Dù phải trèo đèo, lội suối, bám trụ trên các bản làng xa xôi hẻo lánh, song các thầy giáo, cô giáo ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, vì sự nghiệp “trồng người”, đem con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Điểm Trường Mầm non Ra Ty với ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn nằm chênh vênh trên đỉnh dốc của xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hoá. Đây là phòng học duy nhất của gần 20 cháu học sinh ở đây. Với 03 năm gắn bó ở điểm trường này, nhất là vào mùa mưa bão như thế này, cô giáo Lê Thị Thúy An ở lại cả tuần tại trường. Hàng ngày, những bữa ăn trưa phải nấu tại nhà bà con dân bản vì thức ăn đem theo đã hết. Tối đến, các thầy cô giáo cũng xin ngủ nhờ nhà phụ huynh học sinh vì trời quá rét mà phòng tại trường lại không đủ ấm. Kể sao hết những gian nan, vất vả mà những cô giáo ở đây đã và đang trải qua. Cô giáo Thúy An chia sẻ: “Tôi đã thu xếp gia đình, lên đây để bám trường, bám lớp và tôi thấy rất vui vì trong đợt mưa lũ vừa qua mặc dù bà con ở đây rất khó khăn nhưng điều đáng quý là họ đã đùm bọc chúng tôi. Qua đó, giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở đây”.
Cũng giống như cô giáo Thúy An, thầy giáo Đinh Văn Minh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa cũng gắn bó với điểm trường Ra Ty đã 6 năm. Điểm trường này cũng đơn sơ, mộc mạc với 2 phòng học tạm dựng bằng khung sắt, mái tôn, quây ván gỗ. Mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em, nhưng các thầy giáo ở đây vẫn động viên nhau bám trường, bám lớp, đảm bảo việc dạy học. Đặc biệt, trong mùa mưa bão này, sau mỗi buổi học, các thầy giáo ở đây phải thay phiên nhau đưa các em qua suối để các em trở về nhà an toàn. Thầy giáo Đinh Văn Minh cho biết: “ Các em ở đây còn nhiều thiếu thốn và khó khăn hơn so với các em ở vùng kinh tế mới. Do đó, bản thân tôi tự nguyện lên đây cắm bản cắm trường để đem con chữ đến với các em”.
Ông Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa cho biết thêm: “Điểm trường RaTy là một trong những điềm trường mà chúng tôi khẳng định khó khăn nhất của huyện. Đứng trước những khó khăn đó, chúng tôi luôn động viên cán bộ, giáo viên bám bản, bám trường để thực hiện tốt nhiệm vụ bằng cách chúng tôi thực hiện luân phiên đối với giáo viên công tác tại những điểm khó, từ đó, nhằm chia sẻ khó khăn. Năm nay, tình hình mưa bão phức tạp, chúng tôi động viên anh em sắp xếp công việc và ở lại điểm trường để thực hiện công tác giảng dạy. Chúng tôi cũng giáo dục cho học sinh cách ứng phó với tình hình mưa bão hiện nay”.
Đến tận nơi lắng nghe, tìm hiểu, mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các thầy giáo, cô giáo ở các trường vùng cao đã và đang nỗ lực vượt qua. Thật đáng trân trọng những con người, những tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, kiên trì bám trụ gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ cho các em học sinh. Mong sao các cấp, các ngành chức năng và xã hội quan tâm nhiều hơn, ưu tiên nguồn lực đầu tư thêm nữa cho giáo dục vùng cao; xây dựng nhiều hơn những ngôi trường kiên cố, nhà công vụ, động viên khuyến khích các thầy giáo, cô giáo, góp thêm động lực cho những nhà giáo “gieo chữ” nơi vùng cao.
(Nguồn: QRTV)