Đi qua vùng lũ

Lâm Thanh - Hà Trang - An Phong |

Những ngày này, người dân Quảng Trị đang căng mình ứng phó với một trận lũ lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thống kê ban đầu, đến nay có 7 người chết, 6 người chưa biết tung tích; 39.741 hộ với 122.364 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Dẫu biết thiệt hại do thiên tai là khó lường nhưng sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị sát cánh cùng Nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt trong những ngày qua đã nhân lên nghĩa tình tương thân, tương ái, đùm bọc nhau vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống.

Dồn sức cho những vùng xung yếu

“Lũ ngập trên diện rộng và chia cắt, cô lập nhiều vùng chưa thể tiếp cận được. Một số nơi như Thượng Nguyên, Mai Đàn, Xuân Lâm thuộc xã Hải Lâm hay địa bàn xã Hải Chánh, Hải Trường, Hải Thượng… nước lũ lên quá nhanh, nhiều nhà ngập tận nóc, hàng ngàn người dân trở tay không kịp nên trong hai ngày đỉnh lũ từ ngày 9 - 10/10, chúng tôi liên tục tiếp nhận các thông tin của người dân nhờ cứu trợ. Lực lượng của huyện mỏng không đủ sức chống đỡ nên tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng công an, bộ đội cùng các phương tiện chuyên dụng vào giúp địa phương ứng cứu, di dời sơ tán người dân. Chúng tôi vẫn chưa thống kê được thiệt hại, nhiệm vụ ưu tiên số 1 bây giờ là cứu người”, đó thông tin chia sẻ từ ông Lê Đình Lễ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, người trực tiếp tổng hợp thông tin thiệt hại trong đợt lũ này cho đến thời điểm hiện tại dù nước lũ đã bắt đầu rút.

Đưa nước sạch, mì ăn liền đến tận tay người dân vùng lũ - Ảnh: L.T​
Đưa nước sạch, mì ăn liền đến tận tay người dân vùng lũ - Ảnh: L.T​

Theo nhận định của nhiều người, mực nước lũ nhiều nơi trên địa bàn huyện Hải Lăng trong đợt lũ này đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm nhiều làng mạc nơi đây. Thống kê sơ bộ toàn huyện có 16.875 hộ gia đình bị ngập lụt từ 0,2 - 3,5 m. Sáng sớm ngày 10/10/2020, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được tăng cường vào hỗ trợ di dời, sơ tán người dân ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, bà Phan Thị Tường, (91 tuổi) chia sẻ: “Sống gần hết phần đời ở đây nhưng chưa bao giờ tôi thấy nước lũ lớn như vậy. Tôi thì già yếu, trong nhà có thêm con dâu và cháu nội vừa sinh chắt, mấy mẹ con, bà cháu không biết chạy đi đâu khi nước vây tứ bề nên kê 4 cái ghế cao để đặt giường lên trên ghế rồi cả nhà cùng ngồi trên đó cả đêm. Thế mà nước vẫn mấp mé mép giường, may sáng nay có mấy chú bộ đội vào cứu không thì trôi mất”. Hiểu tâm trạng mong ngóng của những người còn mắc kẹt giữa lũ dữ, các lực lượng ứng cứu hoạt động hết công suất.

Quá 14 giờ ngày 10/10, hầu hết những gia đình bị mắc kẹt ở những khu vực ngập lụt cao nguy hiểm trên địa bàn huyện Hải Lăng đã được đưa đến nơi an toàn. Nước rút, qua cơn nguy cấp nhưng vẫn còn nhiều gia đình bị cô lập không thể nấu ăn và thiếu nước sạch để uống. Thế nên 3 đội tham gia ứng cứu của lực lượng BĐBP tỉnh vẫn tiếp tục ngược xuôi để tiếp tế mì ăn liền và nước đóng chai cho người dân. Chiếc ca nô do Thiếu tá Võ Xuân Lâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ đạo ứng cứu tại địa bàn thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng phải vòng lui, vòng tới rất nhiều lần nhưng vẫn chưa tiếp cận được người dân Xóm 4 để hỗ trợ mì ăn liền chống đói cho Nhân dân. Thiếu tá Võ Xuân Lâm phân tích: “Việc di chuyển bằng ca nô rất nguy hiểm do dưới nước có rất nhiều vật cản như cây cối, lăng mộ… Chị thấy đó, bây giờ quá trưa, có người thông thuộc địa bàn hướng dẫn mà còn thế này chứ như tối qua chúng tôi không biết đường nào mà lần vì rất khó để quan sát, dò đường tiếp cận nhà dân. Bởi vậy, cứ đưa được một người đến nơi tránh trú an toàn là ai cũng cảm thấy tảng đá đè nặng trên ngực nhẹ đi được một chút ”.

Trong khi đó, ở địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông các lực lượng đang dồn lực khắc phục hậu quả sạt lở đất, đá gây ách tắc ở nhiều tuyến giao thông quan trọng đồng thời vận chuyển lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ cho các thôn, bản bị chia cắt, cô lập do mưa lũ gây ra. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi, ứng phó với lũ lụt, huyện Đakrông đã thành lập 2 trạm chỉ huy tiền phương ở khu vực Tà Rụt và Ba Lòng; trưng dụng thuyền máy của người dân để vận chuyển thực phẩm, nước uống, xăng dầu. Hỗ trợ khẩn cấp cho các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên… chỉ đạo UBND xã A Bung hỗ trợ cho người dân bản Pire 1, 2 (bản mới sáp nhập vào xã A Bung từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Đối với các điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 9, các đơn vị quản lý đường bộ đang khẩn trương xử lý. Hiện nay, một số điểm sạt lở đã được thông tuyến. Đối với các điểm bị ngập lụt và chia cắt cục bộ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo các địa phương đặt biển báo và bố trí lực lượng trực gác đảm bảo an toàn khi nước rút, đường thông mới cho các phương tiện giao thông và người dân đi lại. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động trong việc vệ sinh môi trường khi nước rút, lên phương án huy động lực lượng để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở những địa phương bị ngập sâu kéo dài trong lũ, có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm để hỗ trợ kịp thời cho người dân…

Tình người trong lũ dữ

Thành phố Đông Hà mặc dù có địa hình khá cao nhưng cũng đã có trên 2.900 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu bị ngập lụt do ảnh hưởng của mưa lũ. Những ngày qua, lũ trên sông Hiếu đoạn qua thành phố Đông Hà lên quá nhanh khiến nhiều hộ bất ngờ và có phần bị động khi ứng phó với lũ. Trước tình hình đó, không để người dân phải đơn độc trong “cuộc chiến” chống mưa lũ, các lực lượng quân sự, công an và chính quyền địa phương đã nhanh chóng có phương án, sẵn sàng cứu trợ người dân. Bảo đảm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, giúp Nhân dân vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống. “Nhiều khu dân cư thuộc các phường Đông Lương, Đông Thanh, Đông Giang đã bị ngập sâu khi nước lũ dâng cao. Để kịp thời di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Đông Hà đã tích cực bám địa bàn, phối hợp với lực lượng quân đội, chính quyền địa phương chủ động triển khai kịp thời các phương án ứng phó mưa lũ, tích cực giúp đỡ người dân ở địa bàn thấp trũng, đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân”, Phó Trưởng Công an thành phố Đông Hà Lê Mạnh Hùng cho biết.

Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, huyện Cam Lộ có trên 2.000 nhà dân vùng thấp, trũng ven sông Hiếu như thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu; thôn Bình Mỹ, An Mỹ, xã Cam Tuyền; thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy bị ngập sâu trong nước. Nhiều tài sản, cây trồng, vật nuôi của người dân bị thiệt hại, hư hỏng hoàn toàn. “Chưa bao giờ thấy lũ lên nhanh như vậy”, đó là chia sẻ của nhiều người dân ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ giữa những ngày cả thôn Bắc Bình ngập trong biển nước từ 1,5 - 2 m. Để giúp người dân thoát khỏi dòng nước xiết, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng quân đội, công an, dân quân và đoàn viên, thanh niên được huy động gấp rút triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Giữa dòng lũ dữ, tất cả đã quên mình để ứng cứu di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sau khi cơn lũ đi qua, Sư đoàn 968 cũng đã tăng cường huy động 500 cán bộ, chiến sĩ giúp Nhân dân 5 xã và thị trấn của huyện Cam Lộ nạo vét bùn lầy, tổng dọn vệ sinh, lau chùi nhà cửa và các vật dụng để các gia đình sớm ổn định cuộc sống. Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Cam Tuyền, Sư đoàn 968 điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tích cực tổng dọn vệ sinh, sửa sang trang thiết bị chuẩn bị cho các em học sinh sớm đến trường. Đồng thời huy động phương tiện, lực lượng giải tỏa, khơi thông các đoạn đường giao thông bị đất đá và cây cối gãy đổ vùi lấp, nước cuốn sạt lở, bảo đảm giao thông cho Nhân dân đi lại thuận tiện. Theo Đại tá Phạm Văn Dũng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968, với phương châm nước rút đến đâu thì khắc phục đến đó, trước mắt sư đoàn tập trung vào các khu vực cộng đồng, trường học, đường giao thông nông thôn và các hộ gia đình chính sách, neo đơn, gia đình khó khăn... Tập trung thực hiện nhanh để người dân sớm ổn định cuộc sống và để học sinh tới trường trong thời gian sớm nhất.

Sẻ chia với người dân vùng lũ, trong những ngày này rất nhiều tổ chức, cá nhân đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cùng nhau góp sức hỗ trợ các địa phương khắc phục mưa lũ bằng nhiều cách khác nhau. Từ việc huy động tiền bạc đến quyên góp từng thùng mì ăn liền, nước đóng chai hay từng phần cơm hộp để kịp thời chuyển về đồng bào vùng lũ. Giữa tâm lũ nhiều người vẫn sẵn sàng hỗ trợ nhau chỗ ở, san sẻ đến từng hạt muối, hạt gạo cuối cùng; sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cùng hàng xóm giảm bớt thiệt hại về tài sản. Để rồi lũ qua, mọi người cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, khôi phục lại đời sống, sản xuất. Tình làng nghĩa xóm qua thiên tai càng thêm thắt chặt, nồng ấm, vững bền.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quốc lộ 1A, đường sắt qua Thừa Thiên Huế ngập sâu

PV |

Nước lũ từ thượng nguồn sông Bồ đổ về khiến quốc lộ 1A đoạn qua phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) ngập sâu gần nửa mét, hàng dài ôtô ùn ứ trên đường.

Thủy điện Quảng Trị điều tiết nước cắt lũ cho vùng hạ du

Tân Nguyên |

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong những ngày qua tình hình mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Từ ngày 7-10/10/2020 hồ chứa công trình Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện nhiệm vụ cắt trọn đợt lũ với đỉnh lũ gần 1000 m3/s, dung tích cắt lũ 110 triệu m3.

Tạm dừng khai thác sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài vì bão số 6

BTL |

Các sân bay Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài phải tạm dừng khai thác nên các hãng hàng không đã hủy nhiều chuyến bay đi, đến các sân bay này.

Thái Lan: Xe khách va chạm tàu hỏa, ít nhất 17 người thiệt mạng

Phan An |

Một chiếc xe khách đang trên đường tới một ngôi chùa ở tỉnh Cha Choeng Sao thì bất ngờ va chạm với tàu hỏa và lực lượng chức năng phải sử dụng xe cần cẩu để cứu hộ.