Theo các chuyên gia, dịch bệnh có thể ngày càng tăng do khoảng cách giữa con người và động vật hoang dã ngày càng rút ngắn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm thế giới có khoảng 1 triệu người bệnh, hàng nghìn ca tử vong vì mầm bệnh từ động vật, có hàng chục loại vi khuẩn, virus được phát hiện trong đó có có nguồn gốc động vật.
Các nhà khoa học nhận định tốc độ của đại dịch đang tăng lên đáng kể do khoảng cách của người và động vật được rút ngắn. Vì vậy chuyên gia cảnh báo đại dịch mới có nguồn gốc động vật tiếp theo có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Gần 20 năm trước xuất hiện các đại dịch từ SARS, sau đó là dịch sốt Tây sông Nile, Ebola, Zika, Covid-19... hầu hết đều là virus bắt nguồn từ các loài dơi, có thể lây lan giữa người với người hoặc qua vật chủ trung gian.
Giáo sư Tracey McNamara, giáo sư bệnh học tại Đại học Khoa học Sức khỏe Western nhận định, khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch ngày càng ngắn lại. Còn Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, cho hay: "Chúng ta chỉ có thể chịu đựng một đợt bùng phát mỗi thập kỷ", ông nhấn mạnh đây không chỉ là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng mà cả nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về "mối đe dọa nhân loại" bắt nguồn từ động vật hoang dã, thú nuôi và những loại virus động vật mang. Nếu không có các biện pháp giám sát sẽ dễ rơi vào thế bị động trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan toàn cầu.
Dân số tăng tương tác với động vật hoang dã cũng tăng, kèm theo đó là phá rừng làm thay đổi hệ sinh thái, động vật hoang dã rời rừng, xâm nhập sâu hơn vào các cộng đồng con người sinh sống. Chưa kể là vệ sinh kém an toàn là môi trường cho vi trùng phát triển. Khi con người và động vật sống gần nhau, vi khuẩn và virus dễ dàng nhảy từ loài này sang loài khác.
Khi con người nhiễm bệnh có thể mang mầm bệnh đi nhiều nơi nhờ vào việc di chuyển giữa các nước. Bên cạnh đó, nạn buôn bán động vật ngoại lai bất hợp pháp có thể diễn ra xuyên biên giới mà không bị phát hiện, mang theo vi khuẩn, virus chết người.
Tiến sĩ John Brownstein, nhà dịch tễ học, trưởng bộ phận đổi mới của Bệnh viện Nhi Boston, nói: "Một số tác nhân dịch tễ học cũng được chứng minh là điều kiện thuận lợi khiến mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng có miễn dịch kém. Chúng bao gồm gồm biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp, thay đổi hệ sinh thái, bất bình đẳng xã hội".
Các chuyên gia nhận định con người dễ lây bệnh là do tiếp xúc trực tiếp vào nước bọt, nước tiểu phân; hoặc gián tiếp như đất, thực vật, đường ăn uống... Các nước cần đầu tư tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và ngăn chặn dịch bệnh, chung tay theo dõi động vật và những người tương tác với động vật.
Tiến sĩ Tracey McNamara, giáo sư bệnh học tại Đại học Khoa học Sức khỏe Western, nói: "Chúng ta chỉ biết cách tìm các bệnh đã biết". Đồng thời hy vọng bằng hình thức khuyến khích bác sĩ thú y trao đổi phát hiện với nhau, các chuyên gia có thể nhanh chóng xác định nguồn gốc của một đợt bùng phát trước khi nó lây lan.
(Nguồn: Phụ nữ mới)