Tái đàn lợn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học

Phan Việt Toàn |

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung tái đàn, tăng đàn lợn để khôi phục sản xuất và đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Để chủ động thực hiện việc tái đàn an toàn, hiệu quả thì hiện nay biện pháp hữu hiệu nhất trong chăn nuôi lợn đó là áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi VietGap, chăn nuôi hữu cơ. Tập trung phát triển, tái đàn lợn đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Người dân mong muốn có nguồn giống tốt để tái đàn lợn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: PV
Người dân mong muốn có nguồn giống tốt để tái đàn lợn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: PV

Tại huyện Hải Lăng, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y, chính quyền các xã, thị trấn và các lực lượng chức năng cùng phối hợp để hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn lợn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Trần Quốc Lượng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, sau khi có hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên, trạm đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác an toàn sinh học, cụ thể như: Xử lý môi trường trước khi tái đàn lợn; chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch theo quy định; thực hiện công tác tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn. Từ đầu năm đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã đưa 3.000 lít hóa chất cấp cho các xã, thị trấn để thực hiện việc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại trước khi các hộ dân nuôi tái đàn.

Xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng là điểm xuất hiện dịch tả lợn đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Tháng 3/2020 sau khi công bố hết dịch, thực hiện công tác tái đàn dưới sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn, các hộ dân đã tái đàn trở lại. Hiện ở xã Hải Chánh đã có trên 25 hộ dân phát triển chăn nuôi tái đàn trở lại, với tổng số 700 con lợn, trong đó có 251 con lợn nái. Cùng với đó, UBND xã Hải Chánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn trở lại trên nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chăn nuôi.

Ông Bùi Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết: Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể ở xã chỉ đạo thôn tuyên tuyên truyền vận động người dân có điều kiện nhân rộng tái đàn lợn. Việc tái đàn, tăng đàn lợn phải đảm bảo an toàn sinh học. Hộ chăn nuôi trước khi nuôi phải đăng ký với UBND xã để được kiểm tra xác nhận điều kiện nuôi và hướng dẫn thực hiện các điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ tham mưu HĐND xã thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích về kinh phí để các hộ dân có điều kiện nhân rộng tái đàn.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, trang trại của gia đình anh Nguyễn Vĩnh Phú, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã tiêu hủy 48 con lợn bệnh. Sau một thời gian nghỉ nuôi, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng, xử lý chuồng trại, hiện nay, trang trại gia đình anh bắt đầu khôi phục, tái đàn lợn trở lại. “Sau khi tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để tái đàn. Trước khi tái đàn, được cán bộ kỹ thuật của trạm, thú y xã hướng dẫn tiêu độc, khử trùng và chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Hiện nay gia đình tôi nuôi được 45 con lợn, đàn lợn phát triển tốt, không có dấu hiệu dịch bệnh xảy ra, đó là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi có động lực chuyên tâm vào phát triển đàn lợn trở lại”, anh Phú chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tập trung hướng dẫn các địa phương quan tâm thực hiện tái đàn lợn, trong đó chú trọng đến đảm bảo cơ sở vật chất, ứng dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thân thiện với môi trường. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y bám sát địa bàn, hỗ trợ các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi và kiểm tra giám sát điều kiện chăn nuôi của các hộ. Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Đầu năm 2020 đến nay dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế và kiểm soát. Trước tình hình dịch bệnh ổn định, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn để đảm bảo nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng và đời sống của Nhân dân.

Chi cục đã chỉ đạo các trạm tăng cường kiểm tra hướng dẫn tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, giúp cho việc vừa tăng đàn vừa đảm bảo dịch bệnh không xảy ra. “Qua theo dõi, việc tái đàn đã được thực hiện tại nhiều địa phương, đặc biệt các hộ có chăn nuôi lợn nái thì việc tái đàn thuận lợi hơn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 25.000 con lợn nái sinh sản. Trước việc phát triển đàn như vậy, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất với UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng đề án khôi phục lợn nái thêm 25.000 con để đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 50.000 con, nhằm thực hiện tốt việc tái đàn từ nay đến hết năm 2021. Với mong muốn số lượng lợn nái đảm bảo như trước dịch bệnh xảy ra, có như vậy mới đảm bảo tái đàn thành công”, ông An nói.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 70.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tập trung phát triển chăn nuôi tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học hoàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, để tái đàn thành công, các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ đàn lợn nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong thời gian tới, hạn chế sự lây lan bệnh. Các hộ chăn nuôi cần ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà sạch của cựu chiến binh Trần Lạc

Ngọc Trang |

Vượt lên khó khăn của cuộc sống đời thường, đặc biệt là vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể, những năm qua cựu chiến binh (CCB) Trần Lạc (thương binh hạng 1/4) ở thôn Đồng Tâm 2, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tích cực tìm tòi cách thức làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ông đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp canh tác tự nhiên, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Làm sao để 1ha tôm thu 23 tỉ đồng?

Nhật Hồ |

Lao Động ngày 31.7 có thông tin Bạc Liêu 1ha nuôi tôm thu đến 23 tỉ đồng/năm. Ngay sau thông tin đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng khó đạt đến mức này. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu, chuyện nuôi tôm năng suất cao đã diễn ra nhiều năm nay nên doanh thu như vậy là không hiếm. Dù vậy để đạt doanh thu “khủng” này không phải chuyện dễ.

Hải Lăng: Lúa hè thu được mùa được giá

Quang Giang |

Những ngày này, tại nhiều cánh đồng xuống giống sớm vụ lúa hè thu ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nông dân đang thu hoạch lúa với niềm vui được mùa, được giá.

Người nỗ lực xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ sim rừng Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Nắm bắt nhu cầu sử dụng sim rừng để làm thuốc chữa bệnh, nước giải khát… cũng như lợi thế ở địa phương có nguồn cây sim khá lớn nên những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Minh Hồng ở thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp đã tìm kiếm nguồn cung cấp cũng như đầu ra ổn định cho trái sim Hướng Hóa (Quảng Trị). Qua một thời gian gắn bó với nghề thu mua, kết nối tiêu thụ, chị Hồng cũng đã tự tay làm ra những sản phẩm đặc trưng của miền sơn cước và hướng tới xây dựng thương hiệu từ loại cây rừng này.