Ông tổ y học thế giới Hyppocrates đã nói rằng: “Thức ăn của bạn phải là thuốc cho bạn và thuốc men của bạn phải là thức ăn”.
Thực tế, hàng ngàn năm qua ở nước ta cho thấy, thực phẩm từ tự nhiên chính là thảo dược tốt nhất mang lại sức đề kháng bền vững cho cơ thể.
Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc quý. Theo thống kê của Viện Dược liệu, đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới.
Bên cạnh đó, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Ngành Y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Những thống kê về cây thuốc còn cho thấy, cứ 4 cây trong thiên nhiên thì có 1 cây có thể làm thuốc, nếu tiếp tục nghiên cứu thì tỉ lệ cây cỏ làm thuốc được có thể nhiều hơn. Quảng Trị là một trong những địa phương có hệ đa dạng sinh học phong phú với hệ thực vật gần 2.500 loài bậc cao, trong đó có 51 loài quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Bó chè Cùa nổi tiếng đi vào thơ văn cho đến cao dược liệu, gừng, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, rượu dâu, lạc giống, mật ong, tiêu Cùa.. đều là những dược liệu quý giúp tăng cường hệ miễn dịch nếu biết sử dụng hợp lý. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 100 ha trồng cây dược liệu.
Trong môi trường ăn uống bằng nông sản bản địa, cơ thể người Việt có khả năng tự miễn nhiễm với phần lớn các loại bệnh tật. Khả năng tự miễn nhiễm này được di truyền từ đời này qua đời khác. Một bữa ăn truyền thống bình thường của người Việt với rau củ và một ít thịt cá cũng đủ khả năng phòng ngừa bệnh tật. Khi bị bệnh, người Việt biết ăn thêm thứ gì và biết dùng thứ cây lá gì để chữa bệnh. Những tri thức y dược đó được phân tán trong dân gian, thể hiện trong mỗi bữa ăn từ các đời trước truyền lại cho đời sau. Nếu quan sát kỹ hơn chúng ta sẽ thấy, bữa ăn của người Quảng Trị rất phù hợp với việc phòng ngừa cảm cúm như: Cháo bột cá lóc với nhiều ném, ớt, hoặc những món ăn có nhiều gia vị là gừng, tiêu…
Một số kỹ năng phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, dọn vệ sinh nhà cửa đã được hướng dẫn. Bên cạnh đó, mỗi người đều có thể nâng cao hệ miễn dịch để đủ sức đề kháng trước dịch bệnh bằng sự tìm hiểu và thực hành của cá nhân. Vì thế, trước tiên mỗi người cần loại bỏ tư tưởng “chờ” Nhà nước, cơ quan chức năng đến tận nơi để phục vụ cấp phát, chăm lo về sức khỏe… Đồng thời nên xem đây là cơ hội vô cùng quý giá để mỗi người cập nhật thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe. Trước đây khi chưa có dịch COVID-19, những chứng bệnh thông thường như: lạnh, cảm, sốt, tiêu chảy… cũng gây nguy hại đến sức khỏe. Thức ăn cũng chính là vị thuốc quý. Do đó, cần chủ động tìm hiểu, kịp thời chữa những căn bệnh thông thường và tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng việc ăn đúng, uống đúng và rèn luyện thể dục thể thao.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)