Tạo sinh kế bền vững cho người dân sau thiên tai

Phương Minh |

Hơn một tháng qua, tình hình bão, lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp; có nhiều địa phương nước lũ đã vượt mốc lũ lịch sử năm 1999. Mưa lớn dài ngày đã gây nên cảnh lũ chồng lũ, tiếp đó là bão chồng bão làm thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Nhiều hộ gia đình đã trắng tay do tài sản tích cóp cả một đời bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Ngay sau khi bão, lũ xảy ra, nhiều đoàn cứu trợ của cả nước đã hướng về miền Trung để cứu trợ kịp thời, giúp đồng bào vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Nhưng về lâu dài, vấn đề tạo sinh kế, ổn định đời sống, sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng mà các địa phương, kể cả những tổ chức, cá nhân hảo tâm trong cả nước cần chung tay giúp người dân vùng bị thiệt hại do bão, lũ xây dựng lại cuộc sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay các địa phương trong khu vực miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khẩn trương chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tạo sinh kế để người dân sớm ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Đối với chính quyền và ngành chức năng, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân từng địa phương để hỗ trợ sát đúng. Theo thống kê, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ hàng ngàn tấn hạt giống lương thực, rau màu các loại, hàng trăm ngàn liều vaccine, một lượng lớn hóa chất khử trùng…Trước hết, trong sản xuất nông nghiệp, cái người dân cần hỗ trợ là giống lúa, rau màu; giống con nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó là hóa chất khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Nếu được hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi ngay từ bây giờ thì có thể tạo được nguồn cung rau màu, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cho tết Nguyên đán sắp tới từ khu vực này.

Đối với người dân vùng trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng kinh tế bị thiệt hại, các địa phương, ngành chức năng cần thống kê chính xác để đề nghị hỗ trợ người dân kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng; khuyến cáo người dân nên phát triển loại cây thích hợp với thời tiết khí hậu của vùng, hạn chế những loại cây ít khả năng chống chịu bão, lũ. Chẳng hạn ở miền Trung năm nào cũng có bão, lũ, vậy thì phát triển diện tích cây cao su như thế nào cho phù hợp, bởi suất đầu tư loại cây này rất lớn, trong khi mỗi mùa mưa bão, số lượng cây gãy, đổ là rất lớn. Đối với những vùng nuôi tôm, nuôi các loại thủy sản cần phân bổ lịch nuôi trồng, luồn lách mùa vụ, thời tiết ra sao để khỏi phải trắng tay sau mỗi cơn lũ lớn. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo vốn đã khó khăn, nay gặp thiên tai càng khó khăn hơn, bởi có một số hộ đã có cơ hội thoát nghèo nay lại tái nghèo do tài sản đã mất trong bão, lũ rất cần được Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia hạn, khoanh nợ, cho vay bổ sung vì họ là nhóm hộ dễ bị tổn thương nhất do tác động từ bên ngoài, nhất là thiên tai.

Về vấn đề an cư, trong chương trình phát triển nông thôn thời gian tới cần khuyến khích cho vay hộ gia đình làm nhà tránh lũ bên cạnh nhà sinh hoạt hằng ngày. Được biết, trước đây người nghèo vùng bão, lũ miền Trung đã được Chính phủ có chính sách hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ, được vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ, mức lãi suất 3%/năm để xây dựng, cải tạo nhà ở tránh bão, lũ. Đợt bão, lũ vừa qua, mô hình nhà chống lũ này đã phát huy hiệu quả, tài sản và tính mạng của người dân được bảo toàn. Tuy nhiên, số hộ gia đình có nhà chống lũ chưa nhiều, bởi một mặt do nguồn vốn cho vay còn thấp, mặt khác nhiều gia đình chưa thấy hết công năng của nhà tránh lũ nên chưa chú trọng đầu tư xây dựng. Do vậy, thời gian tới chính quyền các địa phương cần khuyến cáo người dân quan tâm xây nhà chống bão, lũ để tránh sự mất mát đối với người và tài sản như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Do biến đổi khí hậu, cộng với nhiều tác nhân khác làm cho thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, trên diện rộng, năm này là miền Trung, năm trước là miền Bắc và năm trước nữa là miền Nam, thật khó lường. Có chăng là nhờ kinh nghiệm chỉ đạo phòng chống bão, lũ của cả nước cũng như từng địa phương được nâng lên; phương tiện cứu hộ cứu nạn được trang bị nhiều hơn; công tác dự báo thời tiết sát hơn… nên giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản như trước đây. Bão, lũ đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai để ổn định đời sống của người dân thông qua tạo sinh kế bền vững là vô cùng quan trọng. Dĩ nhiên để tạo sinh kế bền vững cần phải có thời gian, lộ trình, trong đó trước mắt cần nhanh chóng khôi phục sản xuất hoa màu, trồng lúa, chăn nuôi gia cầm, gia súc; còn về lâu dài phải xây dựng nhà ở kiên cố; hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân; xây dựng nông thôn mới phát triển, người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

FAO hỗ trợ Quảng Trị hơn 5,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Tiến Nhất |

Ngày 16/11, đoàn công tác hỗ trợ phục hồi an ninh lương thực và sản xuất chăn nuôi gia đình dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã có chuyến thăm và tặng quà cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại Quảng Trị.

Thái Lan kêu gọi ASEAN-Trung Quốc hợp tác chống đói nghèo, thiên tai

Ngọc Quang |

Thủ tướng Prayut cho rằng ASEAN và Trung Quốc nên chung tay trong việc tăng cường an ninh sức khỏe cộng đồng, và đưa vắcxin cũng như thuốc kháng virus trở thành hàng hóa toàn cầu.

Tuổi trẻ chung sức khắc phục hậu quả thiên tai

Trúc Phương |

Sau bão lũ, những ngày qua người dân các địa phương trong tỉnh tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chính phủ ra Nghị quyết hỗ trợ người dân thiệt hại nhà ở do thiên tai

PV |

Các hỗ trợ nhằm kịp thời khắc phục thiệt hại về nhà ở của người dân do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân, đảm bảo trật tự xã hội.