Quảng Trị là mảnh đất mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đấu tranh dân tộc. Nơi này là cầu nối hai miền Nam - Bắc, là nơi chịu nhiều đau thương, tang tóc. Trong chiến tranh người Quảng Trị anh dũng. Khi hòa bình lập lại, người Quảng Trị lại anh hùng lao vào “cuộc chiến” xây dựng quê hương.
1.7.2019 là tròn 30 năm từ ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị về những khởi sắc, kỳ vọng của nơi được mệnh danh là “đất lửa”.
Riêng về lĩnh vực kinh tế của tỉnh Quảng Trị, sẽ rất khập khiễng nếu so sánh ngày xưa với ngày nay, nhưng ông có thể đưa ra vài số liệu cụ thể để hình dung được về những khó khăn, thách thức cũng như nỗ lực của địa phương để có được hôm nay?
- Ngày 1.7.1989, tỉnh Quảng Trị chính thức được tái lập. Sau 30 năm nhìn lại, chúng ta có quyền khẳng định, tự hào về những thành tựu to lớn đạt được, trong đó nổi bật là lĩnh vực kinh tế. Năm 1989-1995, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân chỉ 5,4%/năm. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt 7,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 43,6 triệu đồng, tăng gấp 7,6 lần năm 1989, xếp thứ 2 khu vực các tỉnh miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh từ nền kinh tế “thuần nông” sang công nghiệp - dịch vụ. Nếu năm 1989, tỉ trọng lâm – lâm - ngư nghiệp chiếm 62,3% trong cơ cấu kinh tế, thì đến năm 2018 chỉ còn 21,5%.
Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Từ xuất phát điểm của một địa phương thường xuyên thiếu thốn lương thực, đến năm 2018, sản lượng lương thực đạt 28,9 vạn tấn.
Sản xuất công nghiệp vào những năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 1.653 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Nhưng đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, có khoảng 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 20.991 lao động...
Gần đây, Quảng Trị đã nhận diện rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh của mình và đặt ra mục tiêu sẽ trở thành “Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung”. Mục tiêu đó có khả thi?
- Quảng Trị với điều kiện khí hậu và đặc điểm tự nhiên đặc trưng, có tiềm năng về phát triển các dự án năng lượng. Với mong muốn biến khó khăn của “cái nắng”, “cái gió” thành cơ hội phát triển, Quảng Trị đã tập trung phát triển công nghiệp năng lượng.
Đơn cử, qua khảo sát, địa bàn có tổng công suất điện gió lên đến 3.484,95MW, nên Quảng Trị đã thu hút được nhiều dự án đầu tư về lĩnh vực điện gió. Trong đó, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, công suất 30MW đã vận hành, hòa lưới điện quốc gia từ quý III/2017. Ngoài ra, Quảng Trị đã xây dựng, khánh thành Nhà máy điện mặt trời LICOGI 13 với 50MW. Bên cạnh đó, nhiều dự án năng lượng đang được triển khai đầu tư xây dựng (16 dự án, tổng công suất 578MW), hoặc đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch (29 dự án, tổng công suất 1.697,95 MW)...
Với tiềm năng hiện có, dự báo tổng quy mô công suất các dự án nguồn điện (nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, điện gió, điện mặt trời...) trên địa bàn Quảng Trị đến năm 2020 là 465MW, năm 2025 là trên 5.000MW, sau năm 2025 có thể phát triển lên đến 8.000MW.
Để trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như tạo môi trường phát triển, địa phương đã và sẽ làm gì?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền; thực hiện kế hoạch “Ngày thứ 7 vì các dự án động lực” của lãnh đạo tỉnh... Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như sự quyết liệt trong hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tạo ra luồng sinh khí mới.
Quảng Trị cũng tập trung làm tốt công tác xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, đây là cơ sở cho công tác xúc tiến, đón đầu, thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Trị.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chính sách ưu đãi, tỉnh Quảng Trị sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông điệp mà lãnh đạo tỉnh gửi đến các nhà đầu tư: “Đầu tư ở Quảng Trị như tờ giấy trắng. Các nhà đầu tư hãy đến đó để viết lên những thành công của chính mình”.
Xin cảm ơn ông.
(Nguồn: Lao Động)