Trồng cà gai leo ở vùng Lìa

Quách Long |

Từ trước đến nay, đối tượng cây trồng chủ lực của bà con đồng bào Vân Kiều, Pakô các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chủ yếu là cây sắn và cây chuối, những loại cây trồng này đã góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu. 

Tuy nhiên, việc canh tác liên tục trong nhiều năm sẽ gây ra hiện tượng đất đai hoang hóa, bạc màu. Bên cạnh đó, tình trạng duy trì một vài loại cây nhất định khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn và phụ thuộc vào thị trường. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình là việc làm cần thiết, giúp bà con đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập. Và cây cà gai leo, một loại cây dược liệu đang được gia đình bà Căn Ling, thôn Tăng Cô-Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa canh tác đã mở ra một hướng đi mới cho người dân trong vùng.

Bà Căn Ling đang chăm sóc cà gai leo
Bà Căn Ling đang chăm sóc cà gai leo

Gia đình bà Căn Ling có hơn 6000 mét vuông đất đang trồng thử ngiệm cây cà gai leo. Trước đây, diện tích này được dùng để trồng sắn, tuy nhiên qua nhiều năm canh tác đất đai trở nên bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, giá sắn bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường đã khiến gia đình bà tính đến việc phải chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chọn lựa loại cây gì phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương và quan trọng hơn là có đầu ra ổn định mới là việc khó.

Sau quá trình tìm hiểu và được đi tham quan một số nơi, bà Căn Ling đã chọn cây cà gai leo, một loại cây dược liệu được nhiều nơi trồng đưa về trồng thử ngiệm tại rẫy gia đình. Cà gai leo là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và là giống cây tái sinh sau khi thu hoạch, cho hiệu qủa kinh tế cao. Toàn bộ diện tích hơn 6000m2 cà gai leo này được gia đình bà Căn Ling gieo trồng từ tháng 12 năm 2019 với sự liện kết giữa gia đình với công ty dược liệu Hà Lan có trụ sở tại thành phố Đông Hà. Mô hình liên kết được thực hiện theo hình thức công ty cung cấp giống, bạt phủ, phân bón, kỹ thuật gieo trồng chăm sóc; gia đình có đất trồng và công chăm sóc. Sau thu hoạch, công ty sẽ chịu trách nhiệm thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg.

Để có được mô hình, bà Căn Ling đã phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều trước khi trồng thử ngiệm, Bà Căn Ling cho biết: “Có được mô hình này là do Hội Nông dân huyện đã tạo điều kiện cho tôi được đi tham quan, học hỏi và hỗ trợ kinh phí để tôi có thể xây dựng mô hình. Để trồng hiệu quả loại cây này cần có thiết bị tưới đầy đủ, như năm nay nắng hạn kéo dài, phải có máy bơm để tưới liên tục. Gia đình tôi dành nhiều thời gian để theo dõi và chăm sóc sao cho cây được phát triển tốt nhất”.

Sau hơn 4 tháng gieo trồng thử ngiệm, cây cà gai leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Cà gai leo là một loại cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh và phát triển quanh năm. Cây được trồng ở nơi cao ráo không úng nước, không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ cần chăm bón bằng phân chuồng hoai mục. Cây phát triển cứ 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch một đợt và có chu kỳ phát triển lưu gốc trong vòng 3 năm. Khi thu hoạch, nông dân sẽ sử dụng máy cắt để sơ chế cây trước khi phơi khô. Theo tính toán, nếu được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha cà gai leo mỗi năm sẽ cho thu hoạch khoảng 8 tấn sản phẩm, với giá bán giao động từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg thì người nông dân sẽ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/1ha/năm.  Đối với địa bàn vùng Tây Nam huyện Hướng Hóa, cây cà gai leo là đối tượng cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế, đầu ra ổn định, do vậy việc trồng thử nghiệm cây cà gai leo sẽ mở ra một hướng đi mới ở địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn đối tượng cây trồng, tận dụng triệt để diện tích đất canh tác để nâng cao thu nhập.

Lãnh đạo xã Lìa kiểm tra mô hình cà gai leo
Lãnh đạo xã Lìa kiểm tra mô hình cà gai leo

Ông Hồ Cu Đa, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, Hướng Hóa chia sẻ: “Qua thực tế mô hình này của bà Căn Ling có thể thấy đây là loại cây trồng hiệu quả, có đầu ra ổn định cần được mở rộng, hiện tại đã có một số hộ gia đình đã học hỏi và làm theo bà Căn Ling. Thế nhưng để phát triển diện tích lớn thì bà con rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên về vốn, giống và đầu ra sản phẩm”.

Nhiều năm qua, đồng bào Vân Kiều, Pakô vùng Lìa nói riêng và toàn huyện Hướng Hóa nói chung đã quen với trồng sắn, trồng chuối, tuy nhiên những đối tượng cây trồng này đang dần bộc lộ một số hạn chế nhất định như làm cho đất đai bạc màu, đầu ra bấp bênh… do vậy việc chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng là việc làm cần thiết, cung cấp thêm mô hình cho người dân học hỏi và làm theo. Tuy nhiên, khi diện tích mở rộng, có nhiều gia đình thực hiện thì chính quyền địa phương và các phòng chức năng các cấp cần tích cực, chủ động liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Chỉ số PCI năm 2019: Quảng Trị tăng 4 bậc, vươn lên thuộc nhóm khá

Quang Hiệp |

Ngày 5/5/2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.

Triển khai xây dựng cầu hệ dây văng sông Hiếu

Tạ Hưng |

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị: sau thời gian tích cực chuẩn bị các hồ sơ thủ tục đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, dự án cầu sông Hiếu hệ dây văng đang được liên danh nhà thầu tích cực triển khai xây dựng.

Dấu ấn từ xây dựng nông thôn mới

Thanh Lê |

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm đổi thay trong mỗi làng quê, thôn xóm, từng ngôi nhà trên vùng quê Triệu Phong (Quảng Trị). Diện mạo mới ấy có dấu ấn của sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của mỗi người dân Triệu Phong.

Câu chuyện những người đi mở đất

Minh Tâm |

Xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn) thuộc vùng gò đồi miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Được thành lập vào cuối năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất hai miền, cán bộ và nhân dân nơi đây không chỉ chứng kiến và gánh chịu những hậu quả khôn lường do chiến tranh để lại mà còn nỗ lực vươn lên, đổ mồ hôi và cả máu của mình để biến vùng đất được mệnh danh là “Vùng đất chết” trong chiến tranh thành vùng quê trù phú, vững bước đi lên.