Mưu sinh với đót rừng

Vân Trang |

Những ngày này, ở huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn tất bật, hối hả vào rừng hái đót. Mùa đót rừng năm nay sắp kết thúc nên ai cũng tranh thủ vào rừng từ sáng sớm để hái đót đến tối mịt mới trở về nhà. Tuy việc hái đót rừng được xem là nghề thời vụ và mỗi năm chỉ kéo dài 1 - 2 tháng nhưng đã đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể...

 

Mùa đót rừng ở miền núi huyện Đakrông, Hướng Hóa bắt đầu từ những ngày cuối mùa đông và kéo dài đến đầu mùa xuân. Thời điểm này, tiết trời giao mùa, mưa lạnh xen lẫn từng đợt nắng ấm nên cây đót phát triển mạnh, bắt đầu ra hoa. Mùa đót rừng kéo dài chỉ trong vòng 1 - 2 tháng. Khi mùa đót rừng trổ bông cũng là lúc việc nương rẫy của người dân nơi đây có phần nhàn rỗi. Vì thế đa số người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rủ nhau vào rừng hái đót bán, kiếm thêm thu nhập.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân xã A Ngo, huyện Đakrông phơi đót rừng - Ảnh: N.B​
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân xã A Ngo, huyện Đakrông phơi đót rừng - Ảnh: N.B​

Mùa này, từ sáng sớm, khi trời còn mờ sương, hơi đá núi mịt mờ, nhiều người dân đã thức dậy chuẩn bị đồ ăn, nước uống, dụng cụ để lên rừng hái đót. Cây đót mọc rải rác ở triền núi, ven đồi, trên nương, dọc đường thôn, bản. Tuy nhiên, để đến được khu vực nhiều đót, hái được những bông đót có chất lượng thì người dân phải băng rừng, lội suối đến những khu rừng già, hiểm trở.

Việc hái đót trên những cánh rừng vùng sâu, vùng xa cần có sức khỏe bền bỉ, kinh nghiệm nên đa phần là người lớn, thanh thiếu niên mới đảm nhận được. Bên cạnh đó, ở những địa bàn thôn, bản giáp bìa rừng, địa thế thuận lợi thì trẻ em từ 12 - 15 tuổi, người lớn có sức khỏe bình thường vẫn có thể hái được đót rừng. Mùa đót rừng thu hút sự tham gia của nhiều người dân, mỗi gia đình có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng trong một ngày nên ai cũng háo hức.

Gia đình anh Hồ Văn Hùng (38 tuổi) ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông có 4 người, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Mùa đót năm nào, anh Hùng và vợ là chị Hồ Thị Pê (37 tuổi) đều tranh thủ vào rừng hái đót bán kiếm tiền để trang trải cuộc sống. “Năm nào cũng vậy, khi cây đót rừng bắt đầu ra hoa thì người dân nơi đây lại vào rừng hái đót. Mùa đót rừng kéo dài từ giáp tết Nguyên đán cho đến gần hết tháng Giêng. Bình quân mỗi người hái đót cũng kiếm được từ 120 - 150 nghìn đồng/ ngày, có người kiếm được trên 200 nghìn đồng/ngày. Gia đình nào có từ 2 - 3 người cùng vào rừng hái đót thì thu được từ 400 - 500 nghìn đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập khá cao đối với người dân chúng tôi nên hầu như nhà nào cũng hăng hái vào rừng hái đót để kiếm thêm thu nhập lo cho sinh hoạt gia đình và việc ăn học của các con”, anh Hồ Văn Hùng cho biết.

Mấy hôm nay, nhóm hái đót gồm các bà: Kăn Thông (50 tuổi), Hồ Thị Thêm (44 tuổi) cùng ở thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông và em Hồ Thị Như Bé (19 tuổi), ở thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông luôn chọn cánh những rừng già trên địa bàn xã A Ngo để hái đót. Đót rừng ở đây còn khá nhiều, bông đót lại to tròn nên được thương lái mua giá cao. Người dân vào rừng từ tờ mờ sáng đến khi mặt trời khuất núi mới trở về và trên vai luôn đầy ắp những bó đót. Mỗi gùi đót chứa từ 5 - 7 bó đót, trung bình mỗi gùi đót có trọng lượng từ 20 - 30kg và cứ 1 kg sẽ được thương lái thu mua theo giá thị trường từ 5.000 - 7.000 đồng. Việc hái đót đã đem lại cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ nơi đây số tiền khá lớn để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, thuận lợi cho việc đi rừng hái đót, phơi đót nên mấy ngày qua, nhiều người dân ở các thôn, bản của xã Hướng Phùng, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cũng vào rừng hái đót. Nhiều điểm đót nở bông nhiều, tập trung nhưng cách xa khu dân cư từ 7 - 10 km đường rừng vẫn thu hút nhiều người đến hái. Bởi mùa này, việc nương rẫy không nhiều, so với việc đi hái rau, măng rừng, chuối rừng hay đào cây dược liệu thì hái đót cho thu nhập khá hơn, đều đặn từng ngày. Đót rừng có thể bán tươi hoặc được một số hộ dân đem phơi khô để dành làm chổi bán ra thị trường. Ở vùng miền núi huyện Hướng Hóa, Đakrông, hằng năm đều có các lớp dạy nghề làm chổi đót nên nhiều người dân nơi đây đã biết gom, dự trữ đót khô làm nguyên liệu để phát triển nghề truyền thống.

Trước đây, việc thu mua đót ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa có phần khó khăn thì hiện nay đã dễ dàng, thuận lợi hơn do đường giao thông được thông suốt. Người dân hái đót, gùi ra khỏi bìa rừng đã có thương lái chờ sẵn để thu mua ngay, một số nơi đã hình thành nên điểm thu mua, bãi phơi đót trước khi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Sự thuận lợi đó đã giúp người dân và thương lái đỡ vất vả hơn trước. Bây giờ, sau khi cân đót tươi vừa hái từ rừng về bán cho thương lái theo đúng giá thị trường, người dân nơi đây nhận tiền ra về chứ không còn cảnh kỳ kèo, trả giá, ép giá như trước nên ai cũng vui.

Mặc dù cuộc sống mưu sinh với nghề hái đót rừng luôn nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng cứ đến mùa đót nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông, Hướng Hóa vẫn miệt mài, cần mẫn vào rừng. Với họ, mùa đót rừng đã góp phần không nhỏ giúp cải thiện đời sống gia đình và thúc đẩy phát triển nghề làm chổi đót truyền thống...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Rộn ràng mùa đót nơi biên cương

Thiên Sơn |

Cũng như mọi năm, cứ đến những ngày giáp Tết Nguyên đán, mùa đót lại trở nên rộn ràng trên phố núi Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị). Đót được thương lái thu mua khắp nơi đổ về đây để phơi khô, xuất bán.

Mưu sinh ngày giá rét

Thu Hạ |

Nhiều ngày qua, những đợt không khí lạnh tràn về liên tục khiến việc mưu sinh của những người lao động tự do càng thêm khó khăn, vất vả. Thế nhưng, mặc dù thời tiết lạnh giá, họ vẫn miệt mài với công việc của mình nơi góc phố, ngõ chợ để kiếm thêm chút thu nhập khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Mưu sinh sau ngày lũ

Yên Mã Sơn |

Lũ ở Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa rút nhưng các cầu tràn qua khe suối nước vẫn còn chảy rất xiết, những phận người cần mẫn "kiếm cái ăn" trong rừng như không có giờ ngơi nghỉ...

Người Việt mưu sinh trên đất Lào

Tiến Hoàng |

Xem Lào là quê hương thứ hai, những người con đất Việt cần mẫn kiếm sống, chan hòa và thân ái với người dân sở tại. Savannakhet và Salavan, hai tỉnh của Lào có đông đảo người Việt làm ăn, sinh sống. Ở đây chủ yếu người dân từ tỉnh Quảng Trị của Việt Nam sang. Những cái tên như Sa Muồi, Tà Ổi, Sê Pôn, Mường Nòng, Nà Bò… giờ đã trở thành thân thương đối với người Việt Nam.