Trước thực trạng nhiều giống cây trồng nguồn gốc tại địa phương, có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Chuối lùn, nếp than… đang bị suy thoái, mai một dần, thời gian qua huyện Đakrông (Quảng Trị) đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống cây trồng này góp phần lưu giữ nguồn gen quý và mở ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng này…
Cây chuối lùn địa phương là giống cây trồng lâu đời của đồng bào dân tộc Pa Kô ở huyện Đakrông. Trước đây, giống chuối lùn này được đồng bào dân tộc Pa Kô trồng rải rác trên nương rẫy hoặc trong vườn nhà, tập trung chủ yếu ở các xã A Bung, A Ngo, A Vao và Tà Rụt. Những năm trở lại đây, huyện Đakrông đã thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135,cùng nhiều chương trình, dự án khác để hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển diện tích cây chuối lùn địa phương.
Đến nay, toàn huyện Đakrông có khoảng trên 50 ha chuối lùn, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân. Loại chuối lùn này khi chín thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và có vị đặc trưng nên ngoài các thương lái thu mua về bán lại, còn có một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thu mua để chế biến các sản phẩm sạch như: Chuối sấy dẻo, sấy lạnh, kẹo chuối… Riêng xã Tà Rụt, năm 2019 Tổ hợp tác trồng chuối lùn của Hội LHPN xã Tà Rụt được thành lập với 15 hộ dân tham gia. Đến nay, Tổ hợp tác trồng chuối lùn đã trồng khoảng 10 ha chuối lùn (toàn xã Tà Rụt trồng với diện tích gần 20 ha chuối lùn). Dự kiến Tổ hợp tác trồng chuối lùn sẽ tăng diện tích trồng chuối lùn lên khoảng 40 ha vào năm 2025.
“Thời gian qua, xã Tà Rụt đã khuyến khích người dân khôi phục và phát triển diện tích trồng chuối lùn địa phương theo hướng thâm canh, trồng tập trung và trở thành loại cây trồng hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Giống chuối lùn này rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu tại địa phương. Sau khoảng 12 - 14 tháng trồng, chăm sóc thì chuối cho thu hoạch và duy trì từ 3 - 4 năm. Với chi phí đầu tư khoảng 60 - 80 triệu đồng/ ha, trừ chi phí, lợi nhuận mang lại từ 80 - 85 triệu đồng/ha/ năm”, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp cho biết.
Giống nếp than là giống cây trồng có từ lâu đời. Trước đây, lúa nếp than được người dân huyện Đakrông trồng trên nương rẫy hoặc chân ruộng cao thiếu nước và hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà không có sự chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh… nên năng suất của giống lúa nếp than rất thấp; giống lúa nếp than không được tuyển chọn qua các vụ sản xuất cũng dần bị thoái hóa… Để bảo tồn cũng như nâng cao giá trị kinh tế từ giống lúa nếp than, thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, vụ hè thu 2019 huyện Đakrông đã hỗ trợ 11 hộ dân ở xã Tà Long xây dựng mô hình trồng lúa nếp than trên chân ruộng thường xuyên thiếu nước, đã cho năng suất 38 - 39 tạ/ha.
Đến nay, có khoảng 20 hộ dân ở bản Tà Lao, Ly Tôn (xã Tà Long) tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp than. Tại xã A Ngo, vụ hè thu 2021 huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng lúa nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay (bản A Đeng). Giống lúa nếp than đã cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, mô hình đã mang lại lợi nhuận cho các hộ dân tham gia khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân 2021 - 2022, xã A Ngo đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 7 ha với 37 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô tham gia. Dự kiến trong các năm tới, xã A Ngo sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than lên 20 - 25 ha trên địa bàn toàn xã. Dự kiến đến năm 2025, diện tích trồng lúa nếp than riêng xã A Ngo sẽ tăng lên 40 ha.
“Thời gian tới, xã A Ngo sẽ chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác lúa nếp than theo phương thức canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng. Người dân chỉ sử dụng phân hữu cơ; quá trình chăm sóc sẽ sử dụng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá… Trước mắt, xã A Ngo với sự hỗ trợ tích cực của huyện Đakrông sẽ từng bước nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than; tìm nguồn lực để hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì đóng gói tiêu thụ sản phẩm; từng bước liên kết với các địa phương khác trên địa bàn huyện Đakrông để xây dựng thương hiệu nếp than…”, Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết.
Trưởng Phòng Nông nghiệpvà PTNT huyện Đakrông Trần Đình Bắc cho biết, chuối lùn, nếp than là 2 trong số 13 sản phẩm nông nghiệp hiện đang được huyện Đakrông đăng ký danh mục ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thời gian tới, để giúp người dân khôi phục, bảo tồn và phát triển giống chuối lùn, nếp than, huyện Đakrông sẽ tiến hành xây dựng phương án khôi phục, bảo tồn nguồn giống chuối lùn địa phương hiện đang có nguy cơ bị thoái hóa…; đảm bảo các mô hình, dự án phát triển cây chuối lùn này phải được trồng từ cây giống nuôi cấy mô; cây giống nuôi cây mô khi cấp cho người dân phải cao từ 60 - 70 cm (có khoảng 7 - 8 lá), sạch sâu bệnh; tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm…; có phương án, kế hoạch phát triển cây chuối lùn địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Đối với giống lúa nếp than, huyện Đakrông sẽ có phương án khôi phục, bảo tồn nhằm tạo ra nguồn giống thuần chủng; triển khai các mô hình, dự án trồng lúa nếp than đảm bảo nguồn giống đạt chất lượng; có phương án quy hoạch, kế hoạch phát triển giống lúa nếp than theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)