Những ngày được nghỉ học vì COVID-19 thường được mọi người đùa là “kỳ nghỉ tết” dài nhất trong lịch sử. Đây là biện pháp cần thiết được ngành GD-ĐT triển khai để phòng dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, việc học sinh được nghỉ học dài ngày trong khi phụ huynh vẫn đi làm dẫn đến nhiều xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi gia đình và tâm lý con cái. Điều này đòi hỏi phụ huynh phải có biện pháp quản lý tốt và luôn đồng hành với con để không xảy ra các tai nạn đáng tiếc, đồng thời giúp con tận dụng kỳ nghỉ làm những việc bổ ích.
Trước khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17, cho rằng tình hình dịch được kiểm soát tốt, nhóm bạn của chị Phan Thị Hoài (làm nghề kế toán) ở thị trấn Hồ Xá và TP. Đông Hà thành lập nhóm kín, đưa ra ý tưởng chọn địa điểm cho con đi du lịch. Một người trong nhóm đưa ra ý tưởng về việc cho con đi du lịch nêu quan điểm: Thời gian nghỉ học để phòng COVID-19 quá lâu, các con cứ quanh quẩn trong nhà, không biết làm gì nên suốt ngày dán mắt vào máy tính, ti vi hoặc điện thoại thông minh. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe của các con đã đành mà về tâm lý, chúng suốt ngày gắt gỏng, khó chịu khiến ba mẹ “khổ lây”.
Chị bạn này có cậu con trai đã học đại học, vốn rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Từ ngày được nhà trường thông báo cho nghỉ, con trai chị như bị giam lỏng trong nhà vì sự cấm đoán quá khắt khe của ba mẹ. Cho rằng mình đã lớn, tự ý thức được các biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân nên ngày nào cậu cũng tranh luận với ba mẹ về việc nên hay không nên đi ra ngoài; hoặc nếu không cũng im lặng, nằm thở dài sườn sượt trên sô pha khiến không khí trong nhà rất nặng nề. Thấy con nói cũng đúng nhưng để con la cà quán sá hoặc tụ tập bạn bè thì chị không dám. Dạo trước, thấy một số bạn bè cho con đi chơi ở các tỉnh lân cận, là những địa phương không có dịch, chị mới nảy sinh ý tưởng này và đưa ra bàn bạc với nhóm bạn thân.
Một người bạn khác của chị H. trong nhóm cũng thống nhất quan điểm này, nhưng địa điểm thì chỉ ở trong tỉnh vì theo bạn, trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp người bị nhiễm COVID-19, lại có những địa điểm du lịch phù hợp với thời gian, chi phí của ba mẹ. Tuy nhiên, những người bạn khác thì nhất mực phản đối với lý do bảo vệ bản thân và gia đình trong mùa dịch là điều cần thiết, quan trọng hàng đầu. Việc đi du lịch, nghỉ dưỡng cần phải tránh xa thời điểm này, khi mà cả xã hội đang ra sức phòng chống dịch.
Từ cuộc tranh luận về việc nên hay không nên đưa con đi du lịch, nhóm bạn của chị Hoài lại chuyển sang chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giúp các con vừa phòng tránh COVID-19 hiệu quả, vừa hướng cho con một lối sống lành mạnh, không sa đà vào các trò chơi điện tử, cuốn theo những bộ phim truyện trên ti vi.
Rõ ràng, “cuộc chiến” với COVID-19 không chỉ riêng của ngành Y tế mà lan rộng ra đối với mọi người, mọi nhà. Dẫu rằng việc cho học sinh nghỉ học dài ngày sẽ gây xáo trộn đối với mỗi gia đình trong việc quản lý, chăm sóc con cái; tâm lý nghỉ học nhưng không phải nghỉ hè khiến nhiều đứa trẻ ức chế, rồi trút sự bực bội đó lên ba mẹ; một số gia đình không quản lý tốt dẫn đến con bị đuối nước thương tâm. Tuy nhiên đây vẫn là biện pháp cần thiết nhất trong thời điểm hiện nay, vì thế trách nhiệm quản lý, chăm sóc con cái đặt lên vai của các phụ huynh.
Trong nhóm bạn của chị Hoài, một số người ngoài cách đăng ký cho các con học trực tuyến còn chịu khó tìm hiểu các phương pháp khác để giúp ngày nghỉ của con không đơn điệu, nhàm chán. Các con của chị Hoài lúc còn đi học lười đọc sách vì lý do không có thời gian, nay nghỉ dài ngày, chị tìm mua các cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con ở trang bán hàng trực tuyến Tiki rồi về khuyến khích các con đọc. Mỗi ngày, chị giao cho con đọc 20 trang sách, mua cho con một cuốn sổ trang trí bên ngoài rất bắt mắt để khuyến khích con ghi lại những câu văn hay. Chị còn lên mạng mua cho con một phần mềm học giao tiếp tiếng Anh để con luyện hằng ngày dưới sự kiểm tra của ba mẹ.
Hiện tại tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới ở Việt Nam được kiểm soát tốt nhưng số ca nhiễm bệnh đã tăng so với trước. Dịch cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Những ngày này, việc trang bị cho con kiến thức tự bảo vệ mình nhằm giảm thiểu khả năng lây lan và nhiễm vi rút cũng được các phụ huynh cập nhật thường xuyên. Ai cũng hiểu rằng, việc cho học sinh nghỉ học phòng ngừa dịch là cần thiết nhưng để đảm bảo kế hoạch học tập, học sinh sẽ phải trở lại trường, đây là điều đang được các cơ quan chức năng tính đến. Trường học là nơi tập trung rất nhiều học sinh đến để học tập, vui chơi. Với những trẻ còn nhỏ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trong khi đó, khi học sinh tiểu học, trung học cơ sở tới trường, các bậc phụ huynh còn phải đưa đón con em, điều này sẽ dẫn đến số người tập trung tại một địa điểm tăng cao. Đây chính là nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, tùy theo lứa tuổi của trẻ, hãy dạy cho trẻ vệ sinh cơ thể hằng ngày, không dùng tay dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay vào miệng; vệ sinh họng miệng (súc họng, xịt họng) bằng nước sát khuẩn; rửa tay đúng và thường xuyên. Nên rửa tay bằng xà phòng cả khi ở nhà lẫn ở trường, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi và lau tay bằng giấy hoặc khăn lau riêng, tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, khăn lau tay. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay...
COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến chính quyền và người dân lo ngại. Để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh, ngoài khuyến cáo của ngành Y tế thì việc sắp xếp một cuộc sống hợp lý trong mỗi gia đình cũng rất quan trọng. Chuẩn bị tâm lý, kiến thức vững vàng sẽ giúp chúng ta sẵn sàng đối đầu với dịch, tránh hoang mang lo lắng nhưng cũng không được lơ là, chủ quan.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)