Rời bỏ công việc bàn giấy an nhàn ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Hoàng Tùng Lâm đã quyết định trở về quê hương để khởi sự kinh doanh. Vượt qua bao thử thách, anh Lâm đã và đang đặt những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ của mình về xây dựng thương hiệu mang tên Coco Park với những sản phẩm từ dừa.
Khởi nghiệp từ trang sách
Theo dõi lễ biểu dương 30 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị, nhiều người chú ý đến một chàng trai trông thư sinh, hiền lành với cặp kính cận. Ai cũng nghĩ anh Hoàng Tùng Lâm (sinh năm 1986), trú tại Khu phố 1, Phường 1, thành phố Đông Hà là đại diện ưu tú của lớp trẻ khối trường học hoặc công chức, viên chức Nhà nước. Vì thế, khi nghe tên anh gắn với Công ty Cổ phần Hoàng Tùng Minh, nhiều người rất bất ngờ. “Ngay cả người thân, bạn bè cũng ngạc nhiên khi tôi rời bỏ công việc bàn giấy, phòng lạnh để theo đuổi kinh doanh. Và có lẽ rất hiếm người nghĩ tôi sẽ gây dựng thành công doanh nghiệp chỉ với đôi bàn tay trắng”, anh Lâm chia sẻ.
Trước khi trở thành một doanh nhân, anh Lâm hoàn toàn xa lạ với việc kinh doanh, buôn bán. Là con trai út trong một gia đình có ba mẹ đều là viên chức nhà nước, từ nhỏ, anh Lâm được định hướng đi theo con đường học hành, sau đó tìm kiếm một công việc ổn định. Tốt nghiệp THPT, anh theo học tại Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Quốc gia Lào. Trẻ trung, năng động, có năng lực, lại ham học hỏi nên sau khi tốt nghiệp, anh Lâm được nhiều cơ quan, đơn vị tại Lào và các tỉnh, thành ở Việt Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… chọn vào làm việc. Mọi thứ đều ổn, ngoại trừ việc chàng trai người Quảng Trị lại không mặn mà với những công việc an nhàn. Mỗi lúc rảnh rỗi, anh lại vùi đầu vào trang sách để tìm lối đi phù hợp.
Một lần, đọc cuốn sách truyền lửa khởi sự kinh doanh cho các bạn trẻ, anh Lâm thấy tác giả liệt kê những sản vật ở Việt Nam được khách nước ngoài ưa chuộng, trong đó có quả dừa. Một ý tưởng lóe sáng trong đầu anh. Ngay sau hôm ấy, anh quyết định về Bến Tre để tìm hiểu mọi thứ liên quan đến cây dừa. Chính những chuyến đi đó đã thôi thúc anh nộp đơn xin thôi việc để trở về quê hương theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.
Sau quyết định gây tranh cãi ấy, rất nhiều lần, người thân của anh Hoàng Tùng Lâm xót xa khi chứng kiến con em mình phải đội nắng, đội mưa bán từng trái dừa. Không ai nghĩ anh sẽ thành công bởi thấy quá nhiều số 0 trong “ván bài” khởi nghiệp của chàng trai trẻ: không thị trường, không kiến thức, không kinh nghiệm, không đồng vốn… Thất bại đến sớm hơn so với tiên lượng của anh. Những chuyến dừa xiêm đầu tiên từ Bến Tre ra Quảng Trị mang theo đồng vốn vay của anh Lâm đi mất. Xác định rõ nguyên nhân thất bại, anh Lâm lại rong ruổi vào Bến Tre tìm kiếm đối tác uy tín hơn và vạch lại con đường kinh doanh của mình.
Trong lúc khó khăn bủa vây, nhiều người lại tỏ ra ngạc nhiên khi thấy anh vẫn ung dung bên trang sách. Bất ngờ hơn, anh còn quyết định bỏ hàng chục triệu đồng để ra Hà Nội học cách quản trị kinh doanh. Bấy giờ, có người còn cho rằng anh Lâm làm vậy là vì không dám đối diện với… thất bại. Không ai ngờ, anh sớm trở về với những sự thay đổi ngoạn mục. “Mọi người thường cho rằng, kinh doanh là thứ gì đó thuộc về năng khiếu, có tính hên xui. Tôi nghĩ khác, doanh nhân giỏi là người học nhiều hơn ai hết. Đến giờ, tôi đã chi hàng trăm triệu cho việc học của mình. Thế nhưng, tôi thấy nó vẫn còn ít ỏi so với những gì mình cần học”, anh Lâm bộc bạch.
Kinh doanh bằng sự tử tế
Dẫn chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất sạch từng xăng ti met, anh Lâm chia sẻ về nguyên tắc 5S của công ty mình, đó là: sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng. Trong đó, “sạch sẽ” luôn là nguyên tắc được anh đặc biệt chú trọng. Chia tay công ty vì lý do cá nhân, có cựu nhân viên trở lại thăm xưởng, rồi góp ý với anh Lâm: “Nếu cứ chỉn chu trong từng công đoạn, sản phẩm thế này, biết bao giờ anh… giàu?”. Ngay lập tức, ông chủ trẻ trả lời rằng: “Tôi tin, nếu kinh doanh bằng sự tử tế thì không bao giờ chúng ta nghèo”.
Từ ngày đầu khởi nghiệp đến nay, anh Lâm luôn đặt kinh doanh bằng sự tử tế lên hàng đầu. Ngay lúc sóng gió nhất, anh vẫn không cho phép nhân viên “đối xử tệ” với sản phẩm mình làm ra. Thay vì nghĩ kế để “moi tiền” khách hàng, anh tìm đường làm ăn bền vững. Trở lại thời điểm cuối năm 2016, sau những chuyến nhập dừa không mấy thành công, anh Lâm nhận ra, nếu chỉ bán từng trái dừa thì không thể thu hút đông đảo khách hàng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh bắt đầu nghĩ đến việc chế biến các sản phẩm từ dừa như: rau câu trái dừa, nước dừa đóng chai, sữa dừa, chè dừa, mứt dừa… Không ngờ, hướng đi mới anh vạch ra lại thành công trên cả mong đợi.
Thấy cửa hàng ngày càng đông khách, anh Lâm như được tiếp thêm động lực. Anh cùng vợ và nhân viên mày mò, cho ra mắt những sản phẩm vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt. Mỗi khâu, mỗi công đoạn đều được vợ chồng anh và nhân viên đặt cả trái tim vào đó. Anh không tiếc chi một khoản tiền lớn đề đầu tư nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị… Riêng việc tìm ra một chiếc máy để cắt gọt dừa đẹp mắt cũng khiến anh mất nhiều công sức, thời gian. Không phụ lòng người, hầu hết sản phẩm mang thương hiệu Coco Park (Công viên dừa) ra đời đều nhận được sự hài lòng của khách hàng.
Từng trải qua thất bại, anh Lâm không đơn thuần lấy doanh thu làm thước đo của sự thành công. Với anh, thành công lớn nhất là đã tạo việc làm ổn định cho 14 lao động. Được anh truyền lửa, mọi nhân viên đều trân quý và có trách nhiệm với sản phẩm làm ra từ đôi tay mình. Một niềm vui khác của anh Lâm là thương hiệu Coco Park đã in dấu trong tâm trí khách hàng. Từ việc chỉ bán các sản phẩm trong tỉnh, sản phẩm của công ty sớm vươn ra các thị trường lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình… Càng bán được nhiều sản phẩm, anh càng có điều kiện để giúp đỡ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn như tâm nguyện ấp ủ bấy lâu.
Đến giờ, nhìn lại chặng đường đã qua, anh Lâm vẫn thầm cảm ơn những khó khăn, thử thách trên con đường khởi sự kinh doanh của mình. Đôi khi anh nghĩ, nếu để những nghi kỵ, lo lắng của mọi người và ngay cả bản thân níu bước, có lẽ mình sẽ không đủ bản lĩnh, tự tin để đi tiếp. Anh vui vì những người từng bàn lùi hay phản đối kế hoạch của mình đều đã quay lại ủng hộ để anh có thể vươn đến một giấc mơ lớn hơn, đó là xây dựng một vùng nguyên liệu dừa rộng lớn ngay trên quê hương. Anh luôn tin rằng, giữa miền gió Lào, cát trắng, những bóng dừa mang thương hiệu Coco Park sẽ mang về màu xanh ấm no.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)