Thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nhập khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay diễn ra nhộn nhịp; nhiều dự án đầu tư về hạ tầng kết nối CKQT La Lay với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị triển khai thực hiện; các thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh nước bạn Lào, Thái Lan được ký kết... đã mở ra triển vọng hình thành vùng động lực phát triển kinh tế ở phía Tây Quảng Trị.
Nếu hạ tầng tốt hơn sẽ góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế thuận lợi
Có mặt tại khu vực CKQT La Lay vào những ngày cuối tháng 1/2024 mới thấy được những khó khăn, vất vả của các lái xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam nói riêng. Quãng đường thuộc Quốc lộ 15 dài khoảng 10 km từ đường Hồ Chí Minh đi CKQT La Lay có rất nhiều đoạn đèo dốc quanh co, mặt đường hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu; có một số đoạn thi công dang dở.
Tại khu vực cửa khẩu, hạ tầng chật hẹp, nhiều hạng mục thi công chưa hoàn thành, thêm vào đó là tình trạng bụi than, bụi đất mù mịt khi trời nắng, bùn lầy khi trời mưa. Thực tế này khiến xe chở hàng hóa lưu thông từ Lào về Việt Nam và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn. Không ít thời điểm trong ngày xảy ra ùn tắc thời gian dài do lượng xe tải nặng, container lưu thông tăng hoặc có xe gặp sự cố.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, hạ tầng khu vực cửa khẩu kém, chưa đồng bộ và kết nối với các trục giao thông huyết mạch khác khó khăn không chỉ kéo dài thời gian, quãng đường vận chuyển dẫn đến chi phí tăng vọt, hàng hóa giảm chất lượng, hư hỏng mà còn tạo tâm lý ngán ngại cho doanh nghiệp khi chọn CKQT La Lay để xuất nhập khẩu các mặt hàng hay mở rộng đầu tư kinh doanh.
Thông tin từ Chi cục Hải quan CKQT La Lay, Cục Hải quan Quảng Trị cho biết, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua đây đạt 261 triệu USD, tổng thu ngân sách nhà nước 574,63 tỉ đồng, tăng lần lượt 1341,6% và 188% so với năm 2022. Trong đó, đáng chú ý là thu ngân sách từ nhập khẩu than đá đạt trên 500 tỉ đồng.
“Thực tế tại cửa khẩu cho thấy, nếu hạ tầng tốt hơn, kết nối thuận lợi hơn, ngắn hơn với các tuyến giao thông đi các cảng thì lượng than đá nhập khẩu không chỉ dừng lại ở mức trung bình khoảng 6.400 tấn/ngày mà sẽ lớn hơn rất nhiều. Không chỉ than đá mà việc xuất nhập khẩu các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT La Lay Lê Cẩm An thông tin.
Bà Hoàng Thị Cúc, đại diện Công ty TNHH MTV Thông Phát cho biết: “Quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa của công ty gặp không ít khó khăn, hạn chế về khối lượng do điều kiện hạ tầng ở CKQT La Lay chật hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ. Không ít thời điểm hàng hóa từ Lào về mắc kẹt do tắc đường, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng với đối tác”.
Mở hướng phát triển
Để đánh thức tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay, nhiều định hướng, giải pháp đã được tỉnh triển khai, doanh nghiệp đã vào cuộc đầu tư.
Bên cạnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng khu vực CKQT La Lay; khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ các quy hoạch để khẩn trương xây dựng Đề án Phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Mục tiêu đề án hướng đến là hình thành một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang Kinh tế Đông-Tây, một trung tâm dịch vụ logicstics năng động. Tổng nguồn vốn cần huy động thực hiện đề án để đảm bảo đáp ứng các định hướng phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và cơ sở hạ tầng dự kiến khoảng 3.146,2 tỉ đồng. Đây là những điều kiện cụ thể để triển khai thực hiện một số dự án động lực, tạo ra xung lực mới và bước phát triển đột phá của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế...
Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay có vị trí thuận lợi cho phát triển quan hệ quốc tế, thương mại, dịch vụ và du lịch, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hành lang đi qua CKQT La Lay thuận lợi để thu hút khối lượng vận tải trao đổi hàng hóa từ 4 tỉnh vùng Nam Lào với dân số 1 triệu người và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan với dân số khoảng 21,5 triệu người. Thời gian tới, khi tuyến đường nối từ CKQT La Lay về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển nước sâu Mỹ Thủy dài hơn 70 km (đã được Bộ GTVT bổ sung vào Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) được mở ra, sẽ tạo cho Quảng Trị một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Tháng 6/2023, một liên danh nhà đầu tư đã đề xuất phương án nghiên cứu, đầu tư dự án vận chuyển than từ mỏ Kaleum, tỉnh Sekong (Lào) qua CKQT La Lay về cảng Mỹ Thủy bằng băng chuyền với tổng chiều dài 160 km, gồm 3 dự án: hệ thống băng tải trên lãnh thổ Lào với chiều dài băng tải 85 km; hệ thống băng tải đi qua biên giới hai nước Việt Nam - Lào có chiều dài khoảng 5 km; hệ thống băng tải từ km 4+200 Quốc lộ 15 đến cảng Mỹ Thủy dài 70 km.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng và băng tải chở than đá từ CKQT La Lay về cảng Mỹ Thủy có chiều dài 70 km. Nhà đầu tư sẽ xây dựng cảng hàng rời chuyên dụng và hạ tầng cảng đáp ứng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, công suất tiếp nhận 30 triệu tấn hàng/năm. Phần băng tải được xây dựng kín, đi nổi trên hệ dầm, giàn thép trên cao, cầu vượt hoặc hầm xuyên núi. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.500 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026...
Từ đề xuất của UBND tỉnh, ngày 5/1/2024, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép triển khai Dự án xây dựng hệ thống băng chuyền vận tải than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới tại khu vực CKQT La Lay thuộc giai đoạn 2 của Dự án tổng thể vận tải than đá và hàng rời từ Lào về Việt Nam do Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất.
Dự án có chiều dài khoảng 5,5 km, phần băng tải nằm trên lãnh thổ Lào khoảng 200 m, nằm trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 5,5 km nhằm vận chuyển than đá từ kho bãi ở tỉnh Salavan (Lào) qua CKQT La Lay đến kho bãi tại xã A Ngo, huyện Đakrông. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.840 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn để xây dựng tuyến băng tải có tổng công suất vận tải 6.000 tấn/giờ cùng các công trình phụ trợ.
Ông Trần Nam Khánh, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cho biết: “Khi dự án băng chuyền vận tải than đá đi vào hoạt động và hạ tầng được đầu tư, tính kết nối lưu thông tốt hơn thì khối lượng than nhập khẩu qua CKQT La Lay của doanh nghiệp sẽ tăng gấp nhiều lần so với năm 2023”.
“Năm 2023, lượng than đá nhập khẩu từ Lào qua cửa khẩu là trên 2,33 triệu tấn. Theo tính toán sơ bộ, khi việc nhập khẩu than đá từ Lào được thực hiện bằng hệ thống băng chuyền sẽ đưa lượng than nhập khẩu tăng khoảng 10 lần. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cửa khẩu”, ông Lê Cẩm An nói.
Vào cuộc khẩn trương, đồng bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết: “Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua CKQT La Lay khi đi vào vận hành sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới về kinh tế - xã hội, đồng thời là điều kiện thuận lợi, động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở khu vực phía Tây của tỉnh. Để dự án sớm triển khai đầu tư, vận hành, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn, phát sinh để nhà đầu tư sớm có cơ sở triển khai...”.
Cuối tháng 1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Quảng Trị sang thăm, làm việc tại hai tỉnh Salavan, Sekong (Lào) để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trọng tâm là việc vận chuyển, xuất khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua CKQT La Lay.
Điểm nhấn trong chuyến công tác lần này là sau khi tìm hiểu thực tế tại mỏ than Kaleum ở tỉnh Sekong, ước tính có trữ lượng khoảng 800 triệu tấn; nghe đại diện mỏ đề nghị chính quyền các bên sớm xúc tiến triển khai Dự án hệ thống băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua khu vực CKQT La Lay..., Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sekong để thảo luận và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
Trong đó, đáng chú ý là đề nghị của tỉnh Quảng Trị đối với tỉnh Sekong trong phối hợp với tỉnh Salavan cùng kiến nghị cấp có thẩm quyền phía nước bạn Lào sớm có văn bản đồng ý để hai tỉnh có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo của Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Chính phủ hai nước cho phép kéo dài thời gian làm việc của các lực lượng chức năng tại cặp CKQT La Lay (Việt Nam) - La Lay (Lào) nhằm đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá với khối lượng lớn.
“Chuyến công tác lần này không chỉ thúc đẩy hợp tác với hai tỉnh Sekong, Salavan về đầu tư, thương mại, logistics, du lịch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vị trí trên tuyến hành lang kinh tế theo trục ngang Đông Tây (PARA-EWEC), kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa các tỉnh Sekong - Champasak - Salavan - Quảng Trị và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua CKQT La Lay, mà còn hỗ trợ và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác, xuất khẩu than đá qua cặp CKQT La Lay - La Lay”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chia sẻ.
Để “đón đầu” Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc.
“Đơn vị đã xây dựng quy trình thủ tục hải quan nhập khẩu than đá bằng băng chuyền qua biên giới, phương án đảm bảo nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hải quan khi lượng than nhập khẩu tăng cao, báo cáo cấp trên và cơ bản được chấp thuận. Cùng với đó, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư phương án, thủ tục xây dựng bãi tập kết than cũng như các vấn đề liên quan khác”, ông Lê Cẩm An cho hay.
Theo Trạm Trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng, Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Thiếu tá Nguyễn Thanh Minh, các phương án bảo đảm an ninh trật tự, quản lý biên giới, xuất nhập cảnh khi Dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đi vào hoạt động đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng...
Liên quan đến Đề án Phát triển kinh tế khu vực CKQT La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ngày 22/1/2024, tại cuộc làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu phải khẩn trương xây dựng hoàn thiện đề án tương xứng với tầm vóc khu vực động lực phát triển liên kết vùng, kết nối quốc gia, quốc tế.
Trong đó, cần làm rõ khó khăn hiện tại, dự báo phát triển, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu để kết nối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế. Đến năm 2035, thành lập khu kinh tế cửa khẩu, kết nối tuyến Quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến CKQT La Lay, làm cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam với Lào và các nước ASEAN.
Cũng trong tháng 1/2024, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị với nhiều cam kết hợp tác thúc đẩy quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế.
Tại sự kiện này, Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani Supasit Kocharoenyos thông tin, hiện Ubon Ratchathani đang xây dựng cầu Hữu Nghị thứ 6 nối với tỉnh Salavan, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển 3 tỉnh Ubon Ratchathani - Salavan - Quảng Trị, đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Lào tới cảng Mỹ Thủy trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Đây có thể được xem là “cú hích” để các hoạt động giao thương kinh tế ở khu vực CKQT La Lay sôi động hơn...
Có thể thấy rằng, triển vọng hình thành một vùng động lực phát triển kinh tế ở phía Tây Quảng Trị là rất sáng sủa, góp phần “về đích” mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)