Tri ân bằng tà áo dài

Quang Hiệp |

Giữa bộn bề khó khăn sau mưa lũ, giáo viên Trường Mầm non Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tránh nghĩ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như sợ chạm vào một vết thương. Nỗi niềm ấy được xoa dịu khi các cô nhận được chiếc áo dài truyền thống do những người làm báo, nhà hảo tâm trao tặng.

Những tia nắng rẽ làn mây xám xịt sưởi ấm cả không gian xã miền núi, biên giới Tân Long. Sau chuỗi ngày ướt đẫm nỗi lo vì mưa bão, các giáo viên Trường Mầm non Tân Long trở lại trường với nụ cười rạng rỡ. Trong buổi lễ tọa đàm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, các cô giáo đều khoác lên mình những chiếc áo dài mới, thanh lịch, đẹp mắt. Trang phục truyền thống này do một nữ nhà báo ở Tuyên Quang vận động nhà hảo tâm may tặng giáo viên vùng cao. Từ sự gửi gắm của đồng nghiệp, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ đã vượt 80 km lên thăm trường, trao tận tay các cô.

Tà áo dài được các nhà báo, nhà hảo tâm trao tặng theo cô giáo Trường Mầm non Tân Long lên lớp - Ảnh: Q.H​
Tà áo dài được các nhà báo, nhà hảo tâm trao tặng theo cô giáo Trường Mầm non Tân Long lên lớp - Ảnh: Q.H​

Khoác lên mình tà áo dài màu xanh ngọc, điểm hoa văn đẹp mắt, cô Nguyễn Thị Phương Huệ (sinh năm 1978) chen lấn nhiều cảm xúc. Lâu lắm rồi, cô Huệ mới có một chiếc áo dài mới. Đây cũng là món quà chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hiếm hoi mà cô nhận được sau gần 10 năm làm cấp dưỡng. Cô Huệ từng có 14 năm đứng lớp, mang tiếng hát, tiếng cười đến với học sinh. Một vụ tai nạn giao thông đã khiến sức khỏe cô xuống dốc, đôi mắt mờ dần. Lo mình không đảm đương tốt nhiệm vụ, cô Huệ đã xin “lùi về hậu trường” để lo những bữa cơm cho em thơ. Dẫu vậy, từ sâu thẳm, người phụ nữ 24 năm cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao vẫn nặng lòng với công việc trồng người. Cứ đến mùa Hiến chương, những nốt lặng trong tâm hồn cô lại trỗi dậy. “Với tôi, chiếc áo dài được tặng không đơn thuần là một món quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nó thể hiện sự quan tâm lớn đối với giáo viên vùng cao, vừa trải qua thiên tai, đặc biệt là những người cấp dưỡng ít ai nhớ mặt, biết tên”.

Cũng như cô Phương Huệ, gương mặt cô Đoàn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1987) dường như tươi vui hơn sau những ngày trĩu nặng nỗi hoang mang. Mới đây, cô Huyền suýt bị nước lũ cuốn trôi. Hôm ấy, sau khi phụ huynh đón trẻ, cô Huyền cùng đồng nghiệp nán lại chằng chống cửa ngõ, thu xếp đồ dùng dạy và học tại điểm trường Xi Núc để phòng bão. Trên đường từ trường trở về, khi đi qua ngầm tràn, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ xuống cuốn cả cô lẫn chiếc xe máy. Trước tình thế cấp bách, cô Huyền quyết định thả xe để thoát thân. Mấy ngày sau, người dân phát hiện xe của cô dúm dó nằm cách nơi gặp nạn tầm 1 km. “Năm nay, bão lũ triền miên, tài sản quý nhất trong nhà là chiếc xe máy lại bị hư nên em buồn lắm. Chiếc áo dài được tặng như là tia nắng, sưởi ấm lòng em sau mấy ngày buồn”, cô Huệ chia sẻ.

Từng được luân chuyển, cắm bản ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, phần lớn giáo viên Trường Mầm non Tân Long đã quen với những mùa Hiến chương lặng lẽ, không rộn ràng lời chúc, xuê xoa quà cáp. Ngày 20/11, bó hoa dại mà học sinh hái ở ven đường cũng đủ để thắp niềm vui trong lòng các cô. Người may mắn hơn thì được các phụ huynh vùng cao tặng vài quả trứng, lon nếp, bó rau… Vậy mà, các cô vẫn quyết tâm bám lớp, bám trò, vượt qua những phút yếu lòng và nhiều khó khăn, thử thách.

Năm nay, ngày 20/11 của giáo viên Trường Mầm non Tân Long đến sau rất nhiều nỗi lo. Từ mấy tháng trước, COVID-19 đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các cô cũng như người dân trên địa bàn. “Thủ phủ chuối Tân Long” tiêu điều vì mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương chỉ có thể quẩn quanh trong nước. Sau COVID-19, thiên tai lại hoành hành khiến việc giữ an toàn trường, lớp, học sinh cũng trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với các nữ giáo viên chân yếu, tay mềm. Vì thế, từ sâu thẳm, mong muốn lớn nhất của các cô là bão lũ qua mau để học sinh có thể trở lại trường. Họ tạm gác lại những ước mơ, hy vọng dù là nhỏ bé nhất của mình.

Tâm sự sâu kín của giáo viên Trường Mầm non Tân Long đã được các phóng viên Báo Quảng Trị ghi nhận trong chuyến lên thăm trường và tặng sữa, gạo cho học sinh. Như một mối lương duyên, câu chuyện về sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các giáo viên ở xã Tân Long đã chạm đến trái tim một nữ đồng nghiệp ở Báo Tuyên Quang. Với sự nhạy cảm của phụ nữ, chị đã đứng ra vận động chị em trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận may tặng những chiếc áo dài tặng các cô giáo. Mọi việc được xác định phải triển khai “cấp tốc” để món quà từ Tuyên Quang đến Quảng Trị đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Điều đáng mừng là trong vỏn vẹn một tuần lễ, 128 bộ áo dài đã được hoàn thành, không chỉ dành tặng giáo viên Trường Mầm non Tân Long mà tất cả nữ giáo viên trên địa bàn và một số cán bộ, hội viên Hội LHPN xã. “Là người làm báo, tôi thấu hiểu những khó khăn của các giáo viên vùng cao, đặc biệt là trong bão lũ. Tôi cũng biết, sau thiên tai, các đoàn tình nguyện thường chỉ chú tâm hỗ trợ người dân, học sinh, ít ai hướng đến giáo viên. Vì thế, chúng tôi muốn tri ân các cô bằng những tà áo dài”, nữ nhà báo thầm lặng làm việc thiện chia sẻ.

Món quà mà các nhà báo, cá nhân hảo tâm giấu tên cho là rất nhỏ lại mang niềm vui lớn đến với nữ giáo viên ba ngôi trường trên địa bàn xã Tân Long. Công tác tại vùng cao, biên giới, đồng lương giáo viên các cô khó lấp hết những lo toan của cuộc sống. Đặc biệt, với nhiều giáo viên đã có gia đình hay thuộc diện hộ nghèo, việc sắm sửa một chiếc áo dài không phải lúc nào cũng thực hiện được. Cô giáo người Vân Kiều Hồ Thị Chanh bộc bạch: “Thấy cả nhà em quanh năm làm rẫy mà vẫn chạy gạo từng bữa, mới đây, lãnh đạo Trường Mầm non Tân Long đã tạo điều kiện cho em vào làm cấp dưỡng. Em rất vui vì có công việc để làm, giờ lại được tặng một chiếc áo dài. Đây là chiếc áo dài đầu tiên trong đời em. Em xin cảm ơn các nhà báo, nhà hảo tâm”.

Hôm Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ thay mặt đồng nghiệp Báo Tuyên Quang và nhà hảo tâm lên trao tặng áo dài truyền thống, cô giáo Phan Thị Mận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Long và nhiều cô giáo khác đều nghẹn ngào xúc động. Sự tri ân tinh tế qua chiếc áo dài đã sưởi ấm trái tim, khiến các cô giáo vùng cao một lần nữa nhận ra, mình chưa và sẽ không bao giờ bị bỏ lại phía sau. Khoác lên mình những chiếc áo dài được cắt may đẹp mắt, các cô sẽ vững tin hơn trên hành trình gieo hạt giống đẹp cho đời.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những lời chúc hay và ý nghĩa nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Thiều Trang |

Những lời chúc ngày Nhà giáo Việt Nam tràn ngập thương yêu dưới đây sẽ giúp học sinh bày tỏ lòng biết ơn tới thầy cô, phụ huynh tri ân tới giáo viên và con cái gửi lời cảm ơn tới cha mẹ là nhà giáo.

Người thầy hạnh phúc

Bội Nhiên |

Là giáo viên tiểu học dạy mỹ thuật từ năm 1990 và là giáo viên mỹ thuật ở Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành của thành phố Đông Hà từ năm 2013 đến nay, thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng một thầy giáo tuyệt vời khi thầy có 2 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 39 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 80 học sinh đạt giải cấp thành phố đồng thời Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành mà thầy góp tâm sức xây đắp sự nghiệp trồng người đã 16 lần đạt giải tập thể xuất sắc cấp tỉnh và thành phố về hội họa. Đó là kết quả sư phạm của thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng trong suốt quá trình dạy học với sự kết hợp giữa truyền đạt kiến thức và truyền cảm hứng, giữa kỹ thuật và niềm say mê.

Chu Văn An, người thầy vĩ đại của nền giáo dục Việt Nam

Minh Thu |

Triển lãm “Thượng tường Sơn Đẩu” khai mạc ngày 16/11 có ý nghĩa tôn vinh thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của trường Quốc Tử Giám.

Thầy trò vùng lũ Thừa Thiên Huế gặp mặt gọn nhẹ, ấm cúng nhân dịp 20/11

Lê Hiếu |

Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ điều chỉnh thời gian dạy bù trong cả năm học để không gây áp lực cho học sinh và thầy cô giáo sau 6 cơn bão và lũ đi qua.