Tạo đột phá các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn

Kô Kăn Sương |

Quảng Trị là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng để phát triển chuyên sâu các ngành công nghiệp như năng lượng, chế biến nông lâm - thủy - sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ), silicat... Do đó, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp để khai thác lợi thế các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng nhanh, bền vững.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, những năm gần đây, Quảng Trị là điểm lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, triển khai thực hiện các dự án về năng lượng như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện và điện khí. Toàn tỉnh hiện có 13 dự án năng lượng đi vào hoạt động với công suất 377MW. Hiện nay, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất là 3.300MW; các dự án năng lượng đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy hoạch điện VIII với tổng công suất là 11.921MW. Nếu các dự án đã được quy hoạch cùng với các dự án đang trình bổ sung quy hoạch nêu trên được phê duyệt thì Quảng Trị sẽ trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với quy mô công suất hơn 15.000MW. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng mạng lưới truyền tải để kết nối các dự án đã và đang đầu tư trong tỉnh, đảm bảo dự án đầu tư được truyền tải lên lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời - nguồn năng lượng sạch được đầu tư xây dựng tại Quảng Trị - Ảnh: K.S​
Điện mặt trời - nguồn năng lượng sạch được đầu tư xây dựng tại Quảng Trị - Ảnh: K.S​

Đối với công nghiệp chế biến gỗ, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện chặt chẽ công tác quản lý đất rừng, trồng rừng, quy hoạch lại diện tích rừng trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cũng như định hướng phát triển của tỉnh; đề ra cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm mộc quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ hoạt động khá ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 115 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và gỗ dăm. Năm 2019 giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 1.048.518 tấn, với giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 118,355 triệu USD, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ngoài năng lượng, chế biến gỗ, Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển công nghiệp vật liệu mới-công nghệ cao đó là nguồn nguyên liệu cát trắng tự nhiên sẵn có tại Triệu Phong và Hải Lăng với hàm lượng SiO2 trên 99%, sa khoáng titan tại Vĩnh Linh và Hải Lăng, nguồn nhiên liệu khí đốt thiên nhiên vừa phát hiện các bờ biển Quảng Trị có trữ lượng khá lớn nên có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các ngành công nghiệp năng lượng, phân bón, hóa chất, vật liệu…của các tỉnh trong khu vực.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ hoạt động ổn định - Ảnh: K.S​
Ngành công nghiệp chế biến gỗ hoạt động ổn định - Ảnh: K.S​

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Do đó, để các ngành công nghiệp trọng điểm ở địa phương phát triển bền vững, tạo sự bứt phá về KT-XH, thời gian tới, ngành Công thương Quảng Trị sẽ phối hợp với các ngành và địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp sau: Đối với công nghiệp năng lượng, rà soát từng dự án cụ thể đặt trong tổng thể, cũng như yêu cầu của những dự án này về giải tỏa công suất để đánh giá thực tiễn, từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật vào từng khu vực nhằm nâng cao công suất giải tỏa. Phối hợp chặt chẽ với EVN đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng đấu nối dự án mạch 3 đường dây 500KV, đường dây 220KV, nâng cấp đường dây 110KV để giải tỏa công suất các dự án năng lượng đã triển khai trên địa bàn.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, đặc biệt là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai có hiệu quả các dự án năng lượng đến đầu tư trên địa bàn. Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó chú trọng khuyến khích, thu hút kinh tế tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đấu nối các dự án năng lượng để giải tỏa hết công suất các dự án đang triển khai đầu tư, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế như điện gió, thủy điện phía Tây, điện khí, than tại Khu kinh tế Đông Nam, điện mặt trời ven biển phía Đông tỉnh...

Tua-bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 -Ảnh: K.S​
Tua-bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 -Ảnh: K.S​

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 thì ngành Công thương phải đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường lành mạnh, an toàn, minh bạch cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất chế biến gỗ hiện có, từng bước chuyển đổi mặt hàng phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển ngành và xu hướng thị trường. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ doanh nghiệp, người trồng rừng thực hiện tốt Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hỗ trợ công tác xúc tiến thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tập trung phát triển rừng theo hướng phát triển rừng gỗ lớn, phát triển rừng bền vững, phát triển rừng phải tuân thủ chứng chỉ FSC.

Có chính sách ưu đãi tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, đầu tư quy trình công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Đào tạo tay nghề lao động, năng lực quản lý gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp chế biến gỗ. Huy động nguồn vốn và phát huy năng lực của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo Luật Khoáng sản quy định. Áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị của sản phẩm sau chế biến, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản. Mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt ngành công nghiệp vật liệu mới, công nghệ cao với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau như sợi thủy tinh, các sản phẩm kính, các sản phẩm phục vụ công nghiệp năng lượng, điện tử,.. với giá trị gia tăng cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lào thúc đẩy hội nhập kinh tế số và công nghiệp 4.0

Tổng hợp |

Ngày 17/12, Trung tâm Internet quốc gia Lào thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông và Truyền thông Lào tổ chức hội thảo có chủ đề “sẵn sàng hội nhập kinh tế số và công nghiệp 4.0”. Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bounsaleumxay Khennavong.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng thu hút đầu tư công nghiệp xanh

Quốc Dũng |

Đoàn Đại sứ các nước thành viên EU do ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU ở Việt Nam dẫn đầu có buổi thăm, làm việc tại Đà Nẵng để tìm hiểu môi trường, các chính sách thu hút đầu tư.

Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá để phát triển (Kỳ 1)

Nguyễn Hoàn |

Sau khi trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1784) là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước, cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1871-1914) là điện khí hóa với động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt, cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1969) là tự động hóa với sự ra đời của công nghệ thông tin, máy tính, nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (diễn ra từ những năm 2000) là số hóa, kết nối (các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo).

Tăng cường công tác kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Minh Hiển |

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của khá nhiều sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, mối liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa liên tục. Do vậy, sản phẩm dù có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng khó cạnh tranh trên thị trường. Việc thực hiện kết nối thị trường thông qua các phiên chợ, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc kích cầu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.