Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Trên địa bàn tỉnh có 465 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, bao gồm 88 hồ chứa nước nhỏ, 221 đập dâng, 155 trạm bơm và 1.657 km kênh mương cấp 3 và nội đồng. Ngoài ra có hàng chục ao, hồ, trạm bơm và các công trình trên kênh khác. Toàn tỉnh đã thành lập 246 tổ chức thủy lợi cơ sở là các hợp tác xã (HTX) và 105 tổ chức thủy lợi cơ sở là tổ hợp tác dùng nước và 2 ban quản lý thủy nông thuộc các huyện Hướng Hóa và Đakrông. Nhìn chung, các công trình mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 ha diện tích lúa được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất lúa công nghệ cao, lúa hữu cơ, biện pháp tưới chủ yếu là theo hình thức nông-lộ-phơi.
Từ thực tế sản xuất những năm qua cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã đóng góp hữu hiệu vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng phó với hạn hán, đặc biệt đối với những vùng thiếu nước. Bên cạnh đó, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng ở những vùng đất dốc, đất cát, hoang hóa... Tuy vậy, đến nay diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Nguyên nhân do chi phí đầu tư ban đầu cho tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cao, nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế đã tác động đến tâm lý đầu tư của người dân cũng như doanh nghiệp. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, các loại cây có giá trị kinh tế cao chưa ổn định dẫn đến tâm lý người dân chưa mạnh dạn đầu tư thiết bị để triển khai tưới tiết kiệm. Điều kiện về quy mô đất đai còn nhỏ lẻ, cây trồng thiếu đồng bộ nên gặp khó khăn khi triển khai áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm.
Một khó khăn khác liên quan đến công tác củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở. Đối với mô hình HTX nông nghiệp, việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi được lồng ghép và hoạt động theo Luật HTX nên thực hiện đồng bộ và có hiệu quả. Riêng với mô hình tổ hợp tác dùng nước được các địa phương thành lập hoặc chuyển đổi từ các mô hình tổ thủy nông thôn, bản trong vài năm gần đây, việc kiện toàn, củng cố các tổ chức này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ quản lý, vận hành thấp, nhân lực thường xuyên luân phiên, thay đổi hằng năm thông qua việc đề cử, làm theo phân công trách nhiệm phải thực hiện trong từng giai đoạn, thời kỳ nên không ổn định. Ngoài ra, ở khu vực miền núi rất khó khăn để thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở do diện tích sản xuất nhỏ lẻ, phân tán…
Hiện nay, phần lớn năng lực đội ngũ cán bộ của các tổ chức thủy lợi cơ sở còn hạn chế, đa số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm quản lý. Một số cán bộ đã được đào tạo thông qua các chương trình, dự án, tuy nhiên đội ngũ cán bộ này thường xuyên bị thay đổi theo nhiệm kỳ đại hội xã viên HTX. Mặt khác, chế độ thù lao, đãi ngộ chưa phù hợp, không thu hút được người có bằng cấp đến làm việc tại các tổ chức thủy lợi cơ sở. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện việc tổ chức đào tạo để các tổ chức thủy lợi cơ sở đảm bảo năng lực theo quy định, nhưng do khó khăn về nhân sự, nguồn kinh phí, cùng với đó một số địa phương chưa chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này nên hiện nay phần lớn các tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng năng lực theo quy định.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tại địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, sở đã kiến nghị Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp để kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, cá nhân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Vận động, kêu gọi từ các chương trình, dự án hỗ trợ cho các địa phương trong việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và đầu tư xây dựng các mô hình, các vùng sản xuất quy mô thực hiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp, hiệu quả. Hoàn thiện bộ quy trình công nghệ, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, đặc biệt là các cây trồng chủ lực nhằm tạo điều kiện để hầu hết các cây trồng chủ lực có quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật cho cán bộ thủy lợi cơ sở, đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm quản lý công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về phía địa phương, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, dự kiến trình HĐND tỉnh trong kỳ họp giữa kỳ của năm 2022. Đồng thời, nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng, hệ thống kênh mương đồng bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với các công trình kênh mương nội đồng có quy mô nhỏ, kỹ thuật thi công đơn giản để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, sở đang triển khai rà soát, bổ sung hoàn thiện thiết kế mẫu, thiết kế điển hình công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù từng vùng, miền trong tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)