Thống kê mới đây của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho thất hiện có 214 doanh nghiệp đang đầu tư vào 319 hoạt động địa chất và khoáng sản tại nước này.
Trong đó, có 21 công ty đang thực hiện 28 hoạt động tìm kiếm, 70 công ty đang thực hiện 83 hoạt động khảo sát, 43 công ty đang thực hiện 67 hoạt động nghiên cứu Khả thi về mặt kinh tế-kỹ thuật tiền khai thác cùng 80 công ty đang thực hiện 141 hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.
Tổng diện tích được chính phủ cấp phép cho hoạt động khai thác là 7.281.047 hecta, chiếm 30.75% diện tích cả nước.
Bộ Năng lượng và Mỏ cũng cho biết đến nay Lào đã ghi nhận 570 điểm xuất hiện quặng khoáng sản các loại trên tổng diện tích 162.104 km2, tương đương 68.46% diện tích cả nước, trong đó bao gồm quặng vàng, bạc, đồng, niken, chì, than đá, boxit, đá vôi, sắt, đá quý, muối mỏ, muối potas, nhôm, mangan, dolomite, barit…
Ngành Năng lượng và Khai khoáng vẫn đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Lào trong 5 năm trở lại đây, đem lại cho ngân sách nước này hơn 2 tỷ USD.
“5 năm qua, ngành Năng lượng đóng góp cho ngân sách quốc gia 1.225 tỷ USD, trong khi lĩnh vực Khai khoáng mang lại nguồn thu 838 triệu USD”, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath cho biết mới đây, trước thềm Lào chuẩn bị kỷ niệm 45 năm Quốc khánh (2/12).
Lào cũng đưa ra tiêu chuẩn đầu tư lĩnh vực thăm dò và khảo sát khai thác khoáng sản trong nước.
Đây là cơ sở quy định được đặt ra trước thềm chính phủ Lào cho phép mở lại việc tiếp nhận đề xuất đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng vào đầu năm tới, sau lệnh tạm ngừng hoạt động này kể từ đầu tháng 9.
Theo nội dung quy định mới, nhà đầu tư đề xuất tham gia vào việc thăm dò kim loại quý, gồm vàng, bạc, bạch kim cần chứng minh khả năng tài chính tối thiểu 10 triệu USD.
Các loại quặng có giá trị thấp hơn, mức vốn đầu tư tối thiểu sẽ ít hơn, chi tiết có trong bảng biểu đính kèm thông tư, được công khai trên công báo nhà nước Lào.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đề xuất thực hiện khảo sát, nhà đầu tư cần tăng gấp đôi đăng ký vốn, đồng thời phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản từ 5 năm trở lên.
Nếu chưa đủ điều kiện này, nhà đầu tư cần thuê các doanh nghiệp hoặc chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật và tài chính mới nhằm đảm bảo nhà đầu tư có đủ khả năng để thực hiện dự án, nhằm tối đa hóa nguồn lợi khoáng sản của Lào.
Quy định về tiêu chuẩn được đưa ra sau khi nhiều báo cáo giám sát cho thấy các doanh nghiệp do chính phủ tô nhượng không đủ vốn hoặc năng lực để triển khai dự án hiệu quả. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư bị phát hiện chỉ hoàn thành thủ tục cấp phép để sang nhượng dự án lại cho đơn vị khác.
Những vấn đề trên dẫn đến hiệu quả thực hiện dự án thấp, thậm chí gây ảnh hưởng môi trường dân cư khu vực lân cận. Bên cạnh đó, còn có những dự án không được triển khai hoặc có tiến độ rất chậm so với thỏa thuận tô nhượng ban đầu.
Hồi tháng 6 vừa qua, báo cáo với Quốc hội, Chính phủ Lào cho biết đã có 82 dự án trong diện tô nhượng đã bị thu hồi giấy phép do nhà đầu tư vi phạm thỏa thuận đã ký.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)