Xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và các cơ sở Hội trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, góp phần đáng kể nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Huyện Hướng Hóa hiện có 18.350 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên với 11.561 hội viên.Trong đó, có 596 phụ nữ làm chủ hộ nghèo, chủ yếu ở những xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực tế phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cách làm ăn cũng như những hỗ trợ cần thiết để phát triển kinh tế, những năm trở lại đây, các cấp hội phụ nữ tại huyện Hướng Hóa đã tập trung vận động, hỗ trợ để giúp họ đổi mới tư duy về làm ăn phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn.
Cách đây hơn 10 năm, chị Lê Thị Thu từ Nghệ An vào lấy chồng, định cư tại thôn Xa Bai, một trong những thôn khó khăn nhất của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Cuộc sống mới gặp nhiều khó khăn do chưa quen với cách thức sản xuất và không có vốn để làm ăn. Được sự hỗ trợ, động viên của các cấp hội phụ nữ, đặc biệt là từ nguồn vay tín chấp hơn 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay chị Thu đã cùng chồng gây dựng được cơ ngơi khá vững chãi với 6 hecta tràm, 20 con dê, cùng với đó là đào ao nuôi cá, trồng lúa nước, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Không những thoát nghèo, giờ đây, mô hình kinh tế của gia đình chị Lê Thị Thu là tấm gương để những phụ nữ người dân tộc ít người khác tại địa phương học tập, noi theo. Chị Thu chia sẻ rằng: “Cuộc sống trước đây của chúng tôi cũng như hầu hết chị em ở thôn, bản đây gặp nhiều khó khăn. Sau khi được hỗ trợ từ Hội phụ nữ xã, huyện, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn, học tập thêm cách làm ăn, cố gắng siêng năng, trồng tràm, nuôi heo, gà, từ đó vươn lên thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trong bản, giúp họ vươn lên thoát nghèo để có thể có cuộc sống tốt hơn.”
Trước thực tế phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cách làm ăn cũng như những hỗ trợ cần thiết để phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ tại huyện Hướng Hóa đã tập trung vận động, hỗ trợ để họ đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã huy động nguồn vốn chính sách xã hội tín chấp cho trên 4.600 lượt hội viên phụ nữ vay hơn 170 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trong đó, có gần 1.000 hội viên là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Huy động các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các mô hình sinh kế với số tiền gần 700 triệu đồng. Cùng với đó là tranh thủ các nguồn để hỗ trợ, giúp họ chủ động trong làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn nái, gà thả vườn, mô hình làm lúa nước; Vận động chị em tiếp tục tham gia trồng rừng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần phủ xanh “đất trống, đồi trọc”. Chị Hồ Thị Đa, Hội viên Hội phụ nữ tại thôn Trằm Cheng, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa là một trong những người được trực tiếp vay vốn chính sách, đồng thời tiếp cận các mô hình làm kinh tế thông qua các lớp tập huấn do Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong huyện tổ chức. Cách đây 5 năm, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình đông con, vợ chồng chị Đa lại không có việc làm ổn định khiến cuộc sống luôn thiếu thốn, khó khăn. Nắm bắt được điều đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hướng Lộc đã lập danh sách, giúp chị vay vốn tín chấp thông qua ngân hàng chính sách với số tiền 30 triệu đồng. Có nguồn vốn ban đầu, chị cùng chồng đầu tư nuôi dê, trồng sắn, chuối… Nhờ chịu khó làm lụng, đến nay, chị đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ trả được hết nợ, gia đình chị Đa còn xây dựng được cơ ngơi khang trang, nhà kiên cố, các con được học hành.
Chia sẻ thêm về những kế hoạch trong việc đồng hành cùng phụ nữ làm ăn phát triển kinh tế trong thời gian tới, bà Hồ Thị Thu Nhường, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hướng Hóa cho rằng: “Sắp tới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn để chị em phụ nữ chủ động làm ăn, phát triển kinh tế; Xây dựng các mô hình sinh kế, phối hợp với Hội khuyến nông khuyến lâm cho chị em phụ nữ tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi trồng trọt, sử dụng phân bón để phát triển kinh tế hộ gia đình, tuyên truyền, kết nạp thêm nhiều hội viên để đưa phong trào của Hội ngày càng đi lên.”
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng từ những nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian qua của các cấp Hội phụ nữ tại huyện miền núi Hướng Hóa, đã có những tác động tích cực trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ. Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tại huyện Hướng Hóa đã góp phần giúp hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn vùng khó.