Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã có 91 sản phẩm đã được chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao. Đây không những là nền tảng để các sản phẩm nâng tầm giá trị, vươn xa hơn trên thị trường mà còn khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu.
Phát huy thế mạnh địa phương, trong giai đoạn 2019 - 2021, huyện Vĩnh Linh đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm tinh bột nghệ curminreal của Công ty TNHH Hùng Dung và hồ tiêu đỏ của Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu Vĩnh Linh; 8 sản phẩm đạt 3 sao gồm dầu lạc nguyên chất của hộ kinh doanh Lê Thanh Biên, miến ngũ sắc Loan Hảo của cơ sở sản xuất Loan Hảo, nước mắm nhĩ cá cơm của cơ sở sản xuất nước mắm Khiêm Trọng, dầu lạc nguyên chất của Công ty TNHH Hùng Thịnh Thành, cốm gạo lứt rong biển Gia Hân, muối cá lá Gia Hân của cơ sở sản xuất Gia Hân, bánh quy tinh bột ngô, bánh quy tinh bột nghệ của Công ty TNHH Hùng Dung.
Phó Giám đốc HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh Nguyễn Tấn Minh cho biết: “Để cho ra đời dòng sản phẩm tiêu đỏ, ngoài quy trình canh tác nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn hữu cơ thì khâu thu hoạch và chế biến cũng phải hết sức cẩn thận để đảm bảo lớp vỏ bên ngoài không bị trầy xước.
Quá trình sấy phải đúng thời gian và nhiệt độ quy định để sản phẩm giữ được màu đỏ. Với chất lượng nổi trội, năm 2020, sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ của HTX đã đạt được chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. Sản lượng bình quân đạt gần 800 kg/năm”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn thông tin, cùng với triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá như hỗ trợ bao bì nhãn mác; phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; mua máy móc thiết bị; hỗ trợ chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quảng bá sản phẩm.
“Hiện tại các sản phẩm OCOP của huyện đều đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Một số sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu, hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao”, ông Tuấn khẳng định.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, chương trình OCOP được xác định là điểm đột phá để phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 12 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP thế mạnh của huyện chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như cà phê, măng A Lay, măng Bát Độ, chuối mật mốc, tinh bột nghệ. Thông qua chương trình OCOP đã góp phần khai thác lợi thế các nguồn lực của địa phương, tạo ra các sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng vùng, miền; tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết thêm, huyện đang phấn đấu nâng cấp từ 1 - 2 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; phát triển thêm từ 4 - 5 sản phẩm mới đạt 3 sao; định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; đồng thời, đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2019, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2019 - 2021.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí, các chủ thể sau khi tham gia chương trình OCOP đã đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP; cải tiến mẫu mã bao bì, hình thức sản phẩm, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số chủ thể đã chuyển từ quy mô hộ sản xuất - kinh doanh lên thành công ty. Các sản phẩm từ chỗ thô sơ nay đã khoác một diện mạo mới đẹp hơn, tiêu chuẩn chất lượng được kiểm soát kỹ càng hơn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định.
“Thông qua chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Trí nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)