Trước đây, các sản vật quen thuộc với người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) thường chỉ quẩn quanh bản làng. Để mang no ấm về cho bà con, một số người con tâm huyết với quê hương đã tìm đường đưa sản vật vùng cao về phố
Nhiều khách hàng đã quay trở lại với cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tà Long, huyện Đakrông sau khi sử dụng sản vật mà chị em bày bán trên mạng xã hội. Đó chính là niềm vui đối với chị em vùng cao. Cách đây bốn năm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương (sinh năm 1986) tập tành làm quen với việc bán các sản vật vùng cao thông qua mạng xã hội. Điều khiến chị rất mừng là sản vật do bà con làm ra, tìm kiếm hoặc chế biến được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Nhận thấy đây là hướng đi mới giúp dân bản tránh bị tiểu thương ép giá, chị Thương đã quyết định cùng chị em “dấn thân” vào kinh doanh. Đầu năm 2019, được Hội LHPN huyện Đakrông, lãnh đạo xã Tà Long quan tâm, cùng sự hỗ trợ của Plan Quảng Trị, hội viên phụ nữ xã Tà Long khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương. Từ đây, việc buôn bán của chị Thương và chị em trong xã chuyên nghiệp hơn. Chị Hồ Thị Thương bộc bạch: “Ngày đầu làm ăn, mỗi lần khách đặt mua gì đó, tôi phải đi xe máy vượt gần 40 km, đưa hàng ra trung tâm thị trấn để gửi bưu điện. Giờ thì số lượng đơn hàng nhiều nên nhân viên bưu điện đến tận nơi. Phần lớn các sản phẩm của chị em sản xuất, tìm kiếm, chế biến đều được khách hàng hài lòng”.
Từng có thời gian rời xa chốn núi rừng để bước vào Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và được thỏa sức sống cùng đam mê nghệ thuật nhưng chưa bao giờ chị Hồ Thị Họa My (sinh năm 1987), trú tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông thôi mong muốn trở về với bản làng. Những ngày sống ở đô thị, chị Họa My thấy người dân thị thành rất thích những sản vật vùng cao. Trong khi đó, ở quê nhà, dân bản vẫn chưa tìm ra cách đưa các loại hàng hóa mình làm ra, tìm kiếm, chế biến được vượt núi đến nơi xa. Thực tế ấy đã thôi thúc cô gái miền rừng quyết định làm chiếc cầu nối giữa bản làng và phố hội. Trong suốt 3 năm miệt mài, chưa bao giờ chị Họa My thôi yêu công việc mình đang làm. Ngày ngày, chị dồn sức tìm kiếm những sản vật ngon, bổ, rẻ; cải tiến nhãn mác, bao bì; kết nối thị trường… “Thấy tôi bán hàng online cho khách, nhiều bạn đồng trang lứa hỏi sao không chọn áo quần, giày dép, túi xách… cho dễ bán, dễ kiếm lời. Thực ra, tôi kinh doanh sản vật vùng cao không chỉ vì muốn cải thiện thu nhập cho mình mà còn cả dân bản nữa. Đặc biệt, tôi muốn đưa hình ảnh bản làng, núi rừng miền Tây Quảng Trị đi xa”, chị Họa My dốc lòng.
Cũng như nhiều đứa trẻ ở miền rừng, tuổi thơ của chị Hồ Thị Thương và Hồ Thị Họa My in đậm hình ảnh những người phụ nữ vùng cao một nắng, hai sương sản xuất, tìm kiếm, chế biến sản vật rừng để nuôi sống gia đình. Bây giờ, cuộc sống hiện đại yêu cầu cư dân vùng cao cũng phải thay đổi. Bà con cần đưa những thứ kết tinh từ tình yêu lao động của mình ra khỏi bản làng để có tiền mua về các loại hàng hóa cần thiết. Vì thế, một thời, các bà, các mẹ phải lặn lội gùi từng chiếc chổi đót, nông sản, hoa phong lan… vượt hàng chục cây số để về bán cho người dân miền xuôi. Công sức đổ ra nhiều nhưng điều đáng nói là đồng tiền thu về quá ít ỏi. Trong lúc chưa tìm ra cách, ai cũng mừng khi tiểu thương từ miền xuôi lên vùng cao mua sản vật ngày càng nhiều. Thế nhưng, phần lớn các sản vật của dân bản được mua với giá rất rẻ. Thành ra, cuộc sống của dân bản vẫn còn nhiều khó khăn.
Bài toán mà các bà, các mẹ còn để ngỏ đã được những cô gái vùng cao như chị Hồ Thị Thương, Hồ Thị Họa My tìm ra lời giải. Sau tháng ngày vượt núi học chữ, làm ăn, họ hiểu rõ hơn giá trị của sản vật vùng cao và lý do khiến no ấm chưa về với dân bản. Vì thế, sau khi hồi hương, chị Thương, Họa My cũng như nhiều cô gái Vân Kiều, Pa Kô đã quyết tâm làm cầu nối để đưa sản vật rừng về phố. Họ tích cực tìm mối tiêu thụ thường xuyên; mở cửa hàng, bán hàng online; đăng ký tham gia các hội chợ… Ai cũng làm việc cật lực, không tính toán thiệt hơn, chỉ mong sao mang lại sự thay đổi nào đó.
Được học hành, tiếp xúc nhiều điều hay, chị Hồ Thị Thương, Họa My và các cô gái Vân Kiều, Pa Kô hôm nay đều hiểu rằng, sản vật rừng không dễ cạnh tranh với thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng ở miền xuôi. Vì thế, điều cần thiết nhất là chú trọng vào chất lượng sản vật. Cùng với đó, chị em còn chú ý cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác… cho nhiều sản vật trong trường hợp cần thiết. Không như trước đây, thời gian đưa hàng hóa đến với khách hàng được chị em rút ngắn khá nhiều. Một điều đáng ghi nhận khác là các phụ nữ vùng cao tình nguyện làm cầu nối giữa bản làng với miền xuôi còn chú ý lắng nghe, ghi nhận phản hồi của khách hàng để có sự thay đổi phù hợp.
Sự tâm huyết của chị Hồ Thị Thương, Hồ Thị Họa My và các phụ nữ vùng cao miệt mài đưa sản vật rừng về phố khác sớm mang lại kết quả. Nhờ nỗ lực của họ, người dân nhiều bản làng đã đỡ phải vất vả gùi cõng hàng hóa về xuôi hay bị tiểu thương ép giá. Thu nhập cao hơn nên cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con cũng được cải thiện. Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng gửi lời cảm ơn các chị bởi đã mang đến những sản vật rừng chất lượng, an toàn, giá cả phải chăng… Thành công với vai trò “cầu nối”, các chị không chỉ làm được một điều ý nghĩa cho mảnh đất mình sinh ra, lớn lên mà còn có thêm thu nhập; tạo việc làm cho nhiều người; mở rộng mối quan hệ…
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền, so với trước đây, vị thế của phụ nữ trên địa bàn ngày càng nâng cao. Một trong những minh chứng sinh động là chị em đã nối bước nhau trở thành người đưa sản vật địa phương đi xa, mang về no ấm cho dân bản. Ngoài chị Hồ Thị Thương, Hồ Thị Họa My, trên địa bàn còn nhiều gương chị em tìm lối ra cho sản vật địa phương như: Hồ Thị Rổ (xã Tà Rụt), Hồ Thị Mộc (xã Đakrông) Kăn Phúc (xã A Ngo)… Họ cũng chính là nguồn động lực, tiếp thêm quyết tâm cho các cán bộ, hội viên phụ nữ khác sáng tạo khởi nghiệp từ sản vật địa phương.
“Để thiết thực hỗ trợ cán bộ, hội viên, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tích cực thăm hỏi, động viên, kịp thời biểu dương chị em; tổ chức các lớp tập huấn, định hướng nghề nghiệp; thành lập tổ, nhóm hợp tác sản xuất; kêu gọi sự hỗ trợ của dự án nước ngoài, tổ chức, cá nhân; chung tay quảng bá sản phẩm… Thành quả bước đầu ngày hôm nay của chị em cũng chính là niềm vui của hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt là với những sản vật quê hương mình. Hy vọng cuộc sống của chị em và bà con dân bản sẽ no ấm, hạnh phúc hơn khi sản vật vươn xa”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)