EWEC - TÌM “LỐI ĐI XUYÊN MƠ ƯỚC”

Đào Tâm Thanh |

Không phải đến bây giờ, chúng ta mới cảm nhận được sự may mắn khi sở hữu con đường số 9, tuyến đường huyết mạch thông ra biển Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á, tuyến đường mà từ năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Beau đã từng khẳng định: “chỉ con đường này là thực tế nhất” và “đây là lối đi xuyên mơ ước, cái lỗ hổng lý tưởng dẫn ta vào nội địa xứ Đông Dương”.

Ngay sau những năm đầu lập lại (năm 1989), tỉnh Quảng Trị đã dành sự quan tâm đặc biệt để đánh thức, khai thác tiềm năng KT-XH đường 9, chủ động tham gia chương trình hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và đến nay đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Vậy nhưng trên thực tế, để “lối đi xuyên mơ ước” này trở thành một con đường “thực tế và kinh tế nhất”, vẫn đang đặt ra thách thức là Quảng Trị cần tìm một hướng đi riêng để khai mở, khai thác hiệu quả EWEC trong tương lai gần.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Ảnh: N.K
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Ảnh: N.K
Tỉnh Quảng Trị là địa phương được xác định ở vào điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC; là giao điểm huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc-Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch…25 năm trước, vào ngày 12/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Khu Thương mại Lao Bảo).

Ngày 12/1/2005, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo cho phép hoạt động theo quy chế riêng thông qua việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh nên đã đón nhận sự đầu tư khá lớn, trở thành khu KTTM sầm uất; là một trong những hình mẫu lý tưởng của khu KTTM của cả nước.

Tuy nhiên qua những giai đoạn thăng trầm, do nhiều nguyên nhân khách quan, hiện Khu KTTMĐB Lao Bảo không còn sôi động như trước nhưng khả năng thu hút đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được xây dựng ở đây vẫn là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy KT-XH khu vực phát triển nếu có giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý. Vào cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chọn Khu KTTMĐB Lao Bảo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Một trạm cung cấp xăng dầu ở tỉnh Savannakhet, Lào - Ảnh: Đ.T
Một trạm cung cấp xăng dầu ở tỉnh Savannakhet, Lào - Ảnh: Đ.T
Được lựa chọn khu vực trọng điểm đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Khu KTTMĐB Lao Bảo có thêm “cơ hội vàng” để biến những lợi thế, cơ hội thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế của địa phương. Mới đây, EWEC đã được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc thúc đẩy phát triển EWEC có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 của tỉnh Quảng Trị.

Để khai thác hiệu quả EWEC trong bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách đồng bộ để thu hút đầu tư, nâng cao đời sống dân sinh ở địa bàn Khu KTTMĐB Lao Bảo và có sức ảnh hưởng, lan tỏa ra toàn vùng. Triển khai dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây giai đoạn 1 trên 48 km (tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 55 km).

Đề xuất với các đối tác tiếp tục tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để nâng cấp Quốc lộ 9 giai đoạn 3, tạo thêm 2 làn đường để các loại phương tiện tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, chợ biên giới, dịch vụ hậu cần logistics, xây dựng khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Khu KTTMĐB Lao Bảo có quy mô, tiềm năng phát triển lớn, là cơ sở quan trọng để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới. Hiện Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị)-Densavanh (Savannakhet) đã được chính phủ hai nước thống nhất chủ trương, dựa trên mô hình “Hai nước một khu kinh tế” có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng sự độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Tuyến giao thông từ TP. Đông Hà kết nối với các địa phương vùng biển Quảng Trị đã được xây dựng khá hoàn thiện - Ảnh: Đ. T
Tuyến giao thông từ TP. Đông Hà kết nối với các địa phương vùng biển Quảng Trị đã được xây dựng khá hoàn thiện - Ảnh: Đ. T
Nếu được thống nhất triển khai thực hiện, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh sẽ góp phần khai thác hiệu quả “vùng động lực của tuyến động lực” tỉnh Quảng Trị về phía Tây. Từ đây, sẽ thúc đẩy sự kết nối với các đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Trị, tạo thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ như vận tải, logistics, thương mại, du lịch, tạo điều kiện để phát triển Khu công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá, khởi động KCN Quảng Trị, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Các khu dịch vụ du lịch biển, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tạo nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC và các vùng phụ cận cũng sẽ được đầu tư xây dựng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của EWEC gắn với phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Song song với quá trình xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh, tỉnh Quảng Trị có thêm điều kiện để thúc đẩy phát triển 2 đô thị dịch vụ là Khe Sanh và Lao Bảo, trong đó phát triển mạnh dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch, xây dựng hệ thống đường giao thông, kho bãi, cảng cạn, tạo động lực thu hút đầu tư để Khu KTTMĐB Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại có tầm cỡ trên EWEC.

Bên cạnh đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của EWEC, tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam)-Salavan (Lào)- Ubon Ratchathani (Thái Lan)” (gọi tắt là PARA-EWEC). Đây là hành lang giao thông mới rất thuận lợi kết nối từ cực Nam của nước Lào với Biển Đông của Việt Nam có chiều dài hơn 420km. Việc hình thành thêm tuyến hành lang này sẽ kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các nước Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng nước sâu Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị.

Nếu đề án được hiện thực hóa sẽ có thêm sự kết nối giữa EWEC và PARA-EWEC, tạo xung lực và cơ hội hợp tác, hỗ trợ phát triển KT-XH khu vực phía Tây nói riêng, tỉnh Quảng Trị và miền Trung Việt Nam nói chung.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trao 10 triệu đồng từ bạn đọc Xanh EWEC hỗ trợ bé Minh Ngọc tìm âm thanh

Bảo Phú |

Ngày 10/8, Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị (Xanh EWEC) đã đến thăm, động viên và trao số tiền bạn đọc Xanh EWEC hỗ trợ gia đình bé Minh Ngọc. 

Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển trên EWEC

Trần Hà |

Sẽ đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (Quảng Trị) trước năm 2030 thay thế Quốc lộ 9 hiện tại để kết nối trực tiếp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển trong khu vực.

“Hồi sinh” du lịch trên EWEC

Yên Mã Sơn |

Cung đường EWEC là tài nguyên vô giá để liên kết phát triển du lịch giữa Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều tour xuyên á trên cung đường này đang dần nối lại, thắp tín hiệu “hồi sinh” sau đại dịch…

Cuối tháng 6/2022 sẽ diễn ra hội nghị hợp tác quốc tế 3 tỉnh trên EWEC

Ngọc Phong |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa cho biết, Hội nghị hợp tác về Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và Truyền thông lần thứ III giữa 3 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) sẽ được tổ chức từ ngày 23 – 25/06/2022 tại thành phố Đông Hà.