Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thường xuất hiện nhiều cả về loại hình và số lượng cũng như cường độ. Các hiện tượng như: Bão, lũ lụt, hạn hán, lũ quét, ngập úng, xói lở đất, xâm nhập mặn ở vùng ven biển... đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên đại bàn tỉnh. Nhằm hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Với mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong phạm vi quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra. Góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn được phân công, chủ động xây dựng phương án ứng phó để làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó thiên tai ở cấp cao hơn nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống cụ thể do thiên tai gây ra. Đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra. Bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh Quốc gia, phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn được phân công, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.
Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng theo phương châm “Ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” sử dụng phương châm “4 tại chỗ”. Các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác PCTT tại các địa bàn đã được phân công của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý hoạt động phòng chống thiên tai và TKCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ huy, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo quy định của pháp luật.
Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành do Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các ngành làm Trưởng ban, đảm bảo có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách địa bàn, ngành, lĩnh vực theo quy định. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu, các công trình trọng điểm PCTT đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTT. Tổng kiểm tra các công trình chống lụt, bão, úng, các công trình phụ trợ PCTT
UBND các huyện, thành phố, các ngành chủ động kiểm kê vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT & TKCN. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình phòng, chống lụt, bão, úng và các công trình phụ trợ PCTT tập trung xử lý, khắc phục kịp thời các tồn tại để đảm bảo an toàn. Đồng thời, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh và UBND tỉnh Ninh Bình.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành cần tập trung lập và phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTT. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện công tác diễn tập ứng phó với thiên tai phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đảm bản hạn chế tới mức thấp nhất thiện hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.
(Nguồn: Lao Động)