Kết nối để đưa sản phẩm từ tre vươn xa

Thanh Trúc |

Với sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV), thời gian qua trên địa bàn một số xã của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thành lập các nhóm hộ sản xuất sản phẩm từ cây tre để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững thì cần có một đơn vị “cầu nối” liên kết các nhóm hộ, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm với cách làm bài bản. Việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Vân Kiều Bamboo chính là giải pháp để giải quyết bài toán này.


Nhóm hộ sản xuất sản phẩm từ tre ở thôn Doa Củ, xã Hướng Phùng có 5 thành viên mới thành lập được hơn hai tháng nay. Nhóm chuyên sản xuất các sản phẩm như hộp đựng trà, ống đựng hương, cốc uống nước, hộp đựng tăm… bằng các loại tre sẵn có ở địa phương như lồ ô, luồng, a ho... Khi mới thành lập, nhóm hộ được tổ chức MCNV hỗ trợ máy cắt tre, máy tiện, đồng thời được đào tạo tay nghề cơ bản, được tổ chức cho đi tham quan các mô hình để học hỏi kinh nghiệm.

Anh Hồ Văn Thăm, thành viên nhóm hộ sản xuất cho biết: “Để làm các sản phẩm từ cây tre đạt yêu cầu thì đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì. Chúng tôi được tập huấn, đào tạo nghề nên đến nay đã thành thạo việc. So với công việc nương rẫy thu nhập bấp bênh, tham gia nhóm hộ sản xuất này chúng tôi có công việc thường xuyên và nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều”.

Nhóm hộ Doa Củ chuyên sản xuất sản phẩm hộp đựng trà, cốc uống nước…từ tre - Ảnh: T.T
Nhóm hộ Doa Củ chuyên sản xuất sản phẩm hộp đựng trà, cốc uống nước…từ tre - Ảnh: T.T

Nhóm trưởng Phạm Ngọc cho biết thêm, nhóm hộ Doa Củ đã bán ra thị trường hơn 100 sản phẩm. “Chúng tôi tận dụng được nguồn tre dư thừa để sản xuất. Các sản phẩm làm từ tre thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, MCNV hỗ trợ nhóm hộ tiêu thụ sản phẩm, khi HTX Vân Kiều Bamboo ra mắt, đi vào hoạt động thì việc tiêu thụ sản phẩm cho các nhóm hộ sẽ do HTX đảm nhiệm”. 

“Điểm mới của HTX Vân Kiều Bamboo là chúng tôi kêu gọi các đối tác là nhà phân phối ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hồ Chí Minh… tham gia vào ban lãnh đạo HTX để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rộng rãi ra thị trường. Trong năm 2021, ban lãnh đạo HTX sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn để đưa sản phẩm tham gia dự thi sản phẩm OCOP. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, HTX chú trọng hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, mục tiêu đặt ra là ngoài những kênh phân phối truyền thống sẽ tìm cách đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng kênh bán hàng” Chị Lương Ngọc Trâm, đại diện HTX Vân Kiều Bamboo.

Đến nay, có 6 nhóm hộ sản xuất các sản phẩm từ tre đang hoạt động, trong đó có 4 nhóm hộ thuộc xã Hướng Phùng, một nhóm hộ ở xã Hướng Sơn và một nhóm hộ ở xã Hướng Việt với 60 thành viên. Các nhóm được đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất và các thiết bị, dụng cụ sản xuất khác.

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có là cây tre, cây len xanh… các nhóm hộ đã chế tác thành những vật dụng gia đình tiện lợi, thân thiện với môi trường như ống hút, hộp đựng bút, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa, hộp trà, hộp tăm, ly uống nước… độc đáo gọi tên là sản phẩm tre Krơng Aho. Trong đó, mỗi nhóm hộ có thế mạnh khác nhau.

Nhóm Chênh Vênh chuyên về ống hút làm bằng cây len xanh, nhóm Tà Puồng chuyên ống Aho, các nhóm Mã Lai Pun, Cheng, Doa Củ chuyên về ly tre, hộp tre, nhóm Raly Nguồn rào chuyên về cốc đựng nến, nhóm Hướng Lập sản xuất các loại ống tre lớn hơn như ống nhang, hộp tre đại… Yếu tố thân thiện với môi trường của các sản phẩm làm từ tre của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô còn đặc trưng bởi lớp sơn bảo vệ sản phẩm dùng bằng dầu quả trẩu thay vì vec ni hay PU công nghiệp.

Thời gian qua, với sự kết nối của MCNV, doanh nghiệp Hội An Roastery tại Quảng Nam đã bao tiêu những sản phẩm này để bán phục vụ khách nước ngoài đến tham quan du lịch tại phố cổ Hội An. Từ khi tham gia các nhóm sản xuất, nhiều hộ dân đã có thêm nguồn thu nhập từ 4- 6 triệu đồng/tháng.

Để việc tiêu thụ sản phẩm được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả, vợ chồng chị Lương Ngọc Trâm, Phan Hồng Phong (Công ty TNHH Pun coffee), các cán bộ của dự án MCNV, đại diện các nhóm hộ sản xuất đã cùng nhau bàn bạc phương án thành lập HTX. Đến thời điểm này, các thủ tục cơ bản đã hoàn thành và chờ ra mắt HTX Vân Kiều Bamboo.

Cùng với hoạt động sản xuất, các nhóm hộ đã được khuyến khích trồng tre ở khu vực đồi núi gần nhà để chủ động nguyên liệu trong tương lai. Thời gian tới, HTX sẽ định hướng xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho cây tre để đảm bảo vùng nguyên liệu sạch. Khi vùng nguyên liệu tre được chứng nhận FSC sẽ là chìa khóa quan trọng để các sản phẩm làm từ tre của HTX tiếp cận với các thị trường cao cấp nhưng khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.

Chị Trâm mong muốn khi HTX Vân Kiều Bamboo chính thức đi vào hoạt động sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các sở, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ HTX trong các khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của người Bru-Vân Kiều và Pa Kô

Minh Thảo |

Phân hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh vừa xuất bản đầu sách “Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Bru - Vân Kiều và Pa Kô” tập 1*.

Tín hiệu vui từ Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá

Kô Kăn Sương |

Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có điều kiện nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thành lập Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bước đầu tổ đan lát này đã có nhiều tín hiệu vui.

Cần khôi phục, phát triển nghề đan lát của đồng bào Vân Kiều

Nguyễn Trang |

Nghệ nhân Hồ Văn Khoong (83 tuổi) ở bản Mít, xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện là người cao tuổi nhất trong tổng số 31 nghệ nhân người dân tộc Vân Kiều đang sinh sống tại các xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh còn nắm vững các kỹ thuật nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Theo nghệ nhân, nghề đan lát đã có từ rất lâu đời, gắn chặt cùng quá trình lao động, sinh hoạt của người Vân Kiều. Tuy nhiên, nghề này đang đứng trước nguy cơ dần mai một khiến những nghệ nhân tâm huyết với nghề vô cùng trăn trở.

Ra mắt tổ đan lát thủ công Ka Tăng- Khe Đá

Phi Bảo |

Ngày 06/4/2021, UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) tổ chức Lễ ra mắt Tổ đan lát thủ công Ka Tăng - Khe Đá.