% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người xã Triệu Ái đạt 47,2 triệu đồng/năm, xã Triệu Thượng đạt 50 triệu đồng/năm. Hai xã đã đạt chuẩn nông thôn mới khá sớm vào năm 2019, 2020.