Tiên phong sản xuất “chất đốt xanh”

Nguyễn Trang |

Nỗ lực thoát nghèo, vượt qua biến cố vươn lên xây dựng nên cơ nghiệp thu về hàng tỉ đồng mỗi năm từ phế phẩm nông, lâm nghiệp. Đó là câu chuyện của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Tám (sinh năm 1978) - anh Hồ Sĩ Duy (sinh năm 1976), những người đứng đầu Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An, Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).  

Những năm 2003 trở về trước, gia đình chị Tám - anh Duy (ở Khu phố Hòa Phú, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) hết sức khó khăn do 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Được sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, các tổ chức, đoàn thể, anh chị dần mở được xưởng mộc tại nhà. Kinh tế khấm khá hơn song sản xuất trong khu dân cư gây ồn ào, bụi bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường xung quanh khiến vợ chồng chị trăn trở. Mong muốn tìm hướng phát triển kinh tế đồng thời phải đảm bảo được môi sinh, môi trường, anh chị tìm hiểu nhiều mô hình làm ăn phù hợp hơn. Nhận thấy trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, ở vùng gò đồi phía tây có nhiều xưởng cưa, cơ sở nghề chế tác đồ gỗ, mỹ nghệ đang hoạt động, lượng vỏ bào, mùn cưa thải ra cũng rất lớn; cùng với đó, tại các xã, thị trấn vùng đồng bằng, từ các cơ sở xay xát lúa, mỗi ngày hàng tấn vỏ trấu bỏ không. Phần lớn số chất thải nông, lâm nghiệp trên chưa được xử lý nên nếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, giá cả thấp này tái sử dụng sản xuất ra chất đốt chắc chắn sẽ tạo nên sản phẩm tiềm năng, có sức cạnh tranh cao so với các loại chất đốt thông thường.

Chị Trần Thị Tám (bên phải) quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất và thị trường cho sản phẩm củi trấu của công ty-Ảnh: NGUYỄN TRANG​
Chị Trần Thị Tám (bên phải) quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất và thị trường cho sản phẩm củi trấu của công ty-Ảnh: NGUYỄN TRANG​

Mặt khác, tại thời điểm đó, mô hình sản xuất củi trấu chưa có mặt tại huyện Vĩnh Linh. Bỏ nhiều công sức tìm hiểu, năm 2012, vợ chồng chị Tám quyết định vay 500 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất củi trấu. Với nguyên liệu mùn cưa, vỏ trấu, vỏ bào thu gom từ các điểm xay xát lúa, nghề gỗ trong toàn huyện, sau khi đưa vào dây chuyền gồm máy xay, máy ép, máy sấy, sẽ cho ra củi trấu dạng thanh. Hoạt động với tiêu chí hướng đến an toàn môi trường, tuy nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, song những ngày đầu khởi nghiệp, anh chị gặp không ít khó khăn khi thiếu vốn, kỹ thuật, phương thức tiếp cận thị trường. Chính vì vậy, vợ chồng chị Tám vừa làm, vừa dành thời gian tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn sản xuất- kinh doanh, tham dự các hội chợ thương mại để có thêm kinh nghiệm. Đồng thời liên hệ khắp nơi tìm đầu ra cho sản phẩm. Dần dần, từ chỗ chỉ cung cấp nhỏ lẻ cho các hàng quán kinh doanh thực phẩm trong địa bàn, củi trấu của cơ sở anh chị sản xuất được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhiều doanh nghiệp, bếp ăn tập thể đơn vị trường học, quân đội lựa chọn tin dùng thường xuyên.  

Phải chật vật lắm mới có thể đi vào hoạt động ổn định thì đến giữa năm 2015, do sự cố chập điện gây hỏa hoạn lớn, cơ sở của vợ chồng chị Tám gồm 3 tầng với tổng diện tích khoảng 700 m2 cùng nhiều máy móc, nguyên liệu bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại trên 1,3 tỉ đồng. Mất hết tất cả, nguồn tài chính cạn kiệt, nhưng quyết không nản chí, anh chị xoay xở đủ mọi cách để khôi phục sản xuất. Một lần nữa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh xem xét cho vay vốn ưu đãi qua kênh giải quyết việc làm, anh chị bắt tay làm lại từ đầu, từng bước vực dậy cơ ngơi. Cuối năm 2015, Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm củi trấu chính thức thành lập. Đặc biệt, năm 2016, sản phẩm củi trấu của công ty được vinh danh, công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh càng tiếp thêm niềm tin, động lực để anh chị phấn đấu hơn nữa. Cũng thời gian này, công ty chuyển trụ sở, nhà xưởng lên Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.  

Không ngừng mở rộng quy mô, bổ sung trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An ngày càng kinh doanh có hiệu quả. So với các loại chất đốt truyền thống như củi gỗ, than tổ ong, than đá thì củi trấu có nhiều ưu điểm vượt trội khi nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, giá bán rẻ, giảm chi phí cũng như thời gian cho việc đun nấu khoảng 30%, lại thân thiện với môi trường. Qua gần 10 năm khởi nghiệp, hiện nay Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An có 2 nhà xưởng diện tích 6.000 m2 cùng hệ thống dây chuyền tự động gồm máy xay, máy ép, sấy vỏ trấu, mùn cưa; đầy đủ các loại xe chuyên dụng... Ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, công ty còn thu mua thêm từ các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An… để đảm bảo sản xuất. Cùng với thị trường vốn có, công ty ký kết thêm hợp đồng cung ứng củi trấu cho các khu công nghiệp, nhà máy lớn trong tỉnh như: Nhà máy may Hòa Thọ Đông Hà, Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong, Nhà máy may Miền Trung… Sản lượng củi trấu hằng năm đạt trên 1.200 tấn, doanh thu gần 1,7 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng; tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn với thu nhập 4 - 6 triệu đồng/ người/tháng.  

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình sản xuất củi trấu của Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An còn góp phần đáng kể trong giải quyết vấn đề rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. “Kinh doanh không chỉ tạo ra nguồn lợi kinh tế mà còn có thể mang lại những lợi ích về mặt môi trường, đây thực sự là giá trị mà cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi luôn hướng đến. Thời gian tới Công ty TNHH MTV Hồ Nghĩa An dự kiến sẽ trực tiếp nhập mặt hàng lúa chất lượng cao, tiến hành xay xát ngay tại xưởng, vừa lấy gạo xuất bán ra thị trường vừa tận dụng thêm vỏ trấu làm nguyên liệu sản xuất củi trấu. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục mở rộng thị trường ra các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Bắc,” chị Tám chia sẻ.   

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giúp phụ nữ nghèo vùng biên giới phát triển kinh tế

Văn Cần |

Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần giúp Nhân dân các xã vùng biên giới vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Người dân thôn Tùng Luật nỗ lực thoát nghèo

Trúc Phương |

Thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vốn là một trong những địa phương đông dân và có số hộ nghèo cao nhất trong xã. Những năm qua, nhờ đổi mới trong tư duy và nỗ lực, chịu khó làm ăn, nhiều gia đình đã thoát nghèo thành công, từ đó góp phần làm giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của địa phương. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với công tác giảm nghèo của thôn Tùng Luật nói riêng và xã Vĩnh Giang nói chung.

Tủ quần áo từ thiện - Sưởi ấm bệnh nhân nghèo ở Hướng Hoá

Kim Huệ - Ta Tép |

Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động nhưng mô hình “Tủ quần áo từ thiện - Sưởi ấm bệnh nhân nghèo” tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã bước đầu phát huy hiệu quả. Thông qua việc vận động, kêu gọi tất cả mọi người ở khắp nơi thu gom những bộ quần áo cũ nhằm giúp đỡ người nhà và bệnh nhân nghèo, đặc biệt bà con đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ vượt qua những lúc khó khăn. Đây là việc làm mang đậm tính nhân văn nhằm góp phần sưởi ấm, sẻ chia với những hoàn cảnh thiếu thốn và bệnh tật.

Ngặt nghèo vì lũ dữ

Hà Trang |

Cùng chính quyền địa phương và đoàn thiện nguyện mang lương thực, nhu yếu phẩm đến hỗ trợ gia đình anh Bùi Văn Đáng (sinh năm 1979) và chị Hoàng Thị Hằng (sinh năm 1980), ở thôn Trúc Kinh, xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh bi đát, khó khăn của vợ chồng anh chị sau trận lũ lịch sử vừa qua.