Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh Hồ Văn Tình (37 tuổi), ở thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã nỗ lực vượt khó, bước đầu thành công với mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thôn Tà Đủ từ bao đời nay gắn bó với nương rẫy, mùa màng được, mất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên cuộc sống còn khó khăn. Là một thanh niên Vân Kiều với tuổi thơ đầy ắp nhọc nhằn, vất vả, anh Tình luôn trăn trở lựa chọn con đường khởi nghiệp phù hợp để nâng cao thu nhập và xa hơn là ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính quê hương Tà Đủ. Anh Tình kể, sau khi lập gia đình, tài sản ba mẹ để lại cho anh là căn nhà sàn tạm bợ và mấy sào rẫy. Là trụ cột trong gia đình, anh xác định trước tiên phải phấn đấu đảm bảo cuộc sống no đủ cho vợ con. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, vợ chồng anh miệt mài lao động sản xuất. Được chính quyền vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, anh mạnh dạn đi đầu thực hiện. Từ đó, những cây trồng truyền thống trên rẫy dần được anh thay thế bằng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sắn, chuối, lúa nước…
Cùng với trồng trọt, anh còn tận dụng diện tích đất vườn sẵn có để nuôi thêm gia súc, gia cầm nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do những hạn chế trong kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nên những năm đầu hiệu quả kinh tế chưa cao. Không nản chí, anh Tình vừa duy trì mô hình, vừa tranh thủ thời gian học thêm kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tại địa phương để nâng cao kiến thức, phục vụ cho quá trình sản xuất.
Tự tin với vốn kiến thức tích lũy được, anh Tình đã vay vốn ngân hàng, từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Ngoài diện tích trồng sắn, chuối, lúa, anh Tình khai hoang trồng thêm được 3 ha rừng kinh tế; từ chăn nuôi vài con bò theo hình thức thả rông, anh chuyển sang nuôi bò tập trung với quy mô 5 con/lứa…Từ xuất phát điểm với nhiều thiếu thốn, khó khăn, đến nay anh Tình đã có của ăn của để, trở thành một trong những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại thôn Tà Đủ với thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2017, anh xây dựng được căn nhà kiên cố với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, anh Tình cho hay: “Với người dân vùng cao, cái khó nhất trong phát triển kinh tế chính là vốn và kinh nghiệm. Thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất thông qua các kênh vốn vay ưu đãi, đó là một lợi thế lớn; còn kinh nghiệm, theo tôi bản thân mỗi người phải mạnh dạn làm mới rút ra được, có thể phải chấp nhận thất bại mới đi đến thành công. Trồng sắn, trồng chuối, trồng rừng hay chăn nuôi bò, tôi cũng đã từng thất bại ngay từ những vụ sản xuất đầu tiên. Tuy nhiên, thay vì bỏ cuộc, tôi càng quyết tâm phải đứng dậy trên chính thất bại đó, từng bước khắc phục những hạn chế để có những vụ sản xuất thắng lợi về sau”.
Với sự thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân Tà Đủ hôm nay đã có những đổi thay rõ nét, thay vì sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nay họ đã hoàn toàn làm chủ mô hình sản xuất, tính toán được mùa vụ, lựa chọn cây trồng con nuôi phù hợp. Những thanh niên trẻ ở vùng cao dám nghĩ dám làm như anh Tình sẽ trở thành động lực để nhiều thanh niên khác tự tin vươn lên trong phát triển kinh tế và lập thân, lập nghiệp, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Tình đang bận chuẩn bị chuồng trại để phát triển thêm chăn nuôi dê trong thời gian tới. “Nhận thấy chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương dồi dào nên tôi quyết định đầu tư nuôi thêm đàn dê để tăng thu nhập cho gia đình. Mình còn trẻ, có sức khỏe, có thời gian nên việc gì có thể làm thì phải quyết tâm làm cho đến nơi đến chốn”, anh Tình quả quyết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)