Chịu nhiều ảnh hưởng trong đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, kéo theo đó là người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập.
Cái khó lớn nhất vẫn là nguồn vốn vay tại các ngân hàng. Trước thực tế đó thì Chính phủ đã có những chính sách để cùng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai những chính sách đến với các doanh nghiệp để khởi động lại hoạt động sản xuất.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trên lĩnh vực sản xuất thực sự gặp khó khăn khi dịch COVID -19 diễn ra. Từ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất cho đến sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được. Nhiều doanh nghiệp cũng phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, để cho người lao động có thu nhập vượt qua thời điểm khó khăn. Sau hơn một tháng phải đóng cửa sản xuất, hiện nay Công ty TNHH Phương Thảo tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà đã bắt đầu cho hoạt động trở lại song song với việc phòng chống dịch tại công ty. Nguồn nguyên liệu sản xuất từ nước bạn Lào không nhập về được do cấm biên, cùng với đó thì việc xuất hàng hóa cũng rất khó khăn do nhu cầu sử dụng giảm. Không còn cách nào khác, trong tháng 4 toàn bộ công nhân phải nghỉ việc không lương và đầu tháng 5 này, khi hoạt động sản xuất trở lại thì công ty sẽ tìm giải pháp cùng với chính sách Nhà nước để giải quyết một phần thu nhập cho người lao động.
Ông Lê Thanh Nghị, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Thảo chia sẻ:“ chúng tôi cũng mong muốn các ngành, cơ quan như Ban Kinh tế giảm bớt phần phí hoạt động cho doanh nghiệp, ngành Ngân hàng giản nợ vay để xoay xở khi công ty hoạt động trở lại. Công ty cũng mong muốn các ngành hướng dẫn cụ thể để chúng tôi có thể tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước dành cho người lao động”
Công ty TNHH Cơ khí chế tạo Quốc Thịnh chuyên chế tạo các loại máy làm đá hoạt động từ đầu năm 2019 trên địa bàn TP Đông Hà, do mới thành lập nên nguồn vốn vay Ngân hàng cũng là vấn đề không thể thiếu. Dịch bệnh xảy ra thì công ty cũng gặp những khó khăn như việc vận chuyển nguyên vật liệu, nhu cầu của khách hàng cũng giảm theo đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động cũng như doanh nghiệp. “Mong muốn tháo gỡ về nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng như giảm lãi suất,giản nợ vay ngân hàng là điều cần thiết” . Anh Phan Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chế tạo Quốc Thịnh chia sẻ.
Cùng với các doanh nghiệp khác, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, như công ty sản xuất các loại giấy mang thương hiệu ORCHIT Quảng Trị đứng chân tại Cụm Công nghiệp Đông Lễ. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động bằng 50% so với bình thường. Vì thực tế, vấn đề mà doanh nghiệp đang trải qua là lượng hàng hóa k xuất khẩu được sang thị trường Lào với số lượng bằng ¼ công suất mà công ty sản xuất ra. Thị trường trong nước cũng tiêu thụ giảm khi các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn uống bị đóng cửa.
Cùng với đó, trước thời điểm diễn ra dịch COVID - 19, công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hơn 10 tỷ đồng để sản xuất giấy đa năng phục vụ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay dây chuyền vẫn chưa đi vào hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn vay của ngân hàng thì công ty phải thực hiện theo đúng hợp đồng, nếu nhận được hỗ trợ từ gói vay ưu đãi thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay xở trong gian đoạn này.
Đa số các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, đó là một thực tế trong những tháng đầu năm 2020. Chính sách về vốn vay từ hệ thống ngân hàng cũng đã được triển khai theo thông tư 01- 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định, mỗi Ngân hàng thương mại tự đưa ra kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Vấn đề quan trọng là đối tượng doanh nghiệp theo các tiêu chí nào? Việc hướng dẫn các thủ tục, các doanh nghiệp cần phải làm gì để nhận được gói ưu đãi từ hệ thống ngân hàng? Đó cũng chính là điều mà các doanh nghiệp đang quan tâm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Quảng Trị cũng đã thực hiện gói hỗ trợ này đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cách thức thực hiện được cán bộ nhân viên ngân hàng thực hiện từ giữa tháng 3 cho đến nay theo đúng hướng dẫn của ngân hàng đưa ra.
Ông Võ Nhất Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Quảng Trị chia sẻ: “ Cho đến đầu tháng 4 năm 2020 chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ theo chương trình của hệ thống MB với số tiền 263 tỷ đồng dư nợ cho 51 khách hàng, trong đó có 12 doanh nghiệp. Ngoài ra chúng tôi cũng thực hiện việc hỗ trợ theo hình thức giảm lãi cho vay từ 1 đến 1,5% cho khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID - 19. Chúng tôi nghĩ rằng, những chính sách từ các ngân hàng trên địa bàn sẽ có ý nghĩa rất lớn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất vào thời điểm này”.
Theo các chuyên gia kinh tế, các gói tín dụng ưu đãi vào thời điểm cả nước đang nỗ lực chống dịch COVID-19 sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn. Nhưng quan trọng nhất là cần có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh được nguồn vốn để tìm nguồn nguyên liệu và thị trường mới. Do đó, với mong muốn đồng hành và sẻ chia, Ngân hàng MB tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Các ngân hàng như: Nông nghiệp, Vietcombank, Ngân hàng Chính sách, BIDV trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện các chương trình hỗ trợ DN. Trong đó quan trọng nhất là gói tín dụng hỗ trợ 250 nghìn tỉ đồng và 30 nghìn tỉ đồng, được giao cho 2 cơ quan là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện, điều đó sẽ có ý nghĩa cho các DN trong giai đoạn khởi động lại sản xuất lúc này.
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 01/2020 hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi COVID-19, nhiều ngân hàng bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13.3. Ngân hàng Nhà nước cho biết Thông tư ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại bởi COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngày 14.2 vừa qua.
Tại kỳ họp thứ 14, Khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Quảng Trị mới diễn ra trong tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cần sớm thực hiện các giải pháp để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ; miễn, giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, những công việc, thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp phải được xử lý ngay. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh chi phí cho doanh nghiệp. Chuẩn bị tốt các phương án, giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tình hình trở lại bình thường. Các doanh nghiệp cũng tích cực chủ động tìm giải pháp để ổn định hoạt động sản xuất trong thời gian sắp tới.
(Nguồn: QRTV)