Những miền quê khởi sắc

Nguyễn Minh Đức |

45 năm đất nước hòa bình, thống nhất, những vùng quê dọc vĩ tuyến 17 ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã trở thành những vùng đất đặc biệt với những tên đất, tên làng, dòng sông, bến nước đã đi vào huyền thoại chống giặc gắn liền với chiến công hào hùng của lịch sử đất nước.

Đây là nguồn cảm hứng, động lực để các địa phương viết tiếp những trang sử mới, đưa những miền quê nơi đôi bờ giới tuyến năm xưa phát triển toàn diện, văn minh, giàu mạnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển...

Xã Vĩnh Giang ngày càng đổi mới. Ảnh: MĐ
Xã Vĩnh Giang ngày càng đổi mới. Ảnh: MĐ

Xuôi dòng Bến Hải, chúng tôi đặt chân đến Bến đò Tùng Luật (Bến đò B), thôn Tùng Luật (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh). Tiếp chuyện chúng tôi, cựu chiến binh Lê Quang Trung, thôn Tùng Luật cho biết, trong chiến tranh, mảnh đất Vĩnh Giang bị tàn phá nặng nề. Thế nhưng, người dân Vĩnh Giang vẫn anh dũng, kiên cường đứng lên cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nơi Bến đò B, người dân Vĩnh Giang ngày đêm tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men và đưa bộ đội vượt sông qua bờ Nam dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Chiến công oanh liệt nơi Bến đò Tùng Luật được tôn vinh như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Đi qua chiến tranh, Vĩnh Giang hôm nay đang khoác lên mình tấm áo mới trên hành trình phát triển. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực là thành quả tự hào từ những nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển quê hương của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Giang”, ông Trung nói trong niềm vui.

Chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Vĩnh Giang. Những nơi chúng tôi đến đều bắt gặp nụ cười và sự thân thiện chào đón khách của người dân địa phương. Tất cả mọi người dân đều tự hào về truyền thống lịch sử xã nhà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng, xã Vĩnh Giang đã nỗ lực để khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân…

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên cho biết, từ năm 1975, khi đất nước thống nhất, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã đoàn kết một lòng, chủ động sáng tạo để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương Vĩnh Giang ngày càng giàu đẹp. Đến hôm nay, Vĩnh Giang đã gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào trên các lĩnh vực. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân 8,7%/năm. Các tiềm năng, thế mạnh của địa phương được khai thác hiệu quả. Về lĩnh vực nông nghiệp, diện tích gieo trồng cây lúa hằng năm 218,2 ha, năng suất bình quân đạt 54 tạ/ha; diện tích cây hồ tiêu 129,5 ha; lạc 31 ha, đậu xanh 45 ha… Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã tạo được thương hiệu trên thị trường, tiêu biểu như sản phẩm đậu xanh, gạo đỏ Vĩnh Giang… Chăn nuôi được chú trọng đẩy mạnh; hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng. Trong đó, thế mạnh là nuôi tôm với diện tích 32,1ha, nuôi cá 55 ha; đưa vào nuôi nhiều con nuôi mới như cá chình, cá leo, cá chẽm…

Các lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ phát triển đúng hướng, với tổng thu nhập trên 121,2 tỉ đồng (năm 2019). Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp y tế được quan tâm, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa tinh thần được quan tâm, đặc biệt là phát huy truyền thống văn hóa dân gian. Hiện nay, 7 thôn, 2 đơn vị luôn duy trì, giữ vững danh hiệu làng văn hóa, đơn vị văn hóa; 96,7% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tốt. Đời sống người dân từng bước được nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,37%.

Một trong những kết quả tự hào của Vĩnh Giang đó là xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, về đích nông thôn mới sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới là 165 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp 30 tỉ đồng, 3.825 ngày công, hiến hơn 21.000 m2 đất, hơn 2.000 m tường rào và hàng rào… Từ xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt xã Vĩnh Giang khởi sắc. Hiện xã đang hoàn thiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích vào cuối năm 2020.

Đứng bên bờ Bắc dòng Bến Hải, nhìn sang bờ Nam, xã Trung Hải (Gio Linh) anh hùng đang chuyển mình mạnh mẽ. Lịch sử anh hùng đã tạo động lực để cán bộ, Nhân dân Trung Hải vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương phát triển và nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Chủ tịch UBND xã Trung Hải Lê Văn Toàn cho biết, 5 năm qua, nền kinh tế của xã phát triển khá, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 11,2%. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, vì vậy, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; năng suất, chất lượng ngày càng tăng.

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, nhiều mô hình kinh tế được triển khai hiệu quả như các mô hình rau sạch thôn Xuân Long, lúa hữu cơ thôn Xuân Hòa; nuôi tôm 2 giai đoạn thôn Xuân Mỵ, mô hình cá-lúa thôn Xuân Long, Hải Chữ, Cao Xá… Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được chú trọng. Tổng diện tích gieo trồng năm 2020 là 1.543,9 ha, trong đó, lúa 1.474,9 ha, cây thực phẩm 40 ha… Giá trị trên một đơn vị diện tích được nâng cao. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng gia trại, chất lượng đàn được nâng lên, công tác thú y và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được quan tâm. Diện tích nuôi trồng thủy sản 130,5 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 95,7 ha, sản lượng tôm 88 tấn (năm 2019). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 94,4 tỉ đồng. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển khá, đóng góp tích cực vào phát triển địa phương. Năm 2019, xã Trung Hải được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những năm qua, xã Trung Hải trở thành điểm sáng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao và các lễ hội truyền thống ở các địa phương. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm triển khai thực hiện tích cực, đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng được nâng lên. Công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được triển khai tích cực. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 36 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,9%. Đây chính là những thành quả quan trọng để Trung Hải tiếp tục nỗ lực thực hiện thành công nhiều mục tiêu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đầu tư điện mặt trời mái nhà, người dân bán điện ngược lại cho ngành điện

Tuấn Nghĩa |

Theo thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị), đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 110 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất lắp đặt là 1.280,05kWp, trong đó có nhiều khách hàng đã bán điện ngược lại cho ngành điện.

Đưa sản vật rừng về phố

Tây Long |

Trước đây, các sản vật quen thuộc với người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) thường chỉ quẩn quanh bản làng. Để mang no ấm về cho bà con, một số người con tâm huyết với quê hương đã tìm đường đưa sản vật vùng cao về phố

Xuất khẩu gần 81 tỷ USD

Thanh Hằng |

4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 2%, tương ứng tăng 1,62 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Xây chuồng lầu cho “đầu cơ nghiệp”

Hiếu Giang |

Từ lâu người nuôi bò ở thôn Bình Mỹ (thôn Bắc Bình sáp nhập với thôn Xuân Mỹ), xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) luôn xem vật nuôi này là “đầu cơ nghiệp”, là nguồn sinh kế quan trọng. Tuy vậy, vùng nuôi bò lai có tiếng này cũng là vùng rốn lũ, thường xuyên hứng chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Bởi vậy, để bảo vệ đàn bò nuôi có giá trị kinh tế cao của mình, nhiều năm qua, nhiều gia đình nơi đây không ngần ngại bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để xây dựng “chuồng lầu” kiên cố làm nơi… tránh lũ cho bò!