Đổi thay trên quê hương Phó Thủ tướng Trần Quỳnh

Nguyễn Vinh |

Thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hình thành cách đây trên 5 thế kỷ. 

Với địa hình nằm dọc hai bên dòng sông Vĩnh Định thơ mộng nên thôn Nại Cửu có cảnh quan đẹp, quanh năm cây cối tốt tươi. Từ khi lập làng (thôn) đến nay, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dù hoàn cảnh nào người dân Nại Cửu cũng luôn có những cách làm sáng tạo, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương. Trong từng giai đoạn lịch sử, làng Nại Cửu đều có những người con ưu tú làm nên nghiệp lớn được sử sách lưu danh.

Cả cuộc đời dành cho sự nghiệp cách mạng

Theo cuốn sách “30 năm Triệu Phong đổi mới và phát triển” do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Triệu Phong phát hành, Phó Thủ tướng Trần Quỳnh sinh ngày 1/1/1920 tại làng Nại Cửu, xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành). Năm 1936, Trần Quỳnh tham gia Mặt trận Dân chủ, là Ủy viên Chấp hành Thanh niên Dân chủ Huế. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt tù ở Sài Gòn và Côn Đảo; đầu năm 1945, ông ra tù và tiếp tục hoạt động cho Việt Minh.

Tháng 8/1945 đến năm 1946, ông tham gia giành chính quyền ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; là Chủ nhiệm Việt Minh huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, giữ chức Tỉnh ủy viên. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 10/1945.

Trong giai đoạn 1946- 1949, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ủy viên Phân ban cực Nam Trung Bộ, phụ trách các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Từ năm 1949- 1954, ông là Khu ủy viên Liên khu 5, Quân khu ủy viên, sau đó là Thường vụ Liên khu ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn. Năm 1954- 1956, ông được cử đi học lý luận ở Trung Quốc.

Sau khi về nước, ông đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ: Phó Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1956- 1960); Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1960- 1964), có thời gian làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (sau đổi tên thành Tạp chí Cộng sản); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (1965- 1976).

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1976), ông được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, sau đó giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1977).

Tháng 12/1980, ông giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 đổi thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và giữ chức vụ này cho đến lúc nghỉ hưu tháng 2/1989. Ông cũng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII; Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa IV, V. Ông mất ngày 7/10/2005 tại Hà Nội.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông Trần Quỳnh có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đình làng Nại Cửu- nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn - Ảnh: N.V
Đình làng Nại Cửu- nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong thôn - Ảnh: N.V
Làng quê hiếu học

Mặc dù đời sống của người dân làng Nại Cửu còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời nào cũng vậy, sự học luôn được đặt lên hàng đầu. Thời phong kiến, người dân trong làng có nhiều người đỗ đạt làm quan trong các triều đình như tiến sĩ Trần Gia Thụy, làm quan Thượng thư Bộ Lễ, đời vua Lê Hiển Tông; cử nhân Lê Trọng Điều làm quan phủ đời vua Minh Mạng; cử nhân Nguyễn Đức Nghi làm Tham tri Bộ Lễ thời vua Tự Đức; ông Võ Tử Văn, đỗ Phó bảng thời Tự Đức. Phó Bảng Võ Tử Văn được tôn vinh “Bậc thơ thánh thổ thần”, được triều đình chọn dạy học cho con vua. Ngày nay, làng Nại Cửu lấy tên ông đặt tên cho quỹ học bổng của làng nhằm tôn vinh sự học và truyền cảm hứng cho con cháu.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhiều người trong làng trưởng thành từ các phong trào cách mạng và học hành đỗ đạt nên đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của quê hương, đất nước. Ngoài Phó Thủ tướng Trần Quỳnh còn có nhiều người con của làng giữ chức vụ quan trọng trong các bộ, ngành trung ương và quân đội.

Hiện nay, qua thống kê sơ bộ, làng Nại Cửu có 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cùng hàng nghìn người tốt nghiệp đại học, cao đẳng sống và làm việc khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, Nại Cửu được mệnh danh là “làng giáo viên”. Hiện nay, làng có hơn 500 giáo viên, chiếm gần 1/4 dân số của làng.

Có nhiều gia đình 3, 4 thế hệ đều làm nghề dạy học. Có nhà cả dâu rể lên đến hơn 10 người là giáo viên. Có nhiều gia đình đến định cư ở các tỉnh, thành phố khác cũng theo đuổi nghề dạy học. Truyền thống hiếu học và nghề dạy học đã làm nên nét đẹp văn hóa mà khi nhắc đến ngôi làng này ai ai cũng đều thán phục, ngưỡng mộ.

Lập facebook để xây dựng nông thôn mới

Ngay từ khi mới có mạng xã hội facebook, làng Nại Cửu lập trang “Làng Nại Cửu- nơi quê hương hội tụ”. Đến nay, trang facebook có hơn 2.280 thành viên tham gia. Trang facebook dùng để đăng tải nhiều hoạt động của thôn từ lao động sản xuất, hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT đến quảng bá mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Thông qua trang facebook, con em của làng đang học tập, công tác, sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài có cơ hội tương tác với nhau. Qua đó không chỉ biết được truyền thống và vẻ đẹp của quê hương xưa và nay mà còn góp công sức vun đắp cho quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Anh Trần Hoàng sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, gia đình anh vào miền Nam cách đây gần 50 năm. Do bận rộn học tập, công tác nên anh và gia đình ít có điều kiện về thăm quê hương. Tuy vậy, thông qua trang facebook của làng mà anh biết được rất nhiều thông tin, trong đó biết được lịch sử hình thành, truyền thống hiếu học và đời sống của người dân trong làng. Những bài viết được đăng tải trên trang facebook, sau khi đọc xong anh đều giới thiệu đến người thân cùng đọc để biết và hiểu về quê hương.

Trang facebook còn được đăng tải nhiều bài viết lên án thói hư tật xấu trong xã hội để răn dạy con em cũng như giới thiệu, chia sẻ nhiều bài viết về điển hình tiên tiến trong lao động, học tập để con em noi theo, tu chí học hành sớm trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, thông qua trang facebook này, khi biết được gia đình, cá nhân nào không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì cùng nhau kịp thời chia sẻ, động viên về vật chất lẫn tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, ban điều hành thôn đăng tải những thông tin về chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, qua đó kêu gọi sự chung tay góp sức của người dân đồng lòng thực hiện. Qua thông tin này, con em của làng ở xa cũng kịp thời có những việc làm thiện nguyện hỗ trợ về vật chất với số tiền khá lớn, có gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhờ đó, đến nay 100% đường dân sinh trong thôn được cứng hóa, nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại và sinh hoạt văn hóa cho người dân, tạo bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hạnh phúc vì được cống hiến cho quê hương

Tú Linh |

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, cùng với thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học và hết lòng chăm sóc sức khỏe người bệnh, Thạc sĩ, Bác sĩ, Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị Trương Văn Khánh Nguyên (sinh năm 1992), luôn được bệnh nhân, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi năng lực và đức độ.

Nhớ Tết quê hương

Nguyễn Thị Thúy Ái |

Từ bao đời nay, người dân Quảng Trị vốn rất trọng ông bà tổ tiên, mỗi dịp cúng giỗ, lễ, Tết thường sắm sửa những mâm cỗ cúng đầy đủ, ngon sạch, tươm tất và đẹp mắt để thể hiện lòng thành kính của mình với người đã khuất.

Xuân Quê hương – San sẻ yêu thương của cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn

Tổng hợp |

Chương trình Tết cộng đồng người Việt Nam tại Lào với chủ đề “Xuân quê hương – san sẻ yêu thương” vừa diễn ra thành công tốt đẹp.

Nữ Giáo sư Việt kiều tâm huyết phát triển trồng lúa quê hương

Diệu Hương |

GS. TS Lê Toàn Thủy thực hiện 3 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp người nông dân chủ động phát triển trồng lúa một cách hiệu quả.