Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Mỹ Hằng |

Ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), sau nhiều năm thực hiện, kết quả chương trình xây dựng NTM đã tạo ra những “điểm sáng”, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục… Làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.

Xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị)
Xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Có thể khẳng định, từ năm 2011 đến năm 2015 quá trình xây dựng NTM ở Vĩnh Linh đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới… tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn kế tiếp.

Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Linh vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định. Rõ nét nhất là điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nông dân ở một số địa phương trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các xã ven biển bãi ngang, vùng miền núi như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước không đủ đảm bảo để đạt chuẩn tối thiểu tiêu chí. Một số hạng mục công trình đầu tư ở giai đoạn trước đã xuống cấp, cần được duy tu bão dưỡng nhưng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ hằng năm quá thấp nên nhiều xã không thể tiến hành đảm bảo. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung xây dựng NTM. Chính vì vậy thay đổi tư duy, nhận thức để có cách làm phù hợp trong chặng đường mới được các địa phương trong toàn huyện xác định là mang tính tiên quyết để thực hiện thành công chương trình.

Căn cứ vào thực trạng nông thôn và quyết tâm đăng ký lộ trình xây dựng NTM của các xã, hằng năm, BCĐ xây dựng nông thôn mới, UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm về xây dựng NTM; quy định thời gian thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể cấp huyện và từng xã. Huyện ủy và Đảng ủy các xã đều có Nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về xây dựng NTM và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, huyện đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt; đồng thời chú trọng công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Ban Chỉ đạo thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được, tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Vĩnh Linh luôn xác định phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cho nên các địa phương đã chú trọng tập trung thực hiện. Năm 2017, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai các mô hình liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học mới, sản xuất theo quy mô lớn, chuỗi giá trị. Từ đó hướng đến liên kết bốn nhà trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn.

Bên cạnh đó địa phương chú trọng phát động và tổ chức rộng khắp phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phát động mỗi ngành, mỗi đơn vị một phong trào để chung tay xây dựng nông thôn mới, tạo ra một làn sóng thi đua sôi nổi trên khắp toàn huyện. Chính từ tư duy “Xây dựng NTM là xây dựng môi trường nông thôn đáng sống, mọi người dân hài lòng” nên đã tạo niềm tin, sức lan toả mạnh mẽ, huy động được sự vào cuộc của toàn dân. Với tinh thần “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới” các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay sáng tạo phù hợp đặc điểm của từng xã, thôn và từng khu dân cư.

Điển hình như xã Vĩnh Thủy phát triển các mô hình dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Kim Thạch với việc xây dựng các phong trào thi đua, khen thưởng hàng năm, giai đoạn và gắn với từng tiêu chí cụ thể làm động lực cho quá trình thực hiện phong trào. Bên cạnh đó, nhân dân các địa phương đã góp hàng vạn ngày công, hàng chục tỷ đồng, tự nguyện hiến hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, hàng trăm mét vuông công trình phụ và nhà ở để mở rộng đường trục thôn, đường trong khu dân cư và xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng… từng bước kiến tạo nên những vùng quê đáng sống.

Theo số liệu thống kê, ở huyện Vĩnh Linh tổng nguồn vốn huy động được trong 5 năm (2016 - 2020) cho chương trình xây dựng NTM đạt trên 584,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trên 157,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép 75,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 152,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 17,3 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân 181,1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2019, huyện Vĩnh Linh đã có 11/15 xã được công nhận đạt chuẩn, 2 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến cuối năm 2020, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn lên 13 xã và có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3-5 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 10-12 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu tiếp theo của huyện Vĩnh Linh trong giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và liên doanh liên kết; đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, gắn nông nghiệp với dịch vụ - thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40-45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60-70% bản đạt nông thôn mới, 45-50% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

TAGS

Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh

Bá Thuần - Minh Kha |

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) gieo cấy gần 6.000 ha lúa với các loại giống ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao và hiện tại bà con nông dân đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch. 

Người tiên phong phát triển kinh tế vùng gò đồi

Minh Dương – Minh Trí |

Lên lập nghiệp ở vùng đất Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ năm 1993. Nhận thấy tiềm năng đất đai vùng gò đồi, gia đình ông Trần Văn Phẩm đã mạnh dạn khai hoang, lập hóa. 

Trên phòng tuyến sông Mỹ Chánh – Ngày ấy và bây giờ

Mai Trang – Thanh Châu |

Hải Lăng là địa phương cuối cùng được giải phóng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trở thành vùng đệm để quân và dân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào năm 1975. Đặc biệt, tại phòng tuyến sông Mỹ Chánh, nơi được coi là vành đai lửa trong chiến dịch năm xưa nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần cách mạng thì vẫn còn nguyên vẹn nơi những cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ngày đó và được nối tiếp cho thế hệ hôm nay.

Trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 20 tấn/ha

Anh Vũ |

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), anh Hoàng Ngọc Khánh, ở thị trấn Cam Lộ đã đầu tư mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn 2 tháng xuống giống, đến nay dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất đạt 20 tấn/ha.