Tập trung phát triển cây trồng, con nuôi có thế mạnh ở Cam Lộ

Khánh Ngọc |

Nhằm đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có trình độ thâm canh cao, hợp tác và liên kết bền vững, những năm qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm cây trồng, con nuôi có thế mạnh của huyện Cam Lộ từng bước gắn với thực hành chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm: Thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra.

Xác định sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay phải theo hướng hàng hóa, lấy giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế đặt lên hàng đầu, trên cơ sở quy hoạch lợi thế ba vùng kinh tế, huyện Cam Lộ tiếp tục tập trung chuyên canh các loại cây trồng có thế mạnh, gồm vùng cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, vùng cây lương thực và hoa màu để có kế hoạch bố trí theo quy trình phù hợp, đầu tư đồng bộ, tránh tự phát, nhỏ lẻ. Phát huy lợi thế vùng đất đỏ ba dan, huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp như quy hoạch lại vùng sản xuất; hỗ trợ đầu tư hệ thống thoát úng, hệ thống tưới tiêu, sử dụng giống sạch bệnh, ứng dụng các biện pháp thâm canh theo hướng hữu cơ sinh học.

Thu hoạch cây chè vằng ở Cam Lộ - Ảnh: K.N
Thu hoạch cây chè vằng ở Cam Lộ - Ảnh: K.N

Nhờ đó, toàn huyện đã phục hồi gần 300 ha hồ tiêu, ổn định diện tích 422 ha, năng suất cây hồ tiêu đưa vào phục hồi cao hơn 6 - 8tạ/ha so với tập quán người dân sản xuất trước đây, góp phần đưa năng suất bình quân trên toàn huyện lên 12,5 tạ/ha năm 2020. Hiện nay, sản phẩm hạt tiêu Cùa của HTX Hồ tiêu Cùa được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, đang làm hồ sơ để công nhận đạt 4 sao trong năm 2021. Đối với cây cao su, duy trì chăm sóc, bảo vệ các vùng cao su tiểu điền 4.063 ha gắn với Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, trong đó diện tích đưa vào khai thác 3.337 ha, năng suất mủ DRC tăng từ 10 tạ/ha năm 2015 lên 12,2 tạ/ha vào năm 2020, sản lượng mủ khô đạt trên 3.894 tấn/năm được liên kết với Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ thu mua và chế biến.

Vùng lạc ven sông Hiếu có diện tích gieo trồng hằng năm gần 600 ha, áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh, xen canh có chủ động nước tưới, năng suất lạc từ 18 tạ/ha năm 2015 tăng lên 22 - 24 tạ/ha năm 2020; nâng thu nhập bình quân từ 60 - 80 triệu đồng/ha. Vùng trồng lúa duy trì diện tích trong toàn huyện trên 2.800 ha, 100% diện tích được ứng dụng đồng bộ cơ giới vào sản xuất; trên 90% diện tích lúa sử dụng giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao như HT1, HC95, BT7, HN6… Năng suất lúa từ 49 tạ/ha năm 2015 tăng lên 55,4 tạ/ha năm 2020 và năm 2021 ước đạt 58 - 59 tạ/ha, giá trị gia tăng trên mỗi héc ta đạt từ 30 - 35%.

Đặc biệt, thực hiện mục tiêu xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, huyện đã chuyển đổi gần 55 ha đất lâm nghiệp và 30 ha đất màu sang trồng cây dược liệu, nâng diện tích cây dược liệu lên trên 150 ha, trong đó 65 ha chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha an xoa; 60 ha nghệ và gần 10 ha các cây dược liệu khác; giá trị gia tăng so sánh trên các vùng đất chuyển đổi cao gấp 2 - 3 lần, mở ra hướng mới khai thác dư địa đất đai, sinh thái vùng gò đồi để phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương gắn với thị trường tiêu thụ và liên kết nhiều nhà. Về chăn nuôi, trên địa bàn huyện duy trì tổng đàn trâu, bò gần 7.000 con; lợn hơn 23.000 con; gia cầm trên 250.000 con.

Chất lượng đàn được nâng lên rõ rệt, so với năm 2016, tỉ lệ bò lai trong tổng đàn tăng 24%, nâng tỉ lệ bò lai lên gần 80% năm 2020; tỉ lệ đàn lợn ngoại và lợn lai máu ngoại tăng 35%, nâng lên 80% năm 2020. Song song với phát triển các con nuôi chủ lực, huyện chú trọng khuyến khích phát triển các loại vật nuôi tiềm năng như dê, nhím, lợn rừng, hươu, thỏ, bồ câu, với tổng đàn trên 5.000 con, góp phần đưa tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân 18,1% năm, nâng tỉ trọng ngành chăn nuôi lên 44,46% trong cơ cấu nông nghiệp.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp huyện Cam Lộ là các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương đều có liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Huyện đã chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có lợi thế so sánh của địa phương gắn với thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; hỗ trợ cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, đầu tư máy móc thiết bị chế biến sản phẩm nông sản hàng hóa, đăng ký thương hiệu, nhãn mác, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng.

Đến nay, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của huyện đều được liên kết với các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình được thị trường ưa chuộng như sản phẩm hồ tiêu, cao su mủ cốm, tinh bột sắn, cao dược liệu chế biến, tinh dầu lạc... Một số sản phẩm như tinh bột sắn, cao su mủ cốm, ván ghép thanh, cao dược liệu Định Sơn; cao cà gai leo An Xuân, tinh bột nghệ Cùa, tinh dầu lạc... đã được vinh danh ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và vươn ra thị trường, vào các siêu thị cao cấp.

Bên cạnh công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh và giá trị gia tăng cao theo quy mô vùng, kinh tế vườn gắn với chỉnh trang nông thôn xây dựng nông thôn mới được huyện chú trọng. Với quan điểm vườn không chỉ tạo nên những làng quê trù phú, xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập và nâng tầm nông thôn mới, huyện Cam Lộ huy động lồng ghép các nguồn lực, tập trung tuyên truyền, vận động cải tạo xóa vườn tạp, chuyển đổi sang cây trồng phù hợp có hiệu quả đã được khẳng định ở địa phương; hướng dẫn quy hoạch, thiết kế vườn theo tiêu chuẩn vườn mẫu.

Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 85 vườn mẫu với các cây trồng khác nhau trên diên tích gần 25 ha. Phong trào xây dựng vườn mẫu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn theo hướng kinh tế thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời thực hiện tốt việc chỉnh trang nhà ở, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào xây dựng xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ở mỗi địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hoá: Hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor để tái canh cây cà phê

Nguyễn Đình Phục |

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cho biết: Nhằm giúp các hộ dân, nhất là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các xã thực hiện tái canh cây cà phê, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vừa hỗ trợ hơn 60.000 giống cây cà phê chè catimor cho 33 hộ dân ở xã Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh thực hiện tái canh 31,1ha cây cà phê.

Phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Thanh Trúc |

Là vùng đất nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Trị được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên thực vật, trong đó có cây dược liệu rất phong phú và đa dạng, có hàm lượng dược tính cao như chè vằng, nghệ, an xoa, cà gai leo, các loại cây chế biến tinh dầu như cây sả, gừng… Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền.

Cam Lộ: Hỗ trợ cây giống trồng 400 ha rừng gỗ lớn

Anh Vũ |

Thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020 hướng đến năm 2025 của UBND huyện, trong năm 2021 huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có kế hoạch trồng khoảng 1.400 ha rừng, trong đó giao chỉ tiêu cho các xã triển khai trồng 400 ha rừng gỗ lớn.

Nhiều lợi ích từ ứng dụng thiết bị bay trong chăm sóc cây trồng

Mỹ Hằng |

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ứng dụng thiết bị bay (còn gọi là drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích lúa 110 ha. Qua thực tế sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm cho biết, công nghệ này có nhiều tiện ích, không chỉ tiết kiệm được chi phí, sức lao động mà quan trọng hơn là góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân.