Tiếp sức học trò nghèo vượt khó

Đức Việt - Tố Trinh |

Để các em học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường, Huyện đoàn Hải Lăng (Quảng Trị) đã triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Đến nay, mô hình ý nghĩa này đã bước đầu tiếp sức cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập.


Với mong muốn giúp các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục rèn luyện và nuôi dưỡng ước mơ học tập, từ tháng 1/2021, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hải Lăng đã phát động triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Mô hình được triển khai dưới hình thức các tổ chức Đoàn thanh niên nhận đỡ đầu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học trên địa bàn, vận động các nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ các em về vật chất và tinh thần để các em duy trì việc học.
Trao kinh phí hỗ trợ cho em Lê Phạm Minh Đức, học sinh lớp 2A, Trường TH&THCS Hải Dương, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V​
Trao kinh phí hỗ trợ cho em Lê Phạm Minh Đức, học sinh lớp 2A, Trường TH&THCS Hải Dương, huyện Hải Lăng - Ảnh: Đ.V​

Chương trình sẽ đỡ đầu cho các em đến tuổi trưởng thành hoặc khi hoàn cảnh bớt khó khăn. Từ khi triển khai đến nay, Huyện đoàn Hải Lăng đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình từ các đơn vị trên địa bàn toàn huyện. Đoàn cơ sở các xã, thị trấn đồng thời đã nhanh chóng triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn” tại đơn vị mình. Kết quả bước đầu, các đoàn cơ sở đã nhận đỡ đầu cho 42 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện với tổng số tiền hỗ trợ là 21,6 triệu đồng. Định kỳ hằng tháng, hằng quý các đơn vị đỡ đầu tổ chức thăm hỏi, động viên, trao tặng quà hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để các em có thêm điều kiện tiếp tục đến trường.

Mới đây, đại diện huyện đoàn đã đến thăm và trao hỗ trợ cho gia đình em Lê Phạm Minh Đức, học sinh lớp 2A, Trường TH &THCS Hải Dương. Gia đình em Đức thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ ly hôn, mẹ em bị bệnh hiểm nghèo vừa mới mất, bố em bỏ đi làm ăn xa. Hiện tại em đang ở với ông bà ngoại già yếu, không còn khả năng lao động lại thường xuyên ốm đau nên hoàn cảnh của em hết sức khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong điều kiện như vậy nhưng em vẫn luôn nỗ lực, cố gắng trong học tập và ngoan ngoãn, vâng lời ông bà. Mỗi tháng Đoàn thanh niên sẽ hỗ trợ em số tiền 300.000 đồng trích từ chính tiền lương của các cán bộ huyện đoàn đóng góp để hỗ trợ thêm cho em trong học tập. Tuy chỉ là một phần kinh phí nhỏ nhưng lại rất có ý nghĩa đối với trường hợp đặc biệt khó khăn như em Minh Đức.

Bí thư Đoàn cơ sở xã Hải Dương Nguyễn Ngọc Thừa chia sẻ: “Em Minh Đức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vì thế sự hỗ trợ của đoàn thanh niên như vậy là rất kịp thời và hết sức trân trọng. Hy vọng với sự chia sẻ trách nhiệm này sẽ giúp em duy trì việc học tập để có tương lai tươi sáng hơn. Về phía đoàn xã, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ cố gắng giúp đỡ, động viên thêm cho em để em an tâm đến trường”. Hay như trường hợp của em Hoàng Anh Vũ có hoàn cảnh rất khó khăn, hiện đang ở với mẹ là chị Lê Thị Kim Loan, 45 tuổi ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm. Bố em bị bệnh whitmore, đã qua đời trong trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020. Hiện tại chị Loan, mẹ Vũ không có việc làm ổn định, một mình phải làm đủ việc để gồng gánh nuôi 3 chị em đang độ tuổi đến trường, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Biết con mình nhận được sự đỡ đầu đầy nghĩa tình từ đoàn thanh niên, chị Loan xúc động bày tỏ: “Xin cảm ơn các anh chị đã quan tâm, giúp đỡ cho con tôi. Số tiền được hỗ trợ sẽ giúp cháu có điều kiện để tiếp tục đến trường, đỡ đần phần nào cho gia đình tôi trong lúc khó khăn”.

Mô hình “Em nuôi của Đoàn” mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn cao cả bởi sự tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ đã và đang cố gắng hết mình để mang lại niềm vui, thắp sáng ước mơ cho trẻ em khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, mô hình còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tổ chức đoàn, đội các cấp đối với thiếu niên, nhi đồng; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Lê Văn Phong cho biết: “Để duy trì, nhân rộng hoạt động của mô hình, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tích cực xây dựng nguồn quỹ bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, huy động sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên tại cơ sở. Ngoài việc hỗ trợ vật chất, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên các em trong cuộc sống, nhất là những lúc các em gặp vấn đề khó khăn, cần lời khuyên, các anh chị đoàn viên cũng là nơi các “em nuôi” tìm đến như một chỗ dựa tinh thần”.

Với tính thiết thực và nhân văn, mô hình “Em nuôi của Đoàn” đã thực sự tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Bằng tâm huyết, trách nhiệm, đoàn viên, thanh niên huyện Hải Lăng đã và đang cố gắng hết mình để mang lại niềm vui, thắp sáng ước mơ của trẻ em khó khăn trên địa bàn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Gian hàng 0 đồng” ấm lòng phụ nữ nghèo

Nguyễn Trang |

Xây dựng ngay cạnh trụ sở UBND thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) , “Gian hàng 0 đồng” là nơi vừa kịp thời tiếp nhận nhu yếu phẩm, hàng hóa từ mọi nguồn ủng hộ, vừa tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ khó khăn trên địa bàn huyện đến lựa chọn, nhận hàng phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hoàn toàn miễn phí.

Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo hiếu học

Thu Hạ |

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đakrông (Quảng Trị), Hồ Thị Đen, cô học sinh người dân tộc Vân Kiều đã đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, trong đó, ấn tượng nhất là điểm 10 môn Giáo dục công dân. Nghị lực vượt khó của em đã khiến nhiều người cảm phục.

Nâng bước học trò nghèo

Hà Trang |

Bên cạnh sứ mệnh trồng người, tình yêu thương cao quý, tấm lòng nhân ái của những người thầy, người cô đằng sau bục giảng chính là điểm tựa để những cô cậu học trò nghèo có cơ hội viết tiếp ước mơ được đến trường. Hơn 70 em nhỏ, hơn 70 cuộc đời đã và đang được cô giáo Thái Thị Lan, cựu giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) nâng bước chính là câu chuyện cổ tích giữa đời thường, để hành trang vào đời của các em sẽ có nhiều hơn nữa ánh sáng của tri thức, của tình người và sự sẻ chia.

Hoàn cảnh của cậu học trò nghèo

Hà Trang |

Sinh ra vốn đã thiệt thòi vì không có bố, hơn 1 tuổi thì mẹ đi lấy chồng khác, Trần Hoàng Long (11 tuổi) ở thôn 2, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được ông bà ngoại già yếu nuôi nấng, chăm sóc.