Chính phủ Lào tuyên bố sẽ tiến hành cơ cấu lại việc thanh toán các khoản nợ công bằng cách chuyển đổi sang thành các khoản đầu tư tư khu vực tư nhân.
Chính phủ Lào cũng dự định giảm thâm hụt tài chính xuống mức trung bình 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm trong giai đoạn 2021-2025. Cam kết được đưa ra khi chính phủ nỗ lực giảm nợ công xuống 55% GDP để giúp đất nước cải thiện thanh khoản tài chính.
Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng gánh nặng nợ công của Lào, đặt ra thách thức cho quốc gia này trong việc thanh toán nợ của mình.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nợ công của Lào dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 69% GDP vào năm 2020, tăng từ 59% vào năm 2019. “Mức nợ tăng và tỷ lệ vay ít ưu đãi ngày càng tăng đã đẩy các khoản nợ của Làolên 1,2 tỷ đô la Mỹ cho năm 2020”.
Trong năm năm qua, chính phủ Lào đã đưa vào sử dụng các hệ thống điện tử và kết quả là giá trị thu ngân sách ghi nhận mức tăng 20%. Tuy nhiên, tổng chi ngân sách đã tăng hơn 20%, dẫn đến mức thâm hụt hàng năm ở mức 4,73%.
Thâm hụt tài khóa kinh niên đã buộc chính phủ Lào phải phát hành trái phiếu và vay thêm từ nhiều nguồn khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu hụt. Trong khi gánh nặng nợ ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi các khoản vay đến thời điểm đáo hạn. Ngoài ra, biến động tỷ giá hối đoái tác động đến nợ công của chính phủ vì nhiều khoản vay bằng ngoại tệ, đặc biệt là đồng baht Thái và đô la Mỹ, theo WB.
Trong 5 năm qua, chính phủ Lào đã cố gắng giảm gánh nặng nợ bằng cách giảm thâm hụt tài khóa và cắt giảm chi tiêu cho các dự án không thiết yếu không đảm bảo lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, các biện pháp khác để giảm gánh nặng nợ bao gồm chuyển nợ thành vốn, vốn hóa tài sản công và bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ trong giai đoạn qua cũng đang được xem xét cổ phần hóa để giảm gánh nặng nợ nần, Chính phủ Lào cũng nghĩ đến việc khai thác thêm các tiềm năng đất đai, du lịch và dịch vụ vân tải, bên cạnh nỗ lực đáp ứng lời kêu gọi cải thiên môi trường đầu tư tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thúc đẩy giảm chi phí sản xuất để tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)