Nhiều cung đường dẫn vào điểm trường lẻ ở các bản, làng của huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) xuyên qua các cánh rừng, đồi núi bị sạt lở sâu hoắm, lầy lội, nhão nhoẹt bùn đất sau các trận bão lũ lịch sử cuối năm 2020. Muốn đến các điểm trường lẻ, các thầy, cô giáo phải thức dậy từ tờ mờ sáng, lội bùn đi bộ vài chục cây số vào các bản, làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô để làm nhiệm vụ “gieo chữ”…
Đầu xuân, cung đường từ thị trấn Khe Sanh vào bản Ra Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa sương giăng khắp lối. Tôi theo chân cô giáo Hoàng Thị Loan (41 tuổi), hiện là giáo viên Trường Mầm non xã Hướng Lộc vào điểm trường Mầm non Ra Ty. Gần 6 giờ sáng nhưng trời vẫn còn lờ mờ tối. Sương phủ vây khiến rừng núi càng thêm thâm u, tĩnh lặng. Hơi rét đặc trưng ở rừng càng lúc càng buốt dần, cảm giác bàn tay cứ tê dại như có ai chườm đá.
Cô Loan sau khi chạy xe máy từ thị trấn Khe Sanh đến bản Tà Ry, xã Húc thì dừng lại gửi xe ở nhà người dân bên đường, rồi mặc vào chân đôi ủng để bắt đầu đi bộ trên con đường dài lầy lội, nhão nhoẹt bùn đất, nằm cheo leo, vắt vẻo bên sườn dốc cao chót vót. Vừa bì bõm lội bùn, cô Loan vừa cho biết, gần 7 năm gắn bó với mảnh đất Hướng Lộc, đây là năm đầu tiên cô xung phong vào giảng dạy ở bản Ra Ty (là điểm trường khó khăn nhất của Trường Mầm non xã Hướng Lộc). Trước đây, cung đường vào điểm trường Mầm non Ra Ty xuống cấp, nên về mùa mưa vốn đã gây khó khăn, cách trở trong việc đi lại của người dân cũng như các giáo viên “cắm bản”. Các trận bão lũ kinh hoàng vào cuối năm 2020 đã gây sạt lở, cuốn trôi nhiều đoạn đường trên cung đường quen thuộc mà hằng ngày các thầy, cô giáo vẫn vào các điểm trường để “cắm bản”. Trên chính cung đường đến điểm trường ấy là các lối đi mới mở để băng qua nhiều đoạn đường bị sạt lở, cuốn trôi xuống vực sâu hun hút, nên lối đi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Đường đến trường với bao gian lao, vất vả là vậy, nhưng chính tình yêu thương dành cho học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã khiến cho các thầy, cô giáo “cắm bản” vượt qua tất cả.
Sau gần 1 giờ đồng hồ bì bõm lội bùn, vượt đèo dốc, cô giáo Hoàng Thị Loan mới vào đến được điểm trường Mầm non Ra Ty. Điểm trường Mầm non Ra Ty có một phòng học duy nhất là ngôi nhà cấp 4 mái lợp tôn, nơi nuôi dạy 24 trẻ của bản nghèo Ra Ty, xã Hướng Lộc nằm chênh vênh trên đỉnh dốc. Cô giáo Lê Thị Thúy An (34 tuổi) đứng ở cửa lớp để đón các em học sinh đến sớm. “Tôi nhận công tác ở Trường Mầm non xã Hướng Lộc đến nay tròn 3 năm. Và đây cũng là năm đầu tiên tôi cùng với cô Loan xung phong lên “cắm bản” ở điểm trường Mầm non Ra Ty. Cái khó khăn trước mắt mà hầu hết các thầy, cô giáo “cắm bản” như chúng tôi gặp phải hiện tại là đường vào các điểm trường lẻ quá gian nan. Cứ sau mỗi ngày đi dạy về nhà, đêm đến nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài trời là chúng tôi lại nơm nớp lo lắng về cung đường đến trường ngày mai của mình. Vì chỉ sau một trận mưa, con đường đến điểm trường của chúng tôi nhão nhoẹt bùn đất, đá sỏi, một bên là dốc cao, bên là vực sâu, không biết có an toàn hay không…”.
Gần 8 giờ sáng. Thấy thiếu vắng một số em học sinh, cô giáo Lê Thị Thúy An vội vàng lội bùn lên rẫy tìm học sinh. Cô Thúy An cho biết, những tuần sau dịp tết Nguyên đán và đầu năm học mới, trong khi các giáo viên miền xuôi chỉ việc đến trường để tiếp tục giảng dạy bình thường thì nhiều thầy, cô giáo “cắm bản” ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông từ bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS phải thay phiên nhau lên rẫy, vào bản vận động học sinh đến trường. “Mới năm đầu tiên đảm nhận việc giảng dạy ở điểm trường Mầm non Ra Ty, tôi bắt đầu “ngấm” sự vất vả của việc vận động học sinh. Như sau dịp tết Nguyên đán Tân Sửu vừa rồi, khi trở lại điểm trường giảng dạy, vào đến nơi, thấy học sinh vắng nhiều quá, tôi phải lặn lội đến từng nhà trong bản để vận động phụ huynh đưa học sinh đến trường. Đến từng nhà tìm học sinh, nhưng rồi cũng có một số học sinh theo ba mẹ lên nương rẫy. Lúc ấy, tôi với cô Loan phải thay phiên nhau lên rẫy tìm học sinh”.
Phải mất gần 30 - 40 phút men theo con đường nhỏ lầy lội bùn đất, sỏi đá ngoằn ngoèo bám vào sườn đồi, cô Thúy An mới vào đến đám rẫy đầu tiên. Sau vài câu thăm hỏi công việc nương rẫy, cô hỏi phụ huynh sao không đưa học sinh đến trường? Hóa ra nguyên nhân vì “nhà còn bánh kẹo tức là còn Tết nên các cháu không muốn đến trường mà theo bố mẹ lên rẫy từ sáng sớm”. Vừa lau khuôn mặt dính bụi nhem nhuốc của học sinh, cô vừa dỗ dành “cháu cứ theo cô về lớp, ở lớp cũng có bánh kẹo và còn Tết”. Lên rẫy tìm đủ số học sinh vắng mặt, cô mới về điểm trường Mầm non Ra Ty để bắt đầu công việc của một ngày mới.
Còn nhớ, trước hôm vào bản Ra Ty để được “trải nghiệm” cảm giác đi bộ lội bùn vượt đèo dốc với các thầy, cô giáo, tôi đã ngồi trò chuyện cùng Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hướng Lộc Nguyễn Thị Minh Phụng. Cô Phụng cho biết, Trường Mầm non xã Hướng Lộc có 32 cán bộ, giáo viên. Hiện ngoài điểm trường chính đóng tại bản Pa Xía thì có 5 điểm trường lẻ gồm điểm trường bản Cu Ta Ka, Trằm Cheng, Ra Ty, Cu Ty, Của. Trong số các điểm trường lẻ trên, điểm trường Mầm non Ra Ty (do cô Lê Thị Thúy An, Hoàng Thị Loan giảng dạy); điểm trường Mầm non Của (do cô Trần Hoàng Ngọc Thảo, Lê Thị Hồng Nhung giảng dạy)… là những điểm trường lẻ thuộc loại đặc biệt khó khăn vì ngoài đường sá đi lại luôn lầy lội, trơn trượt về mùa mưa lũ, nhiều phụ huynh học sinh là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vẫn còn quan niệm “đói cơm mới chết, đói chữ không chết” nên không mặn mà lắm với việc học của con cái, nhất là bậc học Mầm non. Vì vậy, cứ sau tết Nguyên đán và đầu năm học mới, các cô giáo phải tích cực đến từng nhà và lội bộ lên tận nương rẫy để tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đưa con em đến trường. Thấy được sự vất vả, khó khăn ấy nên Ban giám hiệu nhà trường luôn kịp thời động viên các cô giáo cố gắng để đảm bảo số lượng học sinh sau dịp tết Nguyên đán và đầu năm học mới. “Công việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường mà các cô giáo Trường Mầm non xã Hướng Lộc đang làm không phải là công việc ngày một, ngày hai mà là công việc phải làm nhiều tháng, nhiều năm. Phải cố gắng vận động các em đến trường bởi không ai khác chính các em sẽ là những người mang ánh sáng tri thức về với các bản làng nằm heo hút giữa rừng sâu, núi thẳm”.
Có theo chân các thầy, cô giáo lội bùn đi bộ trong màn sương giá buốt mới thấy hết gian nan, vất vả của sự nghiệp “trồng người” ở nơi miền biên ải. Và dưới bước chân bùn đất ấy, các thầy, cô giáo “cắm bản” đã mang cái chữ đến với học sinh trong các bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện vùng cao Hướng Hóa, Đakrông.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)