Đọc bài viết cuối cùng nhớ trang viết đầu tiên

Trần Biên |

Mới đây tôi đọc bài bút ký Đakrông - xứ của đại bàng của cố nhà văn Xuân Đức đăng trang trọng ở tạp chí Cửa Việt số 311(tháng 8/2020). Nơi cuối bài Ban biên tập có dòng ghi chú "Bài viết được tác giả hoàn thiện 4 tiếng trước khi đột ngột qua đời ngày 20/6/2020".

Ôi, thì ra đây là bài viết cuối cùng - tác phẩm cuối cùng của một nhà văn chiến sĩ 73 tuổi đời, 40 tuổi Đảng, 25 tuổi quân. Còn hàng trăm trang viết đang ấp ủ, trong đó có cuốn hồi ký mà Xuân Đức đã viết được khoảng 40 trang A4 đành đứt gánh giữa đường hay sao. Thật là nghiệt ngã!

Xin trở lại bài viết cuối cùng của nhà văn được hoàn thiện 4 tiếng trước khi đột ngột qua đời. Bài dài khoảng 3000 từ in trên 6 trang tạp chí. Tôi đọc hơn một lần, say sưa bởi cách viết ký của ông từ trước đến nay. Riêng bài này càng đọc càng thấy phấn khởi hy vọng, những thông tin và luận cứ tác giả đưa ra có sức thuyết phục. Lấy hình tượng là đại bàng tới làm tổ, Xuân Đức viết về cái huyện miền núi sinh sau đẻ muộn còn gian khó rồi đây nếu kêu gọi được các nhà đầu tư thì Đakrông sẽ có cơ hội cất cánh bay lên.

Nhà văn Xuân Đức
Nhà văn Xuân Đức

Đi liền với sự đọc là sự nghĩ, đọc của ai cũng vậy, huống hồ tôi đang đọc bài của bạn, bạn thực sự nên càng nghĩ nhiều. Nghĩ cái hôm nay, cái ngày xưa xem có gì liên quan, kết nối.

*

Bấy giờ, khoảng tháng 6, tháng 7 gì đó năm 1966, tiểu đoàn BB47 đang tác chiến ở địa bàn huyện Cam Lộ được lệnh quay ra bắc sông Bến Hải xây dựng trận địa sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không, Nằm trong đội hình Tiểu đoàn, binh nhất Nguyễn Xuân Đức được giao nhiệm vụ đào hệ thống chiến hào, công sự từ chân lên đỉnh điểm cao 43 thuộc xã Vĩnh Chấp. Đây là một công việc vô cùng nặng nhọc. Bộ đội đào hầm, hào dưới trời nắng, nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn dao động trên dưới 400 C. Đất đồi toàn sỏi phải dùng cuốc chim bổ xuống thật lực, có lúc tóe lửa mới xúc được vài lưng xẻng. Đã thế, máy bay Mỹ lại thường mò tới "cắt" bom tọa độ. Bom nổ, khói trùm cả một vùng đồi. Mảnh bom bay ràn rạt, cây cỏ cháy đen thui, khét lẹt. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, căng thẳng, cực nhọc không kể xiết.

Giữa những ngày đào hào căng thẳng đó, đại đội chọn một số chiến sĩ tập văn nghệ chuẩn bị dự hội diễn tiểu đoàn. Thật là tốt phúc cho chiến sĩ nào được chọn vào đội văn nghệ vì sẽ được "xay lúa thì khỏi bồng em".

Vào một buổi tối, Xuân Đức đi ngang qua một đoạn đường hào nơi đóng quân chợt thấy chiến sĩ Quỳnh và vài ba chiến sĩ đang say sưa chuyện gì đó có vẻ rôm rả lắm. Lắng nghe kỹ thì ra họ đang bàn nên hát bài gì. Anh tò mò hỏi thì được biết đại đội đang chuẩn bị tập tiết mục văn nghệ tham gia hội diễn tiểu đoàn. Quỳnh còn nói thêm đội đang bàn nên hát bài này, bài này... và hỏi anh có được không.

Chưa vội trả lời, bởi bất giác anh bỗng nghĩ tới cái cảnh khốn khổ trong những ngày đào hào vừa qua và chạnh lòng nghĩ mấy cậu này tới đây sẽ được nghỉ đào hào để tập văn nghệ, sướng thế! Rủi cho Xuân Đức, hơn trăm con người trong đại đội tuyệt nhiên không ai hề biết anh có năng khiếu văn nghệ. Thời học sinh thi văn đỗ thứ nhì miền Bắc. Cũng không ai biết ông bố của anh chặt hạ mấy cây mít trong vườn bán được mấy chục đồng mua cho cây đàn nguyệt để anh theo nghệ nhân Trần Duyến học đàn và hát dân ca suốt mấy tháng hè năm mới học lớp 7. Đã thế thì làm sao mà biết được anh là học trò xuất sắc đứng đầu bảng của lớp học dân ca hồi đó, đàn ngọt hát hay, học một biết mười. Giá như đại đội biết được thì giờ đây mình không thể là người thừa đứng chầu rìa ở đây để hóng chuyện của mấy bạn tập văn nghệ.

Vỗ vỗ vai Quỳnh, Xuân Đức thủng thẳng nói: "Chúng mày tham gia hội diễn mà toàn hát mấy bài của Trung ương, lại mấy cái giọng thuốc lá khê đặc thì làm sao được giải". Quỳnh bảo biết thế, nhưng phải làm sao bây giờ? Xuân Đức liền mách nước, đi thi muốn thắng cần phải có tiết mục tự biên tự diễn nói về nhiệm vụ đơn vị mình may ra mới được giải. Quỳnh nói, chúng tao biết thế rồi, nhưng làm sao tự biên tự diễn đây? Anh khẽ cười bảo, mày báo cáo với chính trị viên cho tao nghỉ đào hào mấy hôm tao sáng tác cho. Nói rồi quay gót đi luôn, nghe đằng sau tiếng Quỳnh kêu oai oái: "Này, mi nói thiệt hay nói chơi đó hả Đức?".

Sáng hôm sau, Xuân Đức nhận phần cơm nắm ăn trưa, xốc cuốc xẻng lên vai chuẩn bị đi đào hào thì bất ngờ liên lạc đại đội chạy xuống nói: "Đồng chí Đức lên gặp Chính trị viên".

Chính trị viên Trần Đăng Khoa nhìn Xuân Đức bằng ánh mắt nghi nghi, ngờ ngờ:

- Này, nghe nói, mấy đồng chí văn nghệ báo cáo là cậu nhận sáng tác tiết mục cho anh em đi hội diễn phải không?

Xuân Đức hơi lúng túng:

- Báo cáo thủ trưởng là em cũng góp ý vậy thôi.

- Tốt! Cậu nghỉ đào hào viết ngay một tiết mục, tối nay đưa lên đây tôi xem.

Trở về hầm Xuân Đức lăn ra ngủ một lèo bởi sự đói ngủ thường trực của cánh lính trẻ đào hào. Ngủ dậy lấy cơm vắt ăn trưa rồi đi tắm. Có lẽ nhờ được ngủ đẫy giấc, lại được tắm mát nên con người nhẹ nhõm, đầu óc tỉnh táo, nhờ thế mà lóe lên được hai ý tưởng rất quan trọng. Một là đặt tựa cho tiết mục sắp viết. Chính trị viên rất khoái với khẩu hiệu mà bất cứ cuộc sinh hoạt đại đội nào hoặc đến thăm kiểm tra các trung đội, tiểu đội, ở đâu, lúc nào ông cũng luôn nhắc "Tất cả cho chiến dịch đường hào diệt Mỹ". Thế là Xuân Đức quyết định lấy luôn tên Đường hào diệt Mỹ làm đầu đề cho tiết mục sắp viết, như vậy ông Khoa ắt sẽ khoái chí, hài lòng. Hai là chọn thể loại cho cái Đường hào diệt Mỹ là gì. Thoạt đầu định viết một kịch vui nhưng suy đi tính lại, kịch nói rất khó diễn cho cái đám văn nghệ nghiệp dư đại đội, hơn nữa (cái này quan trọng hơn) nếu viết kịch nói, viết xong, giao kịch bản cho Chính trị viên coi như đã hoàn thành nhiệm vụ thì tất nhiên phải lên đồi tiếp tục điệp khúc đào hào. Nếu sự việc diễn ra như thế thì đúng là "xôi hỏng, bỏng không". Nghĩ thế, Xuân Đức viết một hoạt cảnh dân ca Trị Thiên, sử dụng một số làn điệu thông thường trước đây đã được học ở nghệ nhân Trần Duyến, nhưng biết chắc cả đơn vị không ai biết hát.

Đúng lệnh, tối hôm đó Xuân Đức cầm bản thảo lên nộp Chính trị viên rồi điềm nhiên trở về hầm ngủ. Sáng mai dậy lại điềm nhiêm chuẩn bị xẻng cuốc đi đào hào tuy trong bụng thì bồn chồn chờ đợi một cái gì đó. Khi cả trung đội đang bước thấp bước cao trèo lên điểm cao 43 thì cậu liên lạc hớt hải chạy đến truyền lệnh: "Đồng chí Đức về gặp Chính trị viên gấp". Lòng lâng lâng cộng thêm chút thấp thỏm, anh đi như chạy về lán chỉ huy thấy Quỳnh và các chiến sĩ trong đội văn nghệ đang vây quanh ông Khoa. Vừa nhìn thấy Xuân Đức ông Khoa nói ngay: "Cậu viết bài này rất đúng chủ trương đơn vị, hay đấy, nhưng sao lại viết mấy cái điệu gì thế này, anh em đây có đứa nào biết hát đâu". Xuân Đức lễ phép thưa: "Báo cáo thủ trưởng, hội diễn văn nghệ, trình độ anh em ta có hạn mà hát mấy bài nhạc mới khó "ăn" giải; phải hát dân ca địa phương mới được chấm ưu tiên". Chính trị viên Khoa gật đầu cái rụp nói: "Đúng, đúng, phải văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng ai dạy cho anh em hát đây". Xuân Đức từ tốn: "Nếu anh em không ai biết thì để em dạy cho". Ông Khoa mắt sáng lên: “Tốt lắm! Tốt lắm! Tôi quyết định bổ sung cậu vào đội văn nghệ trực tiếp đạo diễn chương trình của đại đội đi hội diễn".

Thế là từ đó Xuân Đức được nghỉ hẳn đào hào để chuyên lo về văn nghệ. Phấn khởi, ông viết tiếp một màn kịch ngắn dân ca Trị Thiên tập luôn cho đội. Năm đó chương trình văn nghệ Đại đội 2 đoạt giải nhất tiểu đoàn. Tiểu đoàn chọn chương trình này đem đi dự hội diễn Bộ Tư lệnh 270 (BTL 270) đoạt luôn giải nhất.

Đúng vào lúc đó BTL 270 thành lập đội Tuyên truyền văn hóa (bộ đội và dân quen gọi là văn công) làm nhiệm vụ ca hát, biểu diễn văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần bộ đội thời chiến. Dĩ nhiên binh nhất Nguyễn Xuân Đức là cái tên đầu tiên được điều lên đội với nhiệm vụ vừa biểu diễn văn nghệ vừa sáng tác các tiết mục sân khấu cho chương trình của đội Tuyên Văn (tên gọi rút gọn cụm từ Tuyên truyền văn hóa) BTL 270. Thế là từ đây Xuân Đức không trực tiếp cầm súng nữa, thay vào đó được cầm bút để từng bước tiến vào con đường thăm thẳm của văn chương.

*

Riêng tôi - bạn đồng đội, thêm một chút là bạn viết với Xuân Đức, thân quen nhau từ hơn nửa thế kỷ trước cũng có góc nhìn riêng, nhân đây được chia sẻ. Theo tôi, Xuân Đức đến với sự nghiệp văn chương hay là bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng cái hoạt cảnh Đường hào diệt Mỹ được viết năm 1966 mà tôi vừa kể ở trên. Cái hoạt cảnh ấy, Xuân Đức kể, viết đặc kín 4,5 trang giấy kẻ ngang mô tả tinh thần lao động hăng say của bộ đội phối hợp với dân quân địa phương đào hầm công sự xây dựng trận địa, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ nếu chúng liều lĩnh đổ bộ bằng đường không ra Vĩnh Linh. Ông còn kể thêm đây là lần đầu cầm bút sáng tác nên lấy ngay những kiến thức vừa được học ở Cụ Dỏ (nghệ nhân Trần Duyến), bằng một số làn điệu dân ca quen thuộc, hò mái nhì, mái xắp, hò hụi, vè, lý ngựa ô để chuyển tải nội dung. Viết trong khoảng 3, 4 tiếng thì xong, nộp cho Chính trị viên, được khen rối rít. Thời lượng cũng ngắn thôi, khoảng hơn mười phút. Diễn viên tất nhiên toàn là lính, tay còn phồng rộp do vừa mới buông cán xẻng, rời cái cuốc đào hào ngày hôm trước, tuy nhiên bước vào tập văn nghệ rất hăng. Giám khảo xem, gật gù khen, cho điểm rất cao.

Nhờ đó đã nâng bước Xuân Đức đang ở đơn vị chiến đấu được điều thẳng lên Bộ Tư lệnh làm văn hóa nghệ thuật, để rồi từ đây bước vào sự nghiệp văn chương, liên tiếp gặt hái những mùa màng bội thu. Trên con đường ấy, ông đã xác lập được một tên tuổi xứng đáng đầy sức thuyết phục trong Hội Nhà văn và Hội Sân khấu Việt Nam. Để rồi cũng trên con đường này Xuân Đức lần lượt gặt hái được những mùa màng bội thu: In 6 cuốn tiểu thuyết, 1 tập thơ, 1 tập ký, 2 tập kịch, công diễn gần 50 vở kịch dài, biên kịch 5 kịch bản cho 5 bộ phim truyền hình dài tập (trên 160 tập), chủ biên 3 công trình nghiên cứu văn hóa, xứng đáng với giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 2 năm 2007).

Lại nhớ, lúc sinh thời trong một cuộc trà với tôi, ông cười bảo: “Mấy trang viết đầu tiên về cái hoạt cảnh ấy chẳng có ý nghĩa vật lý gì ghê gớm lắm, nhưng quan trọng là nó tạo được bước ngoặt quyết định đường đi cuộc đời mình sau này”.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

“Giải mã” Nhà văn Xuân Đức

Đoàn Phương Nam |

Tối ngày 20/6/2020, trên facebook của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết những dòng ứa lệ: “Nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa thông báo cho tôi: Nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Xuân Đức (Nguyễn Xuân Đức) sinh năm 1947, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật bị tai nạn, ngã, đã mất lúc 9 giờ tối nay 20/6/2020 tại Quảng Trị. Đây là một một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với chị Phú, các cháu và Nhà hát kịch Quân đội cùng bè bạn của anh. Cõi đời thật vô thường. Đau quá. Buồn quá!”.

Nhà văn Xuân Đức - Người đi xa khuất, bóng hình còn đây…

Đào Tâm Thanh |

Đối với miền đất Quảng Trị, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay, nhà văn Xuân Đức là một nhân vật rất đặc biệt. Với tư cách là một người lính, ông thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”, bám trụ kiên cường trên quê hương mình để đánh giặc, giữ đất, giữ làng. Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, ông trở thành nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch lừng danh của đất nước. Và chất tài hoa này càng mặn mà hơn, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng rau hoa, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, chất tài hoa vẫn vận vào ông để tiếp tục sinh thành những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín hơn, đẳng cấp hơn…

Xuân Đức - Nhà văn của miền đất lửa Quảng Trị

Xuân Thành |

Nhắc đến nhà văn Xuân Đức, nhiều người nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Người không mang họ”. Thế nhưng, gia tài của nhà văn đất lửa Quảng Trị này còn nhiều hơn thế, ông có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hàng chục vở kịch, tiểu thuyết lớn.

Nhà văn Xuân Đức từ trần đêm 20/6

Yên Mã Sơn |

Thông tin từ nhà báo Phạm Xuân Dũng (Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị), nhà văn Xuân Đức, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Người không mang họ đã từ trần vào 21 giờ ngày 20/6/2020.