Nơi mảnh đất biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa có khí hậu ôn hòa, khá lý tưởng cho việc đưa vào trồng những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm trở lại đây, phát huy lợi thế của khí hậu và đất đai, nhiều nông dân tại đây đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào trồng những vườn cây ăn quả theo mùa được nhiều người biết đến. Có thể nói, những loại cây này đã và đang mang đến “quả ngọt” và có thể khẳng định được thương hiệu trong tương lai không xa nếu con người vẫn cần mẫn, sáng tạo và biết tưới tắm vào đất nhiều trăn trở, đam mê...
Nơi đây một thời là đồi núi trọc từng được thay thế bằng hàng trăm hecta rừng rộng lớn. Và giờ đây, nhiều loại cây ăn quả mới được đưa vào trồng đã và đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng, mở ra cho vùng đất này một hướng canh tác mới.
Năm 1975, gia đình ông Võ Tình từ quê hương Triệu Phong lên lập nghiệp tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Những ngày đầu đặt chân đến đây, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, đùm bọc của người dân địa phương, ông cùng các thành viên trong gia đình đã nỗ lực khai hoang đất đai để trồng sắn, chuối, tiêu… và làm thêm nhiều ngành nghề với quyết tâm gắn bó lâu dài, nuôi các con ăn học thành tài trên quê hương mới. Sau khi tìm hiểu về khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng Lìa khá phù hợp để trồng cây ăn quả, vợ chồng ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 hecta đất vườn sang trồng các loại cây ăn quả như thanh long ruột đỏ, mít tố nữ, nhãn, xoài…
Nhờ chịu khó, cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông Võ Tình đã cho thu hoạch đều đặn gần 10 năm mà không phải mất nhiều công sức tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Sản phẩm có thương lái đến tận vườn để thu mua, có lúc cung không đủ cầu. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, hai vợ chồng ông thu về hơn 100 triệu đồng từ việc xuất bán trái cây.
Tuổi đã cao, các con đã trưởng thành, ngẫm lại, ông Tình vẫn cho rằng, nhờ vườn cây ăn quả mà ông bà mới nuôi được các con ăn học, cuộc sống cũng nhờ đó mà có nhiều đổi thay. Ông Võ Tình cho rằng: "Trước đây đất gia đình trồng tiêu, sau tiêu bị bệnh, tôi chuyển qua cây ăn trái, qua thời gian trồng cây ăn quả thì kinh tế gia đình có những phát đạt, do đó trong gia đình cũng nuôi con ăn học đầy đủ. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm, tôi cũng mong được hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật để vườn cây đem lại hiệu quả cao hơn. Tôi cũng sẽ vận động và sẵn sàng chia sẻ kinh nghệm để bà con xung quanh trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao.”
Đến Hướng Hóa vào mùa này sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của mảnh đất đang vào mùa cây ăn quả. Đi dọc con đường 9 huyền thoại hay rẽ vào các xã phía Bắc, hướng sân bay Tà Cơn, tuyến đường Lìa, ta dễ dàng bắt gặp màu xanh ngút ngàn của những đồi cà phê, những vườn trái cây trĩu quả như thanh long, ổi, nhãn, xoài, bơ, chanh leo…
Toàn huyện Hướng Hóa hiện có 4.310 hecta cây ăn. Diện tích khá lớn, tuy nhiên, trồng cây ăn quả ở các địa phương của huyện Hướng Hóa vẫn chưa có kế hoạch, chiến lược dài lâu dài. Vậy nên, rất cần hướng đi đúng đắn, dài hơi trong xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả để tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thế, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hoá cho rằng: "Qua thực tế làm mô hình qua các năm, cho thấy tại Hướng Hoá với khí hậu thời tiết, đất đai thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây ăn quả như bơ, nhãn, thanh long, chanh leo và một số loại cây trồng khác. Để phát huy những lợi thế tiềm năng đó, trong những năm tới, để phát triển cây ăn quả bền vững và bao tiêu sản phẩm, tôi có một số đề xuất. Thứ nhất trong thời gian tới các cấp các ngành cần tăng cường liên kết, mời gọi các công ty trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm giúp bà con nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả; Thứ hai là các mô hình thành công cần được trình diễn và nhân rộng giúp bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm, học tập để làm ăn; Thứ ba, là trong thời gian tới, việc trồng cây ăn quả cần thực hiện theo hướng hữu cơ, bền vững".
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây ăn quả có giá trị vào sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tại Hướng Hóa, hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định và phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, huyện cũng đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương chú trọng rà soát, phát triển các loại cây ăn quả có tiềm năng phát triển và cho thu nhập cao như bơ, vải, thanh long…
Song hành cùng quá trình này, huyện cũng khuyến khích các địa phương cần chú trọng khuyến khích phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.