Vào thời điểm này, cam Quảng Trị đã hết vụ thì gần 300 gốc cam chín muộn của gia đình chị Trần Thị Duyên ở vùng trồng cam K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý - 2020. Đây sẽ là năm đầu tiên người Quảng Trị có cam dùng ngày tết được sản xuất ngay tại địa phương.
Nhìn những cây cam trĩu quả, chị Duyên nhẩm tính còn khoảng 10 - 15 ngày nữa là vườn cam muộn của chị sẽ bắt đầu chín, đúng lúc để cung ứng thị trường tết. Năm ngoái, vườn cam muộn này đã cho thu hoạch bói nhưng chỉ đủ cho gia đình dùng và làm quà tết biếu anh em, bạn bè chứ chưa đủ số lượng để bán ra thị trường. Năm nay mới chính thức có cam để bán tết. sản lượng ước đạt khoảng 6 tấn. Đây là giống cam V2 do vợ chồng chị Duyên tìm hiểu và ra vùng trồng cam Nghệ An đặt ghép giống. Giống cam này trái mỏng vỏ, chín màu vàng, ít hạt, nước nhiều và có vị ngọt đậm hơn các giống cam khác. Chị Duyên cho biết, gia đình chị bắt đầu lên vùng gò đồi K4 khai thác đất đai trồng cam từ năm 2013, đến nay có 2,5 ha cam với nhiều độ tuổi khác nhau. Cũng như nhiều hộ khác, trước đây gia đình chị trồng cam theo phương pháp truyền thống, sử dụng chủ yếu phân bón vô cơ và phòng trừ sâu bệnh không hợp lí, cam sinh trưởng kém, năng suất thấp, chất lượng cũng không cạnh tranh được với các loại cam ngoại tỉnh nhập vào. Vì thế, giá bán cũng thấp hơn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.Trước tình hình này, vợ chồng chị đã tìm hiểu chia diện tích đất trồng cam của gia đình thành nhiều giai đoạn, đồng thời chủ động đăng kí tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp về sử dụng phân hữu cơ và ủ cá bằng chế phẩm QTMic để làm phân, bổ sung dinh dưỡng cho cây cam; chị cũng ủ ớt, bã trầu, tỏi, gừng để phòng trừ dịch bệnh, lắp đặt bẫy lồng, đặt bả sinh học để dẫn dụ, nhằm bắt đối tượng ngài chính hút cam nên hạn chế đáng kể tỉ lệ rụng quả. Đặc biệt, nhận thấy thị trường cam chính vụ từ tháng 9 - 11 thường gặp khó khăn trong việc tiêu thụ vì số lượng cam trong ngoài tỉnh quá nhiều, vợ chồng chị đã tìm hiểu đưa vào trồng thí điểm 0,6 ha cam chín muộn V2. Với vườn cam này, ngoài khâu chọn giống thì việc chăm sóc đòi hỏi sự cần mẫn, tốn nhiều công sức hơn vì để “chống chọi” với thời tiết trái vụ thì những yêu cầu về độ tơi xốp, độ ẩm của đất trồng loại cam này đòi hỏi cao hơn. Bên cạnh đó, cam chín muộn có thời gian ra hoa, đậu quả dài hơn cam chính vụ trong khi thời điểm này Quảng Trị thường trúng thời tiết hay có mưa dầm, vì vậy vườn cam cần phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, tránh không để cho cây cam bị xói mòn gốc.
Trong quá trình chăm sóc cũng cần nắm rõ quá trình thay đổi lá trên cây vào các tháng trong mùa, muốn cam đạt chất lượng tốt và cho quả đẹp, vào thời điểm đầu vụ, gia đình chị cũng mất rất nhiều công can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, nắm được kĩ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, các vườn cam trong vụ đã hết vụ chỉ còn duy nhất một vườn cam chín muộn của gia đình chị Duyên đang có quả cũng là điều kiện để các đối tượng sâu bệnh tập trung gây hại. Vì vậy, các thành viên trong gia đình gần như túc trực ở vườn cam suốt ngày đêm, rất vất vả. “Đổi lại, giá trị vườn cam chín muộn trung vào dịp tết như thế này tăng cao so với thời điểm cam chính vụ. Hiện, toàn bộ sản lượng của vườn cam thương lái đã đặt hàng bao tiêu theo giá thị trường thời điểm tết. Bây giờ lo nhất là bảo vệ an toàn sản lượng cho đến ngày thu hoạch bởi đây là thành quả đầu tiên của gia đình sau 4 năm vun xới”, chị Duyên chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mô hình trồng cam muộn để bán dịp tết của gia đình chị Duyên là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Giống cam V2 mà gia đình chị lựa chọn trồng khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Quảng Trị, cây phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa đậu quả đạt cao gần tương đương cam chính vụ. Đặc biệt, đây là giống chín muộn hơn so với các giống cam khác, thu hoạch cam từ khoảng tháng 12 tới tháng 3 năm sau, đáp ứng đúng thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết nên hiệu quả kinh tế mang lại cao. Đây là một trong những mô hình được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lựa chọn triển khai đề tài “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Sau một năm thực hiện kết quả rất khả quan. Vì vậy, các địa phương cần tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nhân rộng mô hình, nhất là cách trồng cam rải vụ, tránh sản xuất ồ ạt để đảm bảo thị trường đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)