Nhiều giải pháp để tăng năng suất, chất lượng tinh bột sắn Hướng Hóa

Ngô Thùy |

Được thành lập năm 2005, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa trực thuộc Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tinh bột sắn. Là một doanh nghiệp với mục tiêu hướng về nông thôn và nông dân, nhà máy thường xuyên triển khai mô hình “dân vận khéo” với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân đầu tư bón phân thâm canh và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng cho cây sắn trên địa bàn.

Lâu nay, sắn là một trong những loại cây thế mạnh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) với khoảng 4.700 ha, chủ yếu tập trung ở các xã vùng Lìa, nơi có diện tích đất đỏ ba dan, rất phù hợp để phát triển cây sắn. Thời gian trước, vùng trồng sắn tập trung nơi đây đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy.

Cán bộ kỹ thuật nhà máy hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây sắn - Ảnh: NT​
Cán bộ kỹ thuật nhà máy hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây sắn - Ảnh: NT​

Tuy nhiên, sắn là một loại cây cần nhiều chất dinh dưỡng, nếu quá trình canh tác nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây thì cây sẽ tàn phá đất và năng suất giảm rất nhanh. Trong hơn mười năm qua, người dân chưa chú trọng việc đầu tư thâm canh, chăm sóc cho cây sắn nên 3 năm trở lại đây, nhà máy rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu do năng suất sắn có xu hướng giảm dần, kéo theo sản lượng tinh bột sắn sản xuất được cũng giảm sút. Vào thời kỳ mới phát triển vùng nguyên liệu, giống sắn KM94 cho năng suất từ 25 - 30 tấn/ha thì đến vụ thu hoạch sắn năm 2017 chỉ còn 17 tấn/ha, giảm khoảng 50% năng suất so với thời kỳ đầu mới canh tác; đồng thời sản lượng tinh bột sắn thu được cũng giảm dần khi niên vụ 2017 - 2018 chỉ đạt 42.000 tấn và niên vụ 2018 - 2019 giảm xuống còn 38.000 tấn.

Trước tình hình sụt giảm năng suất, sản lượng sắn, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã triển khai vận động người dân bón phân thâm canh, đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển cây sắn, mang lại hiệu quả tích cực và ngày càng được nhân ra diện rộng. Tại mỗi xã, nhà máy triển khai thực hiện 1 mô hình điểm với các biện pháp hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh và phân NPK cho nông dân bón tại các mô hình trình diễn. Với cách làm đó, người dân thấy rõ lợi ích của việc áp dụng khoa học công nghệ vào trồng sắn nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, năng suất cây sắn đạt được trên 25 tấn/ha.

Bên cạnh đó, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng đã áp dụng thành công các giải pháp nhằm giảm tối đa chi phí, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai thu mua sắn trực tiếp từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm để người dân thuận tiện trong việc bán sắn cho nhà máy mà không phải thông qua thương lái; tổ chức đội xe ô tô gồm 60 chiếc, có tải trọng từ 3 tấn đến 15 tấn đảm bảo chở hết sắn từ rẫy về kết hợp cung ứng các mặt hàng thiết yếu như nếp, gạo, muối vào tận nhà cho người dân với giá chỉ bằng 80% giá thị trường. Đảm bảo thu mua hết sắn cho người dân kể cả những lúc nhà máy gặp khó khăn nhất; thu mua đến đâu trả tiền đến đó, không thiếu nợ, triển khai hỗ trợ giúp đỡ khi người dân gặp khó khăn, hoạn nạn hoặc cho dân ứng trước tiền trong lúc giáp vụ để không còn tình trạng bán sắn non. Nhà máy còn tổ chức cho cán bộ các xã khu vực Lìa đi tham quan tìm hiểu về trồng sắn, nuôi bò tại Thái Lan; thành lập Câu lạc bộ 100 triệu đồng những người trồng sắn nhằm khuyến khích nông dân phấn đấu làm ăn giỏi. Vừa qua, nhà máy đã khai trương phòng khách Bông Sắn Vàng phục vụ người dân đến Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa bán sắn với các dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Đến nay nhà máy không những sản xuất, chế biến tinh bột sắn mà còn mở rộng thêm ngành nghề bổ trợ cho phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết vấn đề môi trường, cải tạo, chống xói mòn và phục hồi đất bạc màu như: Xây dựng xưởng chế biến phân hữu cơ từ các nguồn rác thải phát sinh sau khi chế biến tinh bột sắn. Đã sản xuất được khoảng từ 3.000 - 5.000 tấn phân đạt tiêu chuẩn phục vụ trở lại cho vùng nguyên liệu trồng sắn và các cây công nghiệp khác. Xây dựng xưởng sửa chữa ô tô, chủ yếu phục vụ cho đội xe liên doanh trên 60 chiếc của nhà máy và xe cứu hộ giải quyết những sự cố của các loại phương tiện khi tham gia giao thông trong khu vực vùng nguyên liệu trọng điểm. Công tác giảm thiểu tác động môi trường thường xuyên được coi trọng. Nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoạt động hiệu quả. Hệ thống xử lý nước thải qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã đạt chất lượng cột B đủ tiêu chuẩn xả ra môi trường.

Từ một cơ sở ban đầu chỉ có một dây chuyền sản xuất, chế biến tinh bột sắn với công suất 50 tấn sản phẩm/ngày đêm, qua ba lần mở rộng, cải tiến, nâng cấp đến nay, nhà máy đã tăng công suất lên 270 tấn sản phẩm/ngày đêm (gấp 5 lần), đảm bảo đời sống, việc làm cho hơn 200 lao động của nhà máy và quan trọng hơn là đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho trên 10.000 hộ nông dân trồng sắn nguyên liệu ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã cùng chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu đặt ra. Thương hiệu tinh bột sắn Hướng Hóa Quảng Trị đang ngày càng khẳng định được vị trí ở trong nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa luôn gắn bó mật thiết với người trồng sắn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dịch vụ logistics, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Huy Nam |

Với vị trí địa lý của mình, tỉnh Quảng Trị có nhiều lợi thế về phát triển dịch vụ logistics, nhất là với các nước ASEAN trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) để thúc đẩy kinh tế phát triển. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TRẦN HỮU HÙNG về vấn đề này.

Gom nắng thắp sáng đường quê

Thu Hạ |

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực lắp đặt đèn đường khu vực nông thôn nhằm hoàn thiện tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tiêu chí này, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xã hội hóa việc lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm điện, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Sắm ô tô nhờ nuôi bò

Công Điền |

Trong khi nhiều nông dân vùng gò đồi phía Tây loay hoay với bài toán thoát nghèo, người dân ở xã Cam Tuyền đã tìm được lời giải bằng mô hình nuôi bò thâm canh.

Dần mở lại cánh cửa du lịch

Nguyễn Hùng - Mai Châu |

Ngày 8.9, nhiều tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên đã đồng loạt ra các văn bản, chỉ đạo nhằm mở lại cánh cửa ngành công nghiệp không khói. Quan điểm chung là tạo điều kiện cho du khách nhưng thận trọng và phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.