Cần tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19

Mai Lâm |

Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do ảnh hưởng bởi COVID-19. Hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ được Chính phủ, địa phương triển khai song vẫn chỉ như “muối bỏ biển” nếu DN không tìm cách thay đổi, thích nghi.

Thời gian qua, DN trên địa bàn tỉnh đã và đang được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm hóa đơn tiền điện… Những chính sách này góp phần tích cực giúp DN phần nào ổn định sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 bởi nhiều đơn hàng bị cắt giảm - Ảnh: ML​
Doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 bởi nhiều đơn hàng bị cắt giảm - Ảnh: ML​

Theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Lê Dũng, ảnh hưởng COVID-19, có 3 cửa hàng trên địa bàn Quảng Trị của DN giảm trung bình 30% doanh thu hằng tháng, đặc biệt những tháng thực hiện giãn cách xã hội thì doanh thu giảm trên 60%. Tuy nhiên, do các hợp đồng nhập hàng hóa, linh kiện máy móc điện tử của DN đều làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài nên yêu cầu rất khắt khe về thời hạn thanh toán tiền nhập hàng về kho. Vì thế, dù ảnh hưởng dịch bệnh, hàng hóa ế ẩm nhưng đến hạn công ty vẫn phải trả đầy đủ tiền hàng nhập với đối tác. Rất may, trong những tháng xảy ra dịch bệnh vừa qua, nhờ được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Quảng Trị hỗ trợ cho vay 6 tỉ đồng với lãi suất 6,5%/năm nên tháo gỡ khó khăn về vốn nhập hàng cho công ty. Bên cạnh khoản vay mới để nhập hàng, ngân hàng cũng tạo điều kiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay cũ nên công ty cũng đỡ áp lực về vốn kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này để không rơi vào tình trạng nợ xấu, ảnh hưởng đến điều kiện vay vốn sau này của đơn vị.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Trị, tính đến cuối tháng 8/2020 tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn tỉnh trên 5.450 tỉ đồng, trong đó số dư nợ đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ trên 562 tỉ đồng với 605 khách hàng. Toàn tỉnh cũng có 779 khách hàng được miễn, giảm lãi suất cho vay do ảnh hưởng bởi COVID-19 với số tiền trên 155 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện giải ngân trên 2.843 tỉ đồng vốn vay mới với lãi suất thấp hơn từ 1 - 2,5%/năm so với lãi suất cùng loại hiện hành đối với một số DN để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh.

Cũng liên quan đến chính sách hỗ trợ DN ảnh hưởng COVID-19, ngành thuế đã tiến hành hỗ trợ xử lý hồ sơ gia hạn thời gian nộp thuế cho 545 DN với số tiền thuế được gia hạn gần 94 tỉ đồng. Từ tháng 8/2020, ngành thuế cũng triển khai thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 với các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng theo đúng chủ trương của Chính phủ. Công ty Điện lực Quảng Trị cũng thực hiện giảm 10% giá điện cho 11.622 khách hàng sản xuất, kinh doanh, gần 100 khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch cũng được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7/2020…

Bằng những cách làm khác nhau nhưng những hỗ trợ thiết thực về vốn của các ngành chức năng trong thời gian qua đã góp phần giúp DN phần nào ổn định sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, DN cần những được “tiếp sức” bằng những chính sách dài hơi hơn. Theo ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Trị, ảnh hưởng bởi COVID-19, đến nay tỉnh Quảng Trị có 153 DN ngừng hoạt động, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 100 DN phải hoạt động cầm chừng, cắt bớt lao động hoặc luân phiên sử dụng lao động, gần 1.200 lao động phải ngừng việc. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỉ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân chính là vì những quy định quá khắt khe về tiêu chí để được hỗ trợ đối với nhóm đối tượng thuộc DN có người lao động ngưng việc làm không lương và các DN khó khăn trong việc thanh toán, hỗ trợ cho người lao động được vay vốn ưu đãi theo các chính sách trên. Trong khi đó, việc giảm lãi suất cho vay mới hay cơ cấu nợ ở các ngân hàng thương mại như hiện nay trên thực tế thì không phải DN khó khăn nào cũng tiếp cận được.

Theo nhiều DN, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại quá phức tạp, tốn kém thời gian cho DN. Nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng nhiều vào việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh khiến các hộ kinh doanh và DN không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp. Hiện nay các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu là hoãn, giãn tiến độ nộp (không nộp trước thì nộp sau) mà chưa có giải pháp nào liên quan đến miễn, giảm, xóa bỏ các hạng mục DN phải đóng trong giai đoạn gần như không hoạt động này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hồng Trung, Trưởng Phòng Tổng hợp, nhân sự và kiểm soát nội bộ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho hay, các ngân hàng cũng là DN và không nằm ngoài những tác động tiêu cực của COVID-19. Nguồn vốn để thực hiện các chính sách, giải pháp ưu đãi hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19 của ngành ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không phải từ ngân sách nhà nước, mà xuất phát từ nguồn tiền gửi huy động và tiết giảm chi phí hoạt động, bao gồm cả cắt giảm một phần lương, thưởng của nhân viên. Ngân hàng phải đảm bảo khách hàng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đúng đối tượng… nên không được hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống. Để giúp DN vượt qua khó khăn một cách căn cơ, đòi hỏi cần có những chính sách vĩ mô về tài chính - ngân hàng của nhà nước như hạ lãi suất cơ bản, nới rộng chính sách cung tiền, miễn, giảm các loại thuế, phí hay điều chỉnh, nới lỏng một số quy định đối với DN hưởng chính sách hỗ trợ gói 62 nghìn tỉ đồng theo quy định của Chính phủ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh như hiện nay thì bên cạnh chính sách trợ lực từ nhà nước, DN cần tìm cách thích nghi để chủ động vượt qua khó khăn như cắt giảm chi phí hoạt động; linh động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chủ động phòng chống và ứng phó trước các tình huống thiên tai

Tạ Hưng |

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây tình hình thiên tai bão lụt, hạn hán diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão năm nay, các địa phương đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch nhằm chủ động phòng chống và ứng phó một cách có hiệu quả trước các tình huống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhiệt tình, tận tâm với công tác hội phụ nữ

Trúc Phương |

Nhiệt tình, tận tâm là điều mọi người thường nhận xét mỗi khi nhắc đến chị Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh năm 1966), hiện sống tại Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Những năm qua, trên cương vị là Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn, chị Bình luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào thi đua của các cấp hội và địa phương, nổi bật là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Lao Bảo: Khám phá, quảng bá hình ảnh quê hương bằng xe đạp gia đình

Dương Xuân |

Ngày 13/9/2020, tại khách sạn Sê Pôn, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), nhóm xe đạp Family Lao Bảo ra mắt hoạt động.

Phấn đấu đưa 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngọc Trang |

Nhằm nâng cao hiệu quả tạo việc làm cho lao động nông thôn, huyện Hướng Hóa vừa ban hành kế hoạch “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện năm 2020”.